Theo Đài CNBC ngày 17-6, nước Mỹ hiện đang chứng kiến việc hàng loạt trường đại học đóng cửa, nhất là các trường tư thục phi lợi nhuận. Làn sóng này cũng ảnh hưởng đến hàng chục ngàn sinh viên trong nước.
Dữ liệu từ trang Higher Ed Dive cho thấy từ tháng 8-2019 đến 13-6-2023, hơn 40 trường đại học tại Mỹ đã phải đóng cửa hoặc sáp nhập.
Cũng theo trang này, từ năm 2016, có tổng cộng hơn 91 trường đại học tư thục ở Mỹ phải lựa chọn giữa việc đóng cửa, sáp nhập với các trường khác hoặc thông báo các phương án về việc ngừng hoạt động.
Tài chính và tuyển sinh là hai khó khăn xuyên suốt khiến các trường này phải đóng cửa, trong khi dịch bệnh chỉ là giọt nước tràn ly.
"Có hai vấn đề quan trọng đang gây tác động đến bậc đại học, cụ thể là việc tuyển sinh. Thứ nhất, việc tuyển sinh mới đang có dấu hiệu suy giảm", Đài CNBC dẫn lời Tổng biên tập Robert Franek của The Princeton Review cho biết.
Theo ông Franek, năm 2025 sẽ đánh dấu việc tốt nghiệp của các lớp trung học phổ thông có sĩ số thấp nhất từ trước đến nay.
Cũng theo ông Franek, hơn 95% các trường đại học ở Mỹ vận hành dựa vào học phí thu được từ sinh viên. Số lượng sinh viên đăng ký giảm đồng nghĩa với việc trường thu được ít tiền hơn, các dịch vụ dành cho sinh viên cũng ít hơn và cuối cùng dẫn đến việc trường phải đóng cửa.
"Điều này phản ánh cách vận hành không bền vững khi dựa quá nhiều vào học phí thu được nhưng không phải lúc nào cũng theo kịp lạm phát hoặc khi số lượng tuyển sinh giảm", bà Emily Wadhwani - giám đốc cấp cao của Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings - nhận xét.
Theo bà Wadhwani, các trường đại học không thể lúc nào cũng tăng học phí với hy vọng khoản dư sau khi trừ đi các khoản học bổng và miễn giảm có thể bù đắp cho chi phí vận hành ngày càng tăng.
Cậu bé 14 tuổi Kairan Quazi - sinh viên trẻ nhất trong lịch sử của Đại học Santa Clara ở bang California (Mỹ) - sẽ bắt đầu làm việc tại bộ phận Starlink của SpaceX vào tháng 7 tới.