VKSND tỉnh Điện Biên vừa ban hành cáo trạng truy tố chín bị can trong vụ vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất liên quan dự án Nâng cấp, cải tại Cảng hàng không Điện Biên. Hồ sơ vụ án đã được chuyển sang TAND tỉnh Điện Biên.
Theo cáo trạng, Nguyễn Tuấn Anh, nguyên phó chủ tịch TP Điện Biên Phủ; Trần Thị Vân, nguyên giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai TP Điện Biên Phủ; Nguyễn Thị Khương, nhân viên hợp đồng của Trung tâm và các bị can khác đã lập phương án, phê duyệt và chi trả bồi thường trái quy định khi thu hồi đất để thực hiện Dự án mở rộng sân bay Điện Biên, gây thiệt hại hơn 13 tỉ đồng.
Việc chi trả bồi thường trái quy định gồm các khoản bồi thường hỗ trợ hoa màu cây cối, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho công nhân, bồi thường chi phí đầu tư vào đất.
Sai phạm trong vụ án liên quan đến Dự án mở rộng sân bay Điện Biên. Ảnh: V.LONG |
Cụ thể, tháng 4-2020, UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên.
Trên cơ sở đó, TP Điện Biên Phủ giao Trung tâm Quản lý đất đai chủ trì thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng.
Nguyễn Thị Khương, nhân viên hợp đồng của Trung tâm, được phân công làm trưởng nhóm thực hiện nhiệm vụ kê khai, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các đối tượng có đất bị thu hồi, trong đó có diện tích đất của Công ty CP Chế biên nông sản Điện Biên.
Tháng 4-2021, UBND TP Điện Biên Phủ ra thông báo thu hồi hơn 232.000 m2 đất của công ty.
Đến tháng 8-2021, Phó Chủ tịch TP Điện Biên Phủ Nguyễn Tuấn Anh ký ban hành quyết định phê duyệt phương án dự toán kinh phí bồi thường hỗ trợ gồm có bồi thường hỗ trợ hoa màu cây cối và hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho công nhân.
Theo quy định, khi trình Quyết định thu hồi đất bắt buộc trong hồ sơ phải có Bản tổng hợp ý kiến của người bị thu hồi đất. Nhưng ông Nguyễn Tuấn Anh đã ký quyết định khi hồ sơ không có Bản tổng hợp ý kiến.
Việc áp dụng Nghị định 47/2014 để hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho công nhân là trái quy định pháp luật vì quy định này không còn hiệu lực do đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 01/2017.
Bản giám định của Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Bộ TN&MT) kết luận trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ chưa đúng quy định pháp luật.
Việc bồi thường cây cối hoa màu, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất cho các cá nhân nhận khoán nhưng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, không có nguồn thu nhập thường xuyên, liên tục từ sản xuất nông nghiệp, người đã nghỉ hưu và chưa có xác nhận là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp là không đúng quy định. Việc bồi thường về chi phí đầu tư vào đất đai còn lại cho các cá nhân nhận khoán cũng trái quy định về đất đai.
Tổng thiệt hại của Ngân sách Nhà nước do việc bồi thường trái quy định là hơn 13 tỉ đồng.
Đáng chú ý, quá trình làm việc với Công ty Điện Biên, Nguyễn Thị Khương trao đổi về khoản bồi thường chi phí đầu tư vào đất là 30.000 đồng/m2 và gợi ý chi phí hỗ trợ cho anh em giải phóng mặt bằng vì sức ép tiến độ phải làm ngày làm đêm.
Nhận tiền bồi thường, nhóm công nhân đã nộp lại 30% số tiền bồi thường là hơn 1,8 tỉ đồng, cho vào thùng giấy A4, niêm phong và giao cho Nguyễn Thị Khương. Số tiền này Khương mang về nhà dùng để đặt cọc mua đất, trả tiền cầm cố xe máy, gửi tiết kiệm ngân hàng…
Ngoài ra, khi thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng cho Dự án nâng cấp quốc lộ 279B, các bị can Vân, Khương, Trần Thị Hòa (kế toán của Trung tâm) đã chi trả sai quy định cho các cá nhân ký hợp đồng thời vụ, ký hợp đồng khống thuê máy móc phương tiên, gây thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Với hành vi này, Trần Thị Vân, Trần Thị Hòa, Nguyễn Thị Khương bị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các bị can Trần Thị Vân (giám đốc Trung tâm Quản lý đất đai TP Điện Biên Phủ); Trần Thị Hòa (kế toán); Nguyễn Thị Khương (nhân viên hợp đồng) bị truy tố về tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị can Nguyễn Tuấn Anh (phó chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ); Phạm Trung Kiên (phó trưởng phòng Tài chính Kế hoạch); Trần Xuân Mạnh (cán bộ Phòng Tài chính Kế hoạch); Nguyễn Đình Hiệp (phó trưởng phòng Tài nguyên và môi trường); Bùi Thị Ánh và Bùi Mạnh Cường (cùng là công chức phòng Tài nguyên và môi trường) bị truy tố tội Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Bị can Trần Thị Hoà (Kế toán Trung tâm) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ...