TMT Motors cho biết đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với SAIC-GM-Wuling (SGMW) - một liên doanh đến từ Trung Quốc - để sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe Hongguang MiniEV tại thị trường Việt Nam.
Wuling Hongguang MiniEV là mẫu xe điện siêu nhỏ bán chạy nhất Trung Quốc và thế giới trong giai đoạn 2020-2022. Các linh kiện ban đầu sẽ được cung cấp bởi Trung Quốc và sau đó được TMT lắp ráp tại nhà máy ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Theo TMT Motors, mẫu xe điện siêu nhỏ Wuling HongGuang MiniEV được cung cấp ra thị trường sẽ bao gồm hai phiên bản: Tiêu Chuẩn và Nâng Cao. Mỗi phiên bản sẽ có tùy chọn dung lượng pin 9,6 kWh hoặc 13,4 kWh, cho quãng đường di chuyển tối đa lần lượt 120 km và 170 km.
Hãng sẽ công bố chính sách bán hàng và ra mắt sản phẩm vào ngày 29/6/2023, bắt đầu nhận đặt cọc từ ngày 30/6/2023.
Theo trang tin tài chính công nghệ TMTpost (Trung Quốc), trên thị trường xe điện siêu nhỏ của Trung Quốc, sự đóng góp của Wuling Hongguang MiniEV không hề kém cạnh so với điện thoại Xiaomi trong thời đại điện thoại thông minh có giá cao hàng nghìn nhân dân tệ (hàng chục triệu đồng) trước đây.
Doanh số bán hàng 'khủng'
Trong năm ra mắt 2020, doanh số bán hàng của Wuling Hongguang MiniEV tại thị trường Trung Quốc đã vượt 100.000 chiếc. Năm 2021, doanh số bán hàng của mẫu xe này vượt 426.000 chiếc, đứng đầu danh sách doanh số hàng năm của xe năng lượng mới (NEV) .
Đến năm 2022, doanh số bán mẫu xe này đạt 554.067 chiếc, dẫn đầu doanh số bán xe điện siêu nhỏ, đồng thời dẫn đầu thị trường xe năng lượng mới ở quốc gia 1,4 tỷ dân.
Theo China Automotive News, kể từ khi Wuling Hongguang MiniEV được ra mắt vào cuối tháng 7/2020, SAIC-GM-Wuling đã bán được 1,1 triệu chiếc.
Theo Nhật báo Khoa học Công nghệ Trung Quốc, vào năm 2022, doanh số bán xe năng lượng mới của Trung Quốc đạt 6,887 triệu chiếc, tăng 93,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh số bán xe điện siêu nhỏ đạt 1,09 triệu chiếc.
Có thể thấy, Wuling Hongguang MiniEV gần như chiếm một nửa về thị phần xe điện siêu nhỏ tại Trung Quốc và là động lực tăng trưởng quan trọng.
Địa vị 'người thay đổi cuộc chơi'
Theo trang tin TMTpost, mẫu Hongguang MiniEV có thể nói là “người thay đổi cuộc chơi” và dẫn đầu thị trường xe điện siêu nhỏ tại Trung Quốc. Sự xuất hiện của nó đã mở ra một cuộc cạnh tranh mới trên thị trường.
Trước đó, đợt bùng nổ gần nhất là vào năm 2017-2018 khi doanh số bán xe điện siêu nhỏ chiếm hơn một nửa số xe chở khách năng lượng mới tại Trung Quốc. Tuy nhiên, do ngưỡng trợ cấp khi mua xe năng lượng mới được nâng cao và việc điều tra gian lận trợ cấp ngày càng nghiêm ngặt tại nước này, tỷ lệ doanh số bán xe điện siêu nhỏ giảm nhanh xuống còn khoảng 20%.
Là một dòng xe được định vị nhằm "thay thế đi bộ", nhu cầu về sản phẩm vẫn chưa biến mất, nhưng gặp không ít khó khăn để đáp ứng các quy định về chất lượng sản phẩm và tiếp cận khách hàng.
Wuling Hongguang MiniEV đã nắm bắt cơ hội như vậy, với sự chứng thực của SAIC-GM-Wuling, đủ tiêu chuẩn là xe du lịch, mẫu xe này đã giải quyết được những vấn đề nhức nhối của thị trường như chất lượng sản xuất kém, thương hiệu yếu...
Cũng trong năm 2020, Great Wall Euler ra mắt Euler White Cat và Haomao, Nezha Auto ra mắt Nezha V, Leap Motor ra mắt Leap T03 tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, các sản phẩm này không theo đuổi chiến lược giá rẻ ngay từ đầu mà ở phân khúc cao hơn so với Wuling Hongguang MiniEV về giá bán, cấu hình và tiêu chuẩn an toàn.
Đến năm 2021, Benben E-Star National Edition của Changan Automobile, Punk Duoduo của Punk Automobile, Reading Mango của Reading Automobile và Chery QQ Ice Cream của Chery Automobile đã xuất hiện trên thị trường Trung Quốc. Chúng tương tự như Wuling Hongguang MiniEV, với nhiều màu sắc và hình dáng nhỏ gọn, mức giá rẻ giống nhau.
Trang tin TMTpost nhận định, đối với thị trường xe điện siêu nhỏ, vai trò của Wuling Hongguang MiniEV là "kết nối quá khứ và tương lai". Do đó, trong cuộc cạnh tranh mới, Wuling Hongguang MiniEV đã giành được lợi thế của người đi đầu và được hưởng lợi.
Theo trang tin TMTpost, Wuling Hongguang MiniEV cũng có thể sánh ngang với những thành tích rực rỡ mà điện thoại Xiaomi từng làm được:
Từ khi mẫu điện thoại Xiaomi Mi 1 ra mắt tại thị trường Trung Quốc vào tháng 8/2011 đến nửa cuối năm sau, doanh số bán hàng cộng dồn đã vượt mốc 3 triệu chiếc. Mi 1s và Mi 2 ra mắt cũng được người tiêu dùng mua hết ngay khi mở bán. Năm 2014, doanh số cộng dồn của Xiaomi tăng lên 60 triệu chiếc. Năm 2015, Xiaomi đã chiếm 15% thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc, trở thành thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu tại nước này.
Ngoài giao diện người dùng MIUI tùy chỉnh sáng tạo và ưu tiên bán hàng trực tuyến, Xiaomi đã thành công trong việc thay đổi thị trường nhờ giá rẻ và chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu về điện thoại thông minh của đại đa số người tiêu dùng. Vào thời điểm đó, thị trường điện thoại thông minh cũng phải ứng phó vấn đề hàng nhái có giá rẻ nhưng chất lượng đáng lo ngại.
Theo TMTpost, tuy thị trường khác nhau và thời điểm khác nhau, nhưng cả Wuling Hongguang MiniEV và Xiaomi đều đã tìm thấy những bước đột phá tương tự, để trở thành "người thay đổi cuộc chơi".