vĐồng tin tức tài chính 365

Quy định 15m2 chỗ ở/người mới được đăng ký thường trú: Tính kỹ, tránh gây khó cho dân

2023-06-18 09:55
Nhiều hộ dân ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn phải sống trong những căn nhà chật hẹp dưới 20m2 - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều hộ dân ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn phải sống trong những căn nhà chật hẹp dưới 20m2 - Ảnh: NAM TRẦN

Theo dự thảo, người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận phải có diện tích ở tối thiểu 15m2/người, tại 17 huyện và thị xã Sơn Tây 8m2/người.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định này từng được Hà Nội thực hiện song không giúp hạn chế tăng dân số. Đồng thời, quy định như dự thảo hiện nay chưa sát với định hướng, đặc thù, có thể gây khó cho người dân. Tuổi Trẻ đã ghi lại một số ý kiến xung quanh nội dung này.

KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM (nguyên giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP):

Chỉ phân chia nội và ngoại thành là chưa hợp lý

Để quản lý dân số thì việc đăng ký thường trú cho những người di dân tự do rất cần thiết. Đây là vấn đề đã được đặt ra tại Luật Cư trú, Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn. 

Với quy định 8m2/người trở lên đã được quy định trong Luật Cư trú nên các địa phương phải tuân thủ. Còn với quy định 15m2/người được căn cứ trên thống kê ở khu vực nội thành và đã có tổng kết các dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai trên địa bàn.

Tuy nhiên, Hà Nội là đô thị có quá trình phát triển và nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau trong quản lý với những đặc thù cần quan tâm. Do đó, việc chỉ phân chia nội và ngoại thành thôi còn chung chung, chưa sát với các định hướng. 

Vấn đề nan giải nhất của Hà Nội hiện nay là giảm dân số khu phố cổ. Thực tế, trong khu vực nội đô lịch sử, quy hoạch năm 1992, cho đến quy định cụ thể khu phố cổ đều xác định phải giảm dân số nhưng các lộ trình đưa ra đều thất bại khi chưa thực hiện được giảm mà lại tăng dân số.

Hiện nay trong quy hoạch chung của TP, định hướng quy hoạch mới ban hành năm 2022 về phân khu đều xác định phải giảm dân số. Như khu phố cổ hiện nay hơn 60.000 người dân thì trong quy hoạch phân khu đã thông qua phấn đấu giảm dân số xuống 45.000 người. 

Trong định hướng còn xác định số người cụ thể chia trong các khu phố cổ như khu Hàng Mã phân cụ thể đến từng người. 

Song chỉ phân chia nội - ngoại thành không tuân thủ định hướng giảm dân số lại nêu ra điều kiện về diện tích nhà thuê, mượn, ở nhờ dẫn đến khả năng tăng dân số vẫn có thể xảy ra. 

Như khu phố xung quanh hồ Gươm, với những gia đình có diện tích rộng, rất có thể sẽ thêm người vào. 

Do đó, có thể quy định chung nội thành là 15m2 nhưng cần nêu rõ thêm với các khu vực đặc thù như khu phố cổ, khu vực xung quanh hồ Gươm, khu vực Ba Đình sẽ có quy định riêng.

Bên cạnh đó, Hà Nội đang đẩy mạnh đưa các huyện lên quận và xây dựng mô hình TP trong thủ đô. Đây là các khu vực động lực, rất cần tăng dân số và có đủ các điều kiện, tiêu chí về hạ tầng. 

Vì vậy, nếu chỉ quy định chung chung ngoại thành là 8m2/người sẽ chưa hợp lý. Phải chăng các khu vực đặc thù như vậy cần có chính sách ưu tiên để cho người dân đăng ký thường trú, tạo thuận lợi cho đảm bảo đủ tiêu chí dân số.

