Ngày 18-6, tại Trường đại học Cần Thơ đã diễn ra tọa đàm "Tăng cường quan hệ hữu nghị và phát huy hiệu quả hợp tác với đối tác Nhật Bản", do UBND TP Cần Thơ tổ chức.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thực Hiện - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết bên cạnh được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nguồn tài nguyên lúa gạo, trái cây, thủy sản rất phong phú và dồi dào, Cần Thơ được trung ương quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thuận lợi, tạo điều kiện cho việc kết nối giao thương trong nước và quốc tế.
Sắp tới trung ương sẽ tiếp tục đầu tư những công trình lớn, trọng điểm qua địa bàn thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, tuyến đường sắt cao tốc kết nối TP.HCM đến Cần Thơ, dự án nạo vét luồng Định An để tàu trọng tải trên 10.000 tấn đến các cảng của Cần Thơ.
Trong thời gian qua, nhằm thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản, chính quyền TP Cần Thơ cũng đã thành lập văn phòng tại Nhật Bản để cung cấp thông tin về đầu tư, các dự án, lĩnh vực mà thành phố kêu gọi đầu tư từ đối tác Nhật Bản, cũng như kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp Nhật Bản đang thực hiện đầu tư kinh doanh tại thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố còn dành khu đất 30ha thành lập khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.
Theo ông Hiện, chính quyền thành phố có nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến đầu tư, nhưng kết quả hợp tác giữa thành phố Cần Thơ và các đối tác Nhật Bản còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu phát triển của TP Cần Thơ.
Toàn thành phố chỉ có sáu nhà đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản, với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,35 tỉ USD. Vì vậy, ông Hiện kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục quan tâm đầu tư vào thành phố mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Shiraishi Hideyuki - đại diện Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM - cho biết các đối tác Nhật Bản từ lâu đã thấy tiềm năng của TP Cần Thơ. Theo đánh giá các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây, thành phố có nguồn nhân lực trẻ, tài năng, đang trở thành nguồn nhân lực chủ lực.
"TP Cần Thơ có đầy đủ tiềm năng để tăng cường mối quan hệ về mặt kinh tế với Nhật Bản. Trước đây, từ TP.HCM tới Cần Thơ mất 3 giờ rưỡi đến 4 giờ, nay chỉ còn 2 giờ rưỡi, cho thấy đã có cải thiện khả năng tiếp cận. Vì vậy việc vận chuyển sản phẩm từ Cần Thơ tới các cảng ở TP.HCM sẽ dễ dàng hơn, khả năng mở rộng thương mại dịch vụ với thị trường này sẽ tăng lên", ông Shiraishi Hideyuki đánh giá
Ông Toshiyuki Ishii - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dược Hậu Giang - cũng nhìn nhận hạ tầng giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tốt hơn nhiều, hiện từ TP.HCM tới TP Cần Thơ chưa tới 3 giờ, vì vậy "tôi không cảm thấy bất tiện lắm".
Tuy nhiên, ông Toshiyuki Ishii cho rằng để có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản tới Cần Thơ trong tương lai, thành phố cần có trường học cấp 2, cấp 3 dành cho người Nhật để những gia đình có con nhỏ có thể sinh sống ở đây.
Còn ông Motoyuki Nakamur - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH quốc tế Tri Việt - cũng nhìn nhận hệ thống giao thông đường bộ, đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long đang được hoàn thiện, chỉ tiếc là chưa có đường bay thẳng từ Cần Thơ tới Nhật Bản mà những nhà đầu tư như ông phải bay ra Hà Nội hoặc Đà Nẵng rồi đi nối chuyến.
Ông đề xuất nếu thành phố có nhiều căn hộ dịch vụ thì nhà đầu tư Nhật Bản sẽ rất thích. "Những siêu thị bán được hàng hóa của Nhật Bản chúng tôi cũng rất cần. Nhà hàng bán món Nhật, không cần nhiều như TP.HCM, nhưng cần có đủ, để khi chúng tôi muốn ăn món Nhật thì có nhà hàng Nhật. Tôi thì ở lâu rồi đã quen với món ăn Cần Thơ, nhưng nhà đầu tư mới đến họ sẽ cần nhà hàng món ăn Nhật Bản", ông nói.
Tại buổi khởi công, các địa phương quyết tâm sẽ thi công hoàn thành cơ bản tuyến vành đai 3 TP.HCM dài 76km vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.