- Cơ duyên nào đưa ông tới đảm trách cương vị CEO Grab Việt Nam?
Ông Alejandro Osorio, CEO Grab Việt Nam: Tôi đã gắn bó với Grab từ nhiều năm trước. Công việc ở đây cho tôi sự khám phá và học hỏi dường như vô tận. Và cương vị lãnh đạo Grab Việt Nam không nằm ngoài guồng quay đó.
Về bản thân mình, tôi rất hào hứng khi tiếp xúc với một quốc gia, một nền văn hóa mới. Việc lựa chọn tới làm việc ở Việt Nam cũng giống như tôi chọn rời quê nhà để làm việc ở Australia, Nhật Bản, Singapore hay Thái Lan. Mỗi điểm đến đều là một phần của cuộc đời tôi.
- Ông thấy mình có thuận lợi và khó khăn gì ở thị trường Việt Nam?
Tôi sẽ nói về lợi thế trước. Dù ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác, tôi vẫn đang làm việc cho một doanh nghiệp toàn cầu với những tầm nhìn vượt xa biên giới của một vài quốc gia. Ở Việt Nam, tôi may mắn được làm việc với những cộng sự xuất sắc bậc nhất mà tôi từng biết tới. Bên cạnh năng lực trong công việc, mọi người dành cho nhau một sự quan tâm rất chu đáo. Đó là điều khiến tôi đặc biệt gắn kết với Grab Việt Nam.
Thứ 2, tôi có thể ngay lập tức nhìn thấy tác động từ những chương trình, kế hoạch mà chúng tôi triển khai. Ở chiều ngược lại, chúng tôi có thể lắng nghe từ chính người dùng mà chúng tôi phục vụ, các đối tác mà chúng tôi đang hợp tác và xa hơn nữa là đánh giá của cộng đồng với dịch vụ mà Grab cung cấp.
Trên cương vị lãnh đạo một doanh nghiệp cung cấp rất nhiều dịch vụ khác nhau cho người tiêu dùng, tôi cũng có cơ hội nhìn thấy các lĩnh vực mới đầy tiềm năng. Về bản thân mình, vị trí này thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo của bản thân tôi, giúp tôi duy trì niềm cảm hứng và động lực cống hiến.
Còn về thách thức, Grab đang là một trong những doanh nghiệp hàng đầu thị trường nên chúng tôi có trách nhiệm rất lớn, không chỉ với người dùng mà còn cả với cộng đồng mà chúng tôi đang phục vụ. Và trên cương vị người lãnh đạo, tôi cũng gánh trên vai áp lực đó.
Đôi khi, chúng tôi có rất nhiều áp lực, nhất là khi chúng tôi luôn phải tìm sự cân bằng giữa những nhu cầu khác nhau. Khách hàng muốn rẻ, đối tác tài xế muốn kiếm được nhiều tiền còn các đối tác cửa hàng lại muốn có doanh thu cao và chúng tôi cần đưa ra lời giải chung. Đôi khi, lời giải đó có thể khiến một bộ phận khách hàng, đối tác không hài lòng nhưng chúng tôi vẫn phải làm bởi điều đó tốt cho tổng thể.
Thứ 2 là tốc độ của ngành này đang tăng trưởng rất nhanh. Nền kinh tế số vẫn còn khá mới và nó đang không ngừng thay đổi với tốc độ chóng mặt. Trong vài trò người dẫn đầu, chúng tôi phải có những bước đi vừa thận trọng vừa mạnh mẽ nhưng cũng phải vững vàng trên con đường nhiều thử thách đó.
Và không chỉ thế, chúng tôi còn phải dự đoán trước những thay đổi để có thể nắm bắt được xu thế. Ở quy mô hiện nay của Grab, chúng tôi sẽ phải luôn duy trì sự tập trung, đảm bảo đi đúng hướng. Đó không hẳn là bất lợi mà sẽ là thách thức chúng tôi luôn phải lưu tâm.
- Ở thời điểm hiện tại, ông đánh giá ra sao về tiềm năng của thị trường Việt Nam?
