Ngành công nghiệp khám phá vũ trụ bắt đầu cho thấy các ứng dụng đầu tiên của mình, khi biến vùng không gian không chỉ thành địa điểm du lịch mà còn thành một địa điểm sản xuất công nghiệp.
Được thành lập bởi cựu nhân viên của SpaceX, một startup tại California có tên Varda Space Industries vừa cho biết họ đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên của mình, W-Series 1 lên quỹ đạo.
Với các vệ tinh này, công ty muốn hướng đến việc sản xuất hàng loạt trong không gian các loại vật liệu đặc biệt, vốn không thể sản xuất trên Trái Đất hoặc cũng có thể không có được chất lượng và tốc độ sản xuất nhanh như trong môi trường vi trọng lực của không gian.
“Các tấm pin mặt trời của nhà máy ngoài không gian đầu tiên trên thế giới đã hướng về phía Mặt Trời và bắt đầu mở ra.” Varda thông báo trên Twitter, không lâu sau khi vệ tinh được phóng vào quỹ đạo Trái Đất trên sứ mệnh Transporter-8 của SpaceX vào ngày 13 tháng 6 vừa qua.
Bên trong vệ tinh W-Series 1 là một trong các bộ khung Photon của Rocket Lab, một giải pháp vệ tinh cũng sẽ đã được NASA ký hợp đồng để phóng lên trong 2 sứ mệnh Sao Hỏa vào năm tới.
Lần phóng vệ tinh này của Varda là một phần trong chiến dịch thử nghiệm của công ty để xác định xem liệu giải pháp vệ tinh của họ có thể được sử dụng để phát triển dược phẩm trong không gian hay không.
Varda được thành lập bởi cựu kỹ sư điện tử hàng không của SpaceX, Will Bruey và một người trong quỹ Founders Fund của tỷ phú Peter Thiel, Delian Asparouhov. Mục tiêu của Varda là giúp sản xuất hàng loạt một số sản phẩm nhất định trong không gian. Điều này đang ngày càng khả thi hơn khi nhờ vào những nhà cung cấp dịch vụ phóng tên lửa không gian đang ngày càng nở rộ như SpaceX và Rocket Lab.
“Từ các đường cáp quang mạnh mẽ hơn cho đến các dược phẩm cứu người tốt hơn, có cả một thế giới các sản phẩm trên Trái Đất hiện nay chỉ có thể sản xuất được ngoài không gian.” Varda cho biết trên website của mình.
Vệ tinh W-Series 1 của Varda đã được triển khai thành công ngoài không gian.
Phát triển thuốc trên không gian
Startup Varda được phát triển dựa trên nghiên cứu của nhiều nhà khoa học cho thấy các tinh thể protein được phát triển ngoài không gian có thể tạo thành các cấu trúc hoàn hảo hơn so với việc được sản xuất trên Trái Đất, nơi tiến trình hình thành tinh thể có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi trọng lực.
Một ví dụ của điều này đến từ thử nghiệm do hãng dược phẩm Merck thực hiện trên Trạm Vũ Trụ Quốc Tế ISS. Nghiên cứu của hãng này cho thấy khi được sản xuất trong điều kiện vi trọng lực, các hoạt chất pembrolizumab – được sử dụng trong thuốc điều trị ung thư Keytruda – trở nên ổn định hơn so với sản xuất trong điều kiện thông thường trên Trái Đất.
Nhiệm vụ đầu tiên của Varda sẽ tập trung vào nghiên cứu việc sản xuất trong không gian thuốc ritonavir – một loại thuốc truyền thống được sử dụng để điều trị HIV nhưng gần đây được sử dụng trong Paxlovid, một loại thuốc kháng virus dùng để điều trị Covid-19.
Varda cũng ký kết một thỏa thuận với Lực lượng Không quân Mỹ để thực hiện các cuộc thử nghiệm siêu thanh. Bộ khung thử nghiệm của công ty sẽ được phóng đi với tốc độ Mach-25 trong quá trình quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất. Trong tháng 3 vừa qua, công ty cho biết đã giành được hợp đồng trị giá 60 triệu USD từ cơ quan STRATFI thuộc Không quân Mỹ để sử dụng phương tiện của cơ quan này cho các thử nghiệm ở tốc độ siêu thanh.