Bác sĩ Calvin Q Trịnh - trưởng Trung tâm hiệu chỉnh cơ xương khớp Bệnh viện 1A (TP.HCM) - chia sẻ thời gian qua đơn vị đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ trẻ em đến thanh thiếu niên, thiếu niên bị gù vẹo cột sống nặng.
Tưởng nhẹ mà hóa ra nặng
Điển hình trường hợp sinh viên V.L.A. (nữ, 19 tuổi) thường xuyên bị đau mỏi vùng lưng, khó thở, không leo thang lầu được nhiều. Bệnh nhân cảm thấy tự ti và trầm cảm vì ngoại hình của mình.
Trước đó, từ năm học lớp 7, mẹ của A. đã thấy lưng của A. bị cong vẹo nên đưa A. đi khám bệnh viện ở quê và được chẩn đoán bị vẹo cột sống nặng nhưng không điều trị. Khi bệnh nhân lên TP.HCM học đại học thì mới khám tại Trung tâm hiệu chỉnh cơ xương khớp ở Bệnh viện 1A.
Bác sĩ Calvin Q Trịnh cho hay, qua thăm khám cho thấy A. bị vẹo cột sống ngực thắt lưng nặng với góc 44 độ, mất độ ưỡn sinh lý cột sống cổ. Điều nguy hại là các đốt sống ngực đã biến dạng, điều trị bảo tồn không thể trả lại hình dạng ban đầu.
Sau 12 buổi tập, tình trạng đau mỏi lưng của A. cải thiện rõ ràng, có thể leo thang lầu được nhiều và không còn cảm thấy khó thở nhiều như trước. A. được hướng dẫn thêm bài tập về nhà để tập luyện duy trì.
Trường hợp khác là bệnh nhân L.Đ. (nam, 18 tuổi) trong tình trạng khá nghiêm trọng: vai trái lệch cao gần 5cm so với vai phải, lồng ngực biến dạng, cột sống cong chữ S, nặng nhất ở đoạn ngực, lệch vẹo khung chậu.
Trên phim X-quang vẹo cột sống đoạn ngực chữ S rất nặng với góc T1-T6 là 53 độ, T6-T12 là 60 độ.
Do sát ngày thi cử nên em Đ. được điều trị dãn cơ vùng cổ vai gáy và tăng cường chức năng hô hấp để giảm đau nhức vùng cổ gáy và bớt mệt mỏi khi ngồi học. Sau 3 ngày điều trị, em Đ. thấy bớt đau hẳn. Sau thi, em sẽ tập trung điều trị cong vẹo cột sống.
Trước đó, vào năm 13 tuổi, Đ. có đi khám và phát hiện vẹo cột sống tại một bệnh viện ở TP.HCM. Em Đ. được điều trị cho mang áo nẹp nhưng không xử trí thêm gì.
Sau nhiều năm vẹo cột sống ngày càng tiến triển, bệnh nhân vẫn chỉ mang áo nẹp liên tục.
Đến tháng 6-2023, bệnh nhân phải học thêm nhiều chuẩn bị thi tốt nghiệp và đại học, nên xuất hiện nhiều triệu chứng đau mỏi cơ vùng cổ vai gáy và khó khăn trong sinh hoạt cũng như thể chất ngày càng yếu.
"Đa phần các phụ huynh có con gù vẹo cột sống nặng cảm thấy vô cùng đau xót và day dứt khi không cho con điều trị sớm dẫn đến con bị tật nguyền suốt đời, cuộc sống cả gia đình trong tâm trạng nặng nề. Nhưng một phần họ cũng không có đầy đủ thông tin, và được tư vấn phương pháp điều trị đúng để có thể quyết định kịp thời", bác sĩ Calvin Q Trịnh chia sẻ.
Cong chữ C, vẹo chữ S
Bác sĩ Calvin Q Trịnh cho biết thêm, vẹo cột sống là một biến dạng của cột sống, trong đó cột sống bị cong lệch sang một bên theo hình chữ C trên mặt phẳng trán, có thể cong 2 vị trí trở lên theo hình chữ S.
Gù là cột sống bị cong ra sau quá mức theo mặt phẳng trước sau và theo định nghĩa có ít nhất 3 đốt sống liên tiếp có góc gù thân đốt ≥ 5 độ gây nên. Góc gù càng lớn càng nghiêm trọng.
Một số trường hợp các đốt sống xoay theo mặt phẳng ngang, tùy vị trí cao thấp gây biến dạng hình thể thân trên và lồng ngực hoặc xoay khung chậu làm thay đổi dáng đi. Các trường hợp phức tạp sẽ gồm cả gù, vẹo và xoay cột sống.
Điều nguy hiểm là các dị tật này thường xuất hiện trong giai đoạn phát triển mạnh của trẻ (thường trước tuổi dậy thì), cho nên các phía đốt sống bị chèn ép và chịu lực không phát triển so với phía bên kia, dẫn đến biến dạng đốt sống, cột sống và lồng ngực, làm thay đổi hình thể và dáng đi.
Gù vẹo cột sống trong lứa tuổi trẻ em và dậy thì không điều trị dẫn đến diễn tiến nặng, gây tàn tật cho trẻ suốt đời, làm giảm thể tích bên trong lồng ngực gây ảnh hưởng xấu đến chức năng hô hấp, từ đó suy giảm thể chất.
Khi lớn lên tinh thần trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mặc cảm, trầm cảm, tự ti không giao tiếp xã hội và chất lượng cuộc sống giảm.
Áo nẹp không phải là cứu cánh
Bác sĩ Calvin Q Trịnh lưu ý, áo nẹp không giúp điều trị khỏi vẹo cột sống mà chỉ phần nào giúp ngăn ngừa vẹo cột sống tăng nặng thêm, tác dụng lên ý thức bệnh nhân.
Hầu hết áo nẹp được mặc cả ngày và đêm trong giai đoạn trẻ vẫn còn đang phát triển và vẹo cột sống mức độ nhẹ. Chấm dứt mặc áo nẹp khi bộ xương ngừng phát triển.
TT - Tại một số bệnh viện, những ca trẻ bị gù vẹo cột sống mức độ nặng đến điều trị không có dấu hiệu giảm qua các năm. Đáng báo động là có trẻ bị gù vẹo cột sống trên 100 độ mới được đưa đến bệnh viện.