Vải thiều đang vào chính vụ nhưng bài toán "lòng tin" với trái lệ chi này vẫn chưa được giải quyết tận gốc.
Vải thiều xuất khẩu chưa chiếm trọn niềm tin
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thế Thi, phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cho biết giá vải thiều ngày 18-6 khoảng 17.000-33.000 đồng/kg. Đến nay, huyện đã tiêu thụ được trên 34.000 tấn. Với việc vải thiều đang vào chính vụ (từ ngày 5-6 đến 25-7), huyện đã triển khai nhiều biện pháp kết nối tiêu thụ vải thiều, kể cả trên các kênh thương mại điện tử.
"Tôi có thể khẳng định là không vùng nào có sản lượng, chất lượng tốt như vải Lục Ngạn. Do vậy, chúng tôi thường xuyên kiểm tra để đảm bảo giữ chữ tín với người tiêu dùng", ông Thi nói.
Song vị này thừa nhận có trường hợp trộn vải vùng khác với vải Lục Ngạn và sử dụng mã số vùng trồng của Lục Ngạn để bán hàng. Do vậy, huyện đã thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, rà soát, cảnh báo đến các hộ dân, tiểu thương, thậm chí đề nghị thu hồi mã số.
Trong khi đó, trung tá Trịnh Quang Hưng - đồn trưởng Đồn biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn - cho biết vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều năm song chưa giải được bài toán "lòng tin" khi vẫn có xe hàng bị trả lại.
"Quy trình đóng gói vải thiều xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn và thực hiện ngay tại tỉnh Bắc Giang. Bởi cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra rất kỹ từ lạt buộc, thùng xốp cho tới từng quả vải, đảm bảo không có sâu. Nếu phía Trung Quốc kiểm tra xác suất, phát hiện chất lượng không đều thì sẽ mất niềm tin, trả lại hàng", trung tá Trịnh Quang Hưng cho hay và nhấn mạnh lòng tin phải được xây dựng thông qua tuân thủ cam kết, quy định nhiều lần.
Dự báo số lượng xe container chở vải sẽ tăng cao, lực lượng bộ đội biên phòng chủ trì thống nhất với các lực lượng khác tại các cửa khẩu của Lạng Sơn và doanh nghiệp để ưu tiên xuất khẩu.
Rào cản của vải thiều: "Chữ tín"
Theo ông Tô Vạn Quang - Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây, Trung Quốc, quả vải của Việt Nam được coi là món hàng cao cấp tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu.
Tuy nhiên, ông Quang chỉ rõ vải thiều Việt Nam đang vướng rào cản "chữ tín" để phát triển hơn nữa. Cụ thể, Trung Quốc đang quy định kiểm tra chặt chẽ, kiểm tra gần như 100% quả vải xuất sang nước này do hai nước chưa có nghị định thư. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sâu bệnh, bùn đất sót trên quả…
Cũng theo vị này, thương nhân nước này quan niệm "một sự bất tín, vạn sự bất tin". Do vậy, ông mong bản thân chủ vườn, doanh nghiệp Việt phải giữ chữ "tín" ngay từ khi trồng, thu hái, sơ chế, đóng gói, đảm bảo chất lượng vải thiều.
Trong khi đó, tại Trung tâm Hoa quả Bằng Tường, Trung Quốc, các xe container chở vải thiều đang khẩn trương chuyển hàng để chuyển đi tiêu thụ. Theo các lái xe, giá vải ngay tại trung tâm đã "nhảy" lên mức 60.000 đồng/kg. Đây là mức trung bình vì công xá vận chuyển, xăng dầu không rẻ.
Cách đó không xa, ở một chợ hoa quả ở phố ẩm thực Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, giá vải thiều Lục Ngạn (Việt Nam lệ chi) đầu vụ khoảng 40 nhân dân tệ/kg (tương đương 130.000 đồng/kg).
Theo bà Hoa - chủ một sạp bán hoa quả, vải Việt Nam rất đắt khách nên dù vào chính vụ, giá vải duy trì không thấp hơn 30 nhân dân tệ/kg (khoảng 100.000 đồng/kg). Để có được mức giá ổn định này, bà Hoa cho rằng vải thiều nhập từ Việt Nam có chất lượng tốt, vỏ đỏ đậm, vị ngọt không bị sâu đầu. Trong 10 năm bán hàng, chủ sạp hoa quả này chưa một lần phàn nàn về chất lượng quả vải xuất khẩu từ Việt Nam.
Là nông dân trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP nhiều năm, ông Nguyễn Văn Quyên - trú ởHồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang - cho biết thương lái Trung Quốc rất sòng phẳng và trả giá cao nếu vải đủ tiêu chuẩn, số lượng như cam kết. Do vậy, ông cho rằng bà con trồng vải cần tuân thủ quy định chăm sóc, thu hoạch và đóng gói vải thiều để thu về giá cao, tránh bị ép giá.
Với hơn 200ha vải thiều đủ điều kiện, Bắc Giang dự kiến sản lượng xuất khẩu đi Mỹ khoảng 1.500 tấn.