Tôi nghĩ bạn đã có câu trả lời trong chính câu hỏi này rồi. Tiềm năng là điều mà Grab đánh giá rất cao ở Việt Nam. Đây là nền kinh tế được dự đoán phát triển nhanh nhất Đông Nam Á với một lực lượng dân số trẻ với xu thế Mobile First – môi trường không thể tuyệt vời hơn cho Grab.
Với tầng lớp trung lưu đang ngày càng nhiều cùng với sự trở lại trong lĩnh vực du lịch hậu Covid-19, chúng tôi thực sự nhận thấy những tiềm năng to lớn ở phía trước. Ngay cả khi kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ khó khăn, tôi nghĩ ảnh hưởng tới Việt Nam vẫn có nhưng sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều so với các thị trường khác trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, Grab sẽ nỗ lực hơn nữa để có nhiều dịch vụ hơn, đáp ứng nhiều nhu cầu của thị trường hơn nữa. Chúng tôi hy vọng mình sẽ trở thành một phần cuộc sống hàng ngày của đông đảo người dân.
- Như ông đã chia sẻ, Việt Nam rõ ràng là một thị trường rất tiềm năng. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu cũng đã nhận ra những điểm hấp dẫn đó. Là một người trong cuộc, ông đánh giá ra sao về mức độ cạnh tranh của thị trường Việt Nam?
Chúng tôi không nghĩ quá nhiều tới vấn đề cạnh tranh. Nền kinh tế kỹ thuật số vẫn còn đang phát triển, tỷ lệ thâm nhập của các dịch vụ số còn chưa cao, nhất là ở khu vực nông thôn, nên vẫn còn rất nhiều dư địa. Chính vì thế, chúng tôi muốn nghĩ nhiều hơn đến việc làm thế nào để tận dụng cơ hội và đón đầu xu hướng. Thậm chí, chúng tôi cũng sẵn sàng học hỏi từ các đối thủ. Chính điều này giúp chúng tôi liên tục đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ người dùng tốt nhất.
- Mục tiêu của Grab trong những năm sắp tới là gì? Grab dự định đẩy mạnh hoạt động ra sao và chọn trọng tâm vào những lĩnh vực nào?
Chúng tôi sẽ tập trung vào 4 trọng tâm.
Đầu tiên là tận dụng hệ sinh thái siêu ứng dụng - điều này đồng nghĩa với việc làm thế nào để tận dụng tốt nhất sự thấu hiểu thị trường, công nghệ, kinh nghiệm, và nền tảng người dùng. Tiếp theo là gia tăng hiệu quả vận hành bằng cách liên tục đổi mới, thích nghi trong bối cảnh thị trường đang phát triển không ngừng. Chiến lược thứ ba đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động hiện nay, là đưa ra dịch vụ có mức chi phí hợp lý. Cuối cùng là tạo ra những tác động tích cực cho cộng đồng, đây là phương châm trong mọi hoạt động của Grab.
- Xe điện đang nổi lên như một xu hướng mới trong thị trường Taxi. Grab có nhận thấy sự cạnh tranh nào từ những “tay chơi mới” sử dụng hoàn toàn phương tiện chạy điện trên thị trường Việt Nam hay không?
Tôi không nhìn các hãng taxi điện là đối thủ cạnh tranh. Ngược lại, việc xe điện được đưa vào sử dụng trong lĩnh vực gọi xe sẽ mở ra nhiều không gian mới, nhiều cơ hội mới cho chúng tôi. Những năm qua, tập đoàn Grab đã đưa ra những cam kết để trung hòa carbon vào năm 2040. Chính bởi thế, Grab Việt Nam cũng rất sẵn sàng cho xu hướng xanh để góp phần bảo vệ môi trường.
Ở Việt Nam, chúng tôi đang từng bước hiện thực hóa điều đó. Chẳng hạn như GrabFood có tính năng để khách hàng lựa chọn không lấy dụng cụ ăn uống dùng một lần. Chúng tôi cũng đang hướng tới khả năng sử dụng xe điện cho các dịch vụ Grab nhưng cũng cần phải lưu tâm tới giá cả và cơ sở hạ tầng phụ trợ, vốn vẫn còn khá mới ở Việt Nam.