Nhiều người dân ở Hà Nội vẫn phải sống trong những căn nhà chật hẹp dưới 20m2  - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều người dân ở Hà Nội vẫn phải sống trong những căn nhà chật hẹp dưới 20m2 - Ảnh: NAM TRẦN

TS NGUYỄN TIẾN DĨNH (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ):

Vì sao quy định này từng không hiệu quả?

Từ năm 2013 Hà Nội đã ban hành nghị quyết 11 quy định diện tích nhà ở tối thiểu 15m2/người để đăng ký thường trú với trường hợp nhà thuê. 

Sau đó, HĐND TP tiếp tục ban hành nghị quyết 21 năm 2016 kéo dài thời gian áp dụng nghị quyết đến hết 2020 và đến nay quá hạn hơn hai năm. Dự thảo đang lấy ý kiến đã thêm cả nhà mượn, ở nhờ, đồng thời thêm quy định ở ngoại thành là 8m2/người bằng diện tích tối thiểu của Luật Cư trú.

Theo dự thảo tờ trình mà chúng tôi được cung cấp để góp ý, việc quy định diện tích như vậy nhằm mục tiêu giảm tăng dân số cơ học ở các quận nội thành, bởi có quận nội thành bình quân dân số lên tới 24.000 - 25.000 người/km2

Đồng thời, dự thảo quy định cũng phù hợp với quy định của Luật Cư trú, các luật và thực tiễn của TP, các vấn đề về an sinh, trật tự an toàn xã hội…

Song trong báo cáo của phía Công an TP Hà Nội cũng nêu việc thực hiện hai nghị quyết chưa phát huy được hiệu quả như mục tiêu. Do đó cần làm rõ vì sao quy định này trước đây được đánh giá không phát huy hiệu quả. 

Thêm vào đó, với quy định 15m2/người đối với khu vực các quận nội thành cho thấy cao hơn so với thực tiễn của người dân đang sinh sống thực tế. 

Thậm chí có thể gây khó cho người dân về quyền cư trú của người dân, bởi ví dụ một hộ gia đình bốn người sẽ phải cần diện tích 60m2

Hiện nay quy định về chung cư cao tầng, nhà ở xã hội cũng cho xây dựng những căn hộ khoảng 30m2 và trong đó có thể có đến bốn người ở. Do đó, cần tính toán, cân đối lại cho phù hợp, tránh trường hợp ban hành rồi không thực hiện được và người dân vẫn di cư vào nội thành, vẫn tăng dân số.

Còn ở đây, để hạn chế di cư của người dân vào nội thành có nhiều giải pháp thiết thực hơn như vấn đề quy hoạch phải giãn dân ra phía ngoại biên và đưa các nhà máy, bệnh viện, trường học ra khỏi khu vực nội thành.

Đại biểu Quốc hội TRƯƠNG XUÂN CỪ (đoàn Hà Nội):

Cần đánh giá kỹ tác động

Hà Nội đưa ra dự thảo quy định này nhằm bảo đảm không gian tối thiểu để người dân có đủ không gian sống, đồng thời thực hiện mục tiêu hạn chế áp lực gia tăng dân số cơ học…

Tuy nhiên, điều kiện thực tế và khả năng chi trả cho việc thuê nhà có diện tích từ 15m2 trở lên ở nội thành là chưa hợp lý và không phải người dân nào cũng có thể đảm bảo. Nhất là với các hộ gia đình chỉ đi làm thuê, có thu nhập thấp, khó khăn.

Chính sách này có thể tác động đến rất nhiều người dân, do vậy Hà Nội cần đánh giá kỹ tác động của quy định.

Cụ thể, cần khảo sát, đánh giá tính thực tiễn, đánh giá tác động về mặt xã hội. Hiện nay, bình quân là bao nhiêu m2/người? Số lượng người đang thường trú có diện tích nhà ở tối thiểu dưới 15m2 là bao nhiêu?... Đồng thời, nên có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn với đặc thù của TP. 

