"Cái hay của những quyển sách do người làm báo viết là tác giả đi nhiều, họ biết được những điều mà người khác không biết" - độc giả Dương Đình Phượng (88 tuổi, quận 3, TP.HCM) nói về lý do thường tìm mua những quyển hồi ký do nhà báo viết.
Thế giới sách của người làm báo
Tuần lễ sách của người làm báo vừa khai mạc tại Đường sách TP.HCM vào sáng 17-6. Hoạt động do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM và báo Thanh Niên tổ chức nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6).
Sự kiện có sự tham dự của ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, nhà báo Trần Trọng Dũng - phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam...
Trước đó, khi bàn về "thế giới sách của người làm báo", nhà báo Lê Hoàng cho rằng người viết báo có những cái riêng để mang vào con chữ.
Ông nói: "Trong quá trình tác nghiệp họ có lợi thế là đi nhiều nơi, nhiều vùng miền và tiếp xúc nhiều người, nhiều giới hơn nên có thể làm nên tác phẩm khác với những người viết trong khu vực khác".
Về điều này, nhà báo Lại Văn Long nhận thấy nếu không làm nghề báo, ông sẽ không có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu để tạo nên những trang văn sinh động và chân thực.
"Chính nhờ làm báo, chúng tôi có những vụ án thực, tình tiết thực và tôi đưa nó vào tiểu thuyết của mình. Khi đó, cái nhìn thực hơn rất nhiều so với tưởng tượng" - nhà báo Lại Văn Long bày tỏ.
Tại buổi giao lưu cùng độc giả, nhà báo Bùi Phan Thảo cũng đưa ra góc nhìn riêng của mình về vấn đề này.
Ông cho biết: "Nghề văn và nghề báo bổ trợ nhau rất nhiều. Nghề báo cho tôi vốn sống, tư duy phản biện, sắc sảo và luôn luôn tôn trọng sự thật. Còn nghề văn đem lại cho tôi sự mượt mà, tình cảm. Tất nhiên, hai nghề có sự phân thân nhưng cũng có sự nhập thân".
"Hội sách" cho người làm báo
Tại Tuần lễ sách của người làm báo trưng bày 281 tựa sách, trong đó có 55 tác phẩm của 7 cơ quan báo chí và 226 tác phẩm của 105 phóng viên và 15 nhóm tác giả trên khắp cả nước.
Ngoài trưng bày, giới thiệu sách, ban tổ chức còn phối hợp các đơn vị xuất bản tổ chức tọa đàm giao lưu cùng 11 nhà báo: Dương Thành Truyền, Lê Minh Quốc, Hoàng Hải Vân, Lại Văn Long...
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Trọng Dũng giải thích: "Trong năm đầu tổ chức, vì thời gian vận động có hạn nên chương trình vẫn chưa tập hợp được đầy đủ các tác phẩm trong đội ngũ phóng viên.
Những năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện và có kế hoạch từ đầu năm để tổ chức các hoạt động được phong phú hơn, giới thiệu nhiều tựa sách hơn đến với công chúng định kỳ hằng năm và tổ chức được cả 2 miền Bắc Nam".
Mặt khác, ban tổ chức cho biết khi kết thúc, toàn bộ số sách trưng bày trong Tuần lễ sách của người làm báo sẽ được tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam và khoa báo chí, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Tuần lễ sách của người làm báo sẽ diễn ra từ ngày 17 đến ngày 22-6-2023.
Sáng 13-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định như vậy khi thăm, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2023).