Gần đây, chúng tôi đang hợp tác cùng một đối tác trong nước để thử nghiệm dùng xe điện giao hàng hóa, từ đó hiểu xem các tài xế đón nhận, phản hồi về xe điện thế nào. Chúng tôi cũng đánh giá tổng thể những lợi ích mà xe điện có thể mang lại với đối tác. Kết quả thử nghiệm ban đầu khá hứa hẹn.
Khi thị trường có thêm “người mới”, dù là taxi hay ứng dụng đặt xe, dù là xe điện hay xe xăng, tôi nghĩ các bên vẫn có thể cùng nhau tăng trưởng. Trong môi trường đó, lợi thế của chúng tôi là hệ sinh thái siêu ứng dụng được xây dựng qua nhiều năm cùng những lợi ích mà người dùng và đối tác đang tận hưởng.
- Xin hỏi một chút về cá nhân ông. Trải qua vài tháng nhận nhiệm vụ mới, ông đã quen với công việc và môi trường sống ở Việt Nam hay chưa?
Trong công việc, tôi không gặp khó khăn gì bởi tôi đã quen với môi trường của Grab. Ngoài ra, việc sẵn sàng lắng nghe và hiểu bản sắc địa phương cũng như cách thức mọi người làm việc hàng ngày giúp tôi làm quen nhanh hơn. Điều này thực sự rất thuận lợi.
Ngoài ra, tôi là người thích khám phá văn hóa ở những vùng đất mới. Tới Việt Nam, sự nồng hậu của mọi người giúp tôi nhanh chóng thích nghi. Không chỉ đồng nghiệp của tôi ở Grab mà mọi người tôi gặp ngoài cuộc sống cũng rất cởi mở chào đón một người nước ngoài như tôi.
- Vậy trong những hành trình loanh quanh đó, có món ăn nào của Việt Nam để lại cho ông ấn tượng sâu sắc nhất hay không?
Ẩm thực của Việt Nam rất tuyệt vời. Các bạn có quá nhiều món ăn ngon. Tôi thích bánh mì, và có rất nhiều cửa hàng bán bánh mì ngon trong thành phố. Khi mới tới Việt Nam, tôi có thể ăn 4 ổ bánh mì trong 1 ngày. Giờ thì tôi chuyển sang dành “tình cảm đặc biệt” cho món bún chả và bún nem.
Thế nhưng có vẻ người tiêu dùng Việt Nam không đồng quan điểm với tôi. Theo thống kê, trong năm 2022, những món ăn được yêu thích nhất trên GrabFood lại là trà sữa, cơm sườn, gà rán... Tôi nghĩ mình nên làm gì đó để mọi người đặt bún chả nhiều hơn cho bữa ăn của mình (cười).
- Vậy ông cảm thấy ấn tượng nhất điều gì khi ở Việt Nam?
Ồ, đó chính là tinh thần kinh doanh của người dân. Người Việt Nam kinh doanh mọi nơi có thể, từ những người bán hàng trên vỉa hè ven những đường phố lớn cho đến các hàng quán trong hẻm nhỏ. Đó là điều thực sự đáng ngưỡng mộ.
Khi nhìn vào những hình ảnh ấy, tôi thấy rất nhiều người Việt Nam đang nỗ lực cho một tương lai tốt đẹp hơn cho chính mình. Nó cũng phần nào thể hiện sự sáng tạo, cần cù và những nỗ lực không ngừng của mọi người. Tôi hy vọng Grab có thể giúp phát huy những tinh thần đó.
Những người kinh doanh nhỏ lẻ cũng là đối tượng mà Grab muốn hỗ trợ nhiều hơn nữa. Với việc mở các cửa hàng trực tuyến trên GrabFood hay GrabMart, chúng tôi hy vọng họ sẽ tiếp cận được nhiều người dùng hơn và có thêm nguồn doanh thu mới.