Thêm vào đó, hiện nay đa số lao động tập trung ở nội thành Hà Nội do các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện… vẫn tập trung tại đây. Chưa kể vấn đề nan giải tại nội thành Hà Nội hiện nay là quản lý dân cư khu phố cổ.

Vì vậy, để giảm dân cư trong nội đô cần đẩy mạnh việc quy hoạch, di dời các cơ quan, đơn vị này ra ngoại thành và tổng thể các biện pháp.

Căn cứ Luật Cư trú và Luật Thủ đô

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện UBND TP Hà Nội cho biết dự thảo quy định này đang được lấy ý kiến và tới đây sẽ báo cáo Thành ủy, trước khi trình HĐND xem xét, quyết định.

Theo vị này, việc dự thảo quy định diện tích nhà ở tối thiểu ở nội thành Hà Nội là 15m2/người dành cho các trường hợp đăng ký lần đầu và nhằm đảm bảo các điều kiện sống cần thiết của người dân. Quy định này cũng căn cứ vào Luật Cư trú và Luật Thủ đô.

Trước đó, trong dự thảo tờ trình, UBND TP Hà Nội lý giải cơ sở pháp lý để xây dựng dự thảo là Luật Cư trú 2020.

Theo đó, với một số địa phương đang có áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, số người đăng ký cư trú tăng nhanh và biến động nhiều ở nhóm có chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ, luật quy định HĐND các tỉnh thành quyết định diện tích bình quân chỗ ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú.

Một căn cứ khác để Hà Nội quy định tối thiểu 15m2/người với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú là Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030.

Theo chương trình này, Hà Nội phấn đấu năm 2025 diện tích nhà ở tối thiểu là 10m2/người, đến năm 2030 là 12m2/người. Diện tích nhà ở bình quân toàn TP tương ứng với năm 2025 và 2030 là 29,5m2/người và 32m2/người.

Dãy căn hộ có chiều ngang khiêm tốn nằm trên đường Khuông Việt, quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Dãy căn hộ có chiều ngang khiêm tốn nằm trên đường Khuông Việt, quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

TP.HCM quy định 8m2/người, được ủng hộ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sau khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thống nhất giai đoạn 2021-2025, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m2 và đến cuối năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5m2/người.

Thực tế, tỉ lệ nhập hộ khẩu vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân tại TP.HCM chỉ chiếm khoảng 6,3% trong 10 năm qua.

Qua quá trình dự thảo, nhằm đảm bảo thực hiện tốt Luật Cư trú, đồng thời tạo sự bình đẳng cho người dân, sở đã đề xuất diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú là 15m2/người.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, để tạo điều kiện thu hút nguồn lực lao động từ các tỉnh thành, sở đã họp với Công an TP và quyết định áp dụng một mức diện tích bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân không phân biệt nội thành, ngoại thành với mức 8m2/người.

Ông Đỗ Anh Khang, phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp, đánh giá con số 8m2/người phù hợp với thực tế hiện nay. Nếu tính số lượng thành viên của một gia đình khoảng bốn người thì chỉ cần khoảng 32m2 là có thể đăng ký thường trú.

Số này ngang ngửa với diện tích các khu nhà ở công nhân, nhà trọ hiện nay. Việc quy định diện tích tối thiểu mức 8m2 cũng là một trong những giải pháp khuyến khích người lao động đến làm việc tại TP.HCM.

Tuy nhiên, theo ông Khang, vẫn hạn chế ở việc áp dụng chung cho tất cả đối tượng. Với quy định như vậy, một công nhân phải đáp ứng đủ 8m2/người mới đăng ký thường trú, trong khi thu nhập lại không đủ để có thể trả tiền thuê.

Diện tích tối thiểu bình quân có thể do HĐND quyết định nhưng giá thuê nhà hiện nay là do thị trường quyết định. Do vậy, về lâu dài nên tùy vào cơ chế thị trường để áp dụng những mức phù hợp theo từng giai đoạn.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, bày tỏ ủng hộ hoàn toàn quy định của UBND TP.HCM về diện tích tối thiểu 8m2/người để đăng ký thường trú.

