Theo Hãng tin Bloomberg, khi lệnh trừng phạt bắt đầu mở rộng, mọi người có cảm giác các biện pháp này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ngay lập tức ở Nga và chiến tranh nhanh chóng kết thúc.
Với cuộc xung đột đang bước sang năm thứ hai, suy nghĩ mới nhất là các biện pháp trừng phạt kéo dài, bao gồm hạn chế đối với hàng nhập khẩu thiết yếu của Nga.
Trừng phạt rộng khắp mọi lĩnh vực
Theo Công ty công nghệ phòng chống tội phạm tài chính Castellum AI, tính đến tháng 5-2023, Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hơn 3.600 cá nhân, tổ chức, tàu và máy bay.
Các mục tiêu trừng phạt của Mỹ bao gồm 10 ngân hàng hàng đầu thuộc sở hữu của Nga, các nhà sản xuất quân sự và các nhà lãnh đạo chính phủ cho đến tận Tổng thống Putin.
Các chính phủ phương Tây cũng phối hợp ngăn chặn khoảng 300 tỉ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga được giữ ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, phương Tây còn ban hành lệnh cấm vận chuyển dầu thô của Nga đến bất kỳ đâu trên thế giới bằng các dịch vụ của phương Tây, trừ khi nó được bán bằng hoặc thấp hơn 60 USD/thùng.
Ngoài ra còn có các hạn chế xuất khẩu đối với công nghệ được sử dụng cho mục đích quân sự. Các biện pháp trừng phạt bổ sung, điển hình hơn bao gồm đóng băng tài sản, hạn chế hoạt động ngân hàng và thương mại cũng như các hình phạt tài chính khác đối với các cá nhân và tổ chức của Nga.
Tổng cộng, thời gian qua châu Âu đã ban hành tất cả 1.700 lệnh trừng phạt đối với Nga.
Nga vượt qua cách nào?
Theo báo Wall Street Journal, trong bài phát biểu dài gần 90 phút tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg vào ngày 16-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vẽ nên một bức tranh rực rỡ về nền kinh tế Nga.
Bất chấp tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng và những trở ngại khác từ chiến tranh, ông Putin cho biết Matxcơva đã tránh được phần lớn tác động từ các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ và các đồng minh áp đặt ngay sau cuộc xung đột vào tháng 2-2022, một phần nhờ giá năng lượng tăng cao.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết vào tháng 4, tổng sản phẩm quốc nội của nước này đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đến cuối năm 2023, nền kinh tế dự kiến sẽ tăng thêm một điểm phần trăm so với năm 2022.
“Điều này sẽ cho phép đất nước chúng ta duy trì vị trí của mình trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới”, ông Putin nói.
Cũng theo Hãng tin Bloomberg, Nga bắt đầu cuộc xung đột với nợ công thấp, tài khoản vãng lai thặng dư và Quỹ tài sản quốc gia ngập trong tiền mặt.
Các quốc gia trừng phạt Nga hy vọng tổng sản phẩm quốc nội của Nga sẽ thấp hơn 8% vào năm 2026, so với trước khi cuộc xung đột bắt đầu. Đó là mức giảm khoảng 190 tỉ USD, tương đương với toàn bộ GDP hằng năm của các quốc gia như Hungary hay Kuwait.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng trung ương Nga, mức giảm chung vào năm 2022 là 2,5%, thấp hơn nhiều so với mức giảm 8% - 10% mà một số người đã dự đoán. Trong những tháng đầu năm 2023, có dấu hiệu cho thấy các biện pháp trừng phạt ngày càng nghiêm trọng hơn và thặng dư tài khoản vãng lai của nước này đã giảm hơn 51 tỉ USD trong ba tháng đầu năm 2023.
Sử dụng bài học rút ra từ lệnh trừng phạt năm 2014, các nhà kỹ trị thân cận với Tổng thống Putin đã củng cố nền kinh tế bằng cách tiết kiệm doanh thu năng lượng "trời cho" và khiến Nga bớt phụ thuộc vào một số mặt hàng nhập khẩu.
Các nước châu Âu đã tạo ra một hệ thống quy định cho phép năng lượng Nga chảy đến các quốc gia đang phát triển, làm giảm nhưng không ngăn được doanh thu mà Điện Kremlin kiếm được.
Ai còn buôn bán với Nga?
Khi doanh số bán dầu thô sang châu Âu sụt giảm, Ấn Độ - quốc gia có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Matxcơva - đã tham gia với tư cách là người mua.
Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Kazakhstan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đang cung cấp cho Nga nhiều chất bán dẫn, mạch tích hợp và các công nghệ khác mà Mỹ và các đồng minh đã cố gắng ngăn chặn thông qua các biện pháp trừng phạt.
Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga vào năm 2022, cung cấp hơn 1/3 hàng hóa nhập khẩu của nước này.
Ngày 24-2, đánh dấu tròn một năm chiến sự tại Ukraine, nhiều biện pháp trừng phạt mới với Nga được Mỹ công bố.