Về lâu dài, theo ông Châu, con số tối thiểu cần thay đổi theo việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế của TP.

Nếu về sau TP định hướng phát triển công nghệ cao, thương mại, dịch vụ sẽ cần lượng lao động ở quy mô ít hơn. Khi đó, chính sách phải luôn được điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

Mặt khác, cả nước cũng có những giải pháp đồng bộ trong tạo việc làm, đẩy mạnh và tăng cường công nghiệp hóa nông thôn để đảm bảo người dân ở nông thôn, miền núi có việc làm tạo thu nhập ổn định ngay tại địa phương, không dồn về TP lớn để mưu sinh.

CẨM NƯƠNG

Chị LÊ THỊ YẾN (đang thuê nhà tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội):

Gia đình tôi có bốn người đang thuê một căn nhà hơn 30m2 trên phố Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng).

Nếu quy định diện tích thuê nhà tối thiểu 15m2/người mới được đăng ký thường trú ở Hà Nội sẽ gây áp lực lớn cho gia đình. Bởi hai vợ chồng tôi đều là dân ngoại tỉnh về đây học rồi ở lại làm việc.

Thu nhập gia đình tôi mỗi tháng chỉ được chừng 20 triệu đồng, lại phải nuôi hai con đang học tiểu học và trung học cơ sở. Nếu chiểu theo quy định 15m2/người thì gia đình tôi phải có nhà diện tích 60m2 mới được đăng ký thường trú.

Nhà hiện nay tôi thuê 4 triệu đồng/tháng và nếu chuyển sang thuê 60m2 thì phải 6-7 triệu đồng/tháng. Như vậy tiền thuê nhà chiếm đến 1/3 thu nhập.

Chúng tôi rất mong TP Hà Nội xem xét kỹ lưỡng và thực tế để tránh gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là những người lao động thu nhập bình thường, thậm chí còn khó khăn.

Anh PHẠM QUANG SƠN (đang sinh sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội):

Gia đình tôi đang thuê một phòng trọ rộng khoảng 25m2 với giá 3 triệu đồng/tháng ở phố Dịch Vọng Hậu. Vợ chồng tôi đã sinh sống ở Hà Nội được năm năm và đã có một cháu, sắp sinh cháu thứ hai.

Vợ tôi làm nhân viên bán hàng ở siêu thị, còn tôi làm ở công ty quảng cáo. Thu nhập của cả hai vợ chồng được khoảng 17-20 triệu đồng/tháng. Con lớn của tôi sắp vào lớp 1 nên nếu quy định tối thiểu 15m2/người mới được đăng ký thường trú thì việc xin học cho con sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nếu đi ra ngoại thành thuê nhà, chúng tôi sẽ phải đi làm xa, đồng thời việc đưa đón, chăm sóc con nhỏ cũng thêm vất vả.

Còn nếu chuyển nhà sang nhà đủ diện tích là 60m2 thì ít nhất phải mất 6-7 triệu đồng/tháng, số tiền đó quá nhiều. Do vậy, TP nên có xem xét với các trường hợp cụ thể.

TP.HCM: Diện tích ở bình quân để đăng ký thường trú là 8m2/ngườiTP.HCM: Diện tích ở bình quân để đăng ký thường trú là 8m2/người

Năm 2023, TP.HCM tiếp tục áp dụng mức 8m2/người theo quy định của Luật Cư trú để xác định diện tích bình quân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân.

Xem thêm: mth.8145328081603202-nad-ohc-ohk-yag-hnart-yk-hnit-urt-gnouht-yk-gnad-coud-iom-iougn-o-ohc-2m51-hnid-yuq/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Quy định 15m2 chỗ ở/người mới được đăng ký thường trú: Tính kỹ, tránh gây khó cho dân”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools