Đủ cách "bùng" nợ
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tình trạng trốn nợ các khoản vay tiêu dùng cá nhân đang có xu hướng tăng nhanh. Không ít người vay còn tập hợp, lập thành các hội, nhóm trên mạng xã hội, chỉ cho nhau cách “bùng” (trốn) nợ.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trên nhóm kín “Chuyên tư vấn bùng nợ - xóa nợ xấu” với 129.000 thành viên, mỗi ngày, có hàng chục bài chia sẻ kinh nghiệm “bùng” nợ. 1 cách phổ biến được nhiều thành viên chia sẻ là nếu dùng sim điện thoại khi làm thủ tục vay thì hủy sim, chuyển chỗ ở. Một số người còn đăng bài lên Facebook hoặc Zalo, nói rằng mình là nạn nhân của các tổ chức cho vay nặng lãi, kèm đường dẫn (link) bài báo về việc công an kiểm tra các công ty tài chính, các ứng dụng (app) cho vay nặng lãi.
Một số thành viên nhóm trên còn khoe chiến tích đã “bùng” nợ các công ty tài chính gần nửa tỉ đồng. Một số thành viên vào bình luận, bày thêm rằng, nếu bị các tổ chức tín dụng “làm quá” thì cứ thu thập bằng chứng kiện ngược lại, nếu có nhân viên tín dụng đến nhà thu nợ thì hù rằng mình có người quen làm công an ở địa phương, hoặc nhờ người quen “trấn áp”.
Một số thành viên liệt kê các đơn vị có thủ tục, điều kiện cho vay dễ dàng, không đòi nợ bằng cách gọi người thân, cử nhân viên đến mà chỉ gửi giấy đòi nợ… Có thành viên tự nhận mình rất rành về luật nhưng lại viện dẫn sai các quy định pháp luật để dạy người khác cách “bùng” nợ.
Thành viên N.V. tự nhận đang nợ các khoản vay và cho rằng: “Pháp luật chỉ cho phép công ty tài chính thu lãi vay 1,666%/tháng (19,992%/năm) nhưng các công ty đang thu lãi 13,33%/tháng (khoảng 159%/năm). Các công ty này đang phạm tội cho vay nặng lãi nên các khoản nợ không có giá trị, bên vay có thể yên tâm “bùng” nợ”. Thực tế, hiếm có công ty tài chính hoạt động hợp pháp nào cho vay đến 159%/năm.
Không ít hội, nhóm bày cách trốn nợ như trên là do nhân viên của các tổ chức tín dụng “đen” lập nên nhằm dụ dỗ các thành viên vay tiền từ các app cho vay nặng lãi. Như nhóm “Hội bùng tiền các công ty tài chính” ghim lên đầu trang các mẹo vay tiền, trong đó kể tên hàng chục app cho vay tiền như Takomo, Siêu thị tiền, Jeff, Alocredit, Zaimoo, Cashspace H5, Credy… rồi cam kết rằng, nếu có “bùng” nợ, vẫn không bị nợ xấu. Quản trị viên nhóm này khuyên người vay nên đăng ký vay cùng lúc ở nhiều công ty tài chính, nhiều ứng dụng, nếu trượt chỗ này thì còn “trúng” chỗ khác. Nếu người vay không làm ở công ty nào thì có thể ghi bừa tên một công ty hoặc một số điện thoại nào đó, kê khống thu nhập cao lên để dễ được duyệt hồ sơ vay.
Người dân làm thủ tục vay tiền ở Công ty Tài chính HD Saison - đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tín dụng |
Trên một số nhóm, còn xuất hiện những lời rao nhận làm căn cước công dân giả, bán tài khoản mạng xã hội, bán danh bạ điện thoại ảo, bán hồ sơ đẹp để dễ vay tiền qua app và dễ “bùng” nợ. Nếu làm theo những hướng dẫn kiểu trên, khách hàng có thể rơi vào vòng xoáy nợ nần của các tổ chức tín dụng “đen”.
Thiếu quy định về xử lý hành vi trốn nợ
Đại diện Công ty Tài chính FE Credit cho biết, do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút, tỉ lệ khách hàng chậm thanh toán nợ cũng tăng cao. Bên cạnh số khách hàng mất khả năng trả nợ, ngày càng có nhiều khách hàng cố tình chây ì hoặc đi vay với chủ đích “bùng” nợ. Các dịch vụ online nhận tư vấn, hỗ trợ “bùng” nợ cũng nhân đó nở rộ, tác động tiêu cực tới nhận thức của người vay và lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Hiện có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động. Tình trạng “bùng” nợ gây khó khăn lớn cho các công ty này, trong đó có FE Credit. Công ty này đang phải tăng cường chi phí vận hành, nhân lực cho hoạt động thu hồi nợ, tăng mức trích lập quỹ dự phòng rủi ro nên giảm lợi nhuận và xáo trộn hoạt động kinh doanh.
Theo đại diện FE Credit, một số công ty tài chính sàng lọc kỹ hơn trong quy trình duyệt vay, hạn chế giải ngân để kiểm soát rủi ro. Việc siết chặt tín dụng sẽ khiến người dân khó tiếp cận nguồn vốn vay chính thống, an toàn dù họ có nhu cầu vay tiêu dùng. Do vậy, nếu tình trạng này kéo dài, người dân sẽ tìm đến tín dụng “đen”, kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội. Hiện nay, đối với những khoản vay nhỏ và không đòi hỏi tài sản đảm bảo, vẫn chưa có quy định về trách nhiệm của người vay, hình thức xử lý khi khách hàng trốn nợ. Theo luật, công ty tài chính có thể khởi kiện ra tòa nhưng việc này lại gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí.
Bà Văn Thái Bảo Nhi - Giám đốc cấp cao phụ trách xử lý nợ, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - nhận định: nợ quá hạn, nợ xấu đang có xu hướng tăng. Với các khách hàng chây ì trả nợ, ngân hàng sẽ khởi kiện ra tòa, nhưng việc đòi được nợ thường rất gian nan.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - hiện đang có rất nhiều ứng dụng cho vay không phép, thu lãi suất rất cao, ảnh hưởng xấu đến các công ty tài chính đã được cấp phép, khiến các công ty này bị ngộ nhận là tín dụng “đen”. Gần đây, cơ quan chức năng đã kiểm tra hoạt động của 7/16 công ty tài chính nhưng lại không thông tin cho người dân về nội dung kiểm tra, khiến một số người vin vào cớ này để chây ì trả nợ, có hành vi thách thức, đe dọa nhân viên thu hồi nợ, khiến nhiều nhân viên nghỉ việc do không chịu nổi áp lực tâm lý.
Theo ông, cần có cơ chế quản lý riêng đối với mảng tài chính tiêu dùng, tạo điều kiện cho các công ty tài chính hoạt động trôi chảy, an toàn. Đặc thù của cho vay tiêu dùng là không có tài sản đảm bảo, khách hàng đa số dưới chuẩn nên có thể quy định tỉ lệ nợ xấu ở mức cao hơn cho công ty tài chính, đồng thời ban hành quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người vay, có chế tài xử phạt đối với người cố tình chây ì trả nợ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông để khách hàng nắm được danh sách các tổ chức tín dụng đã được NHNN cấp phép hoạt động, giúp khách hàng phân biệt được các công ty này với các công ty cho vay tiền trái pháp luật. Cũng cần truyền thông rộng rãi tới người dân về nghĩa vụ trả nợ, những rủi ro khi không trả nợ đúng hạn. Khi khám xét các công ty tài chính, cơ quan công an cần làm đúng trình tự pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các đơn vị này, thông tin đến người dân về tính chất cuộc kiểm tra.
Ông cũng cho rằng Nhà nước nên xem xét tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp họ thẩm định, xác minh thông tin khách hàng thuận lợi, chính xác. Bộ Thông tin và Truyền thông nên khuyến khích cơ quan báo chí định hướng dư luận, có nhiều bài viết để người dân yên tâm, biết cách tiếp cận tài chính từ các nguồn tín dụng chính thức. UBND các địa phương cũng nên hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong công tác thu hồi nợ.
Cần có chương trình giáo dục tài chính đại trà Tín dụng tiêu dùng chiếm tỉ trọng 7% trong GDP Việt Nam, là một trong những công cụ để hỗ trợ tài chính hiệu quả cho người tiêu dùng. Việc trả nợ không đúng hạn, “bùng” nợ đều để lại lịch sử tín dụng xấu, khiến khách hàng không thể tiếp tục vay ở các tổ chức tài chính hợp pháp (được NHNN cấp phép). Muốn được vay vốn, khách hàng phải hoàn tất nghĩa vụ trả khoản nợ đã “xù” trước đó kèm các khoản lãi, phí chậm thanh toán. Hiện Việt Nam đã có thị trường và sàn mua bán nợ doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa có sàn giao dịch các món nợ vay tiêu dùng. NHNN nên có định hướng mở sàn giao dịch nợ vay tiêu dùng. Một vấn đề quan trọng là phải giáo dục tài chính cho người dân. NHNN có chương trình Đồng tiền thông minh phát sóng trên đài truyền hình nhưng cần có thêm chương trình giáo dục tài chính đại trà, cung cấp thông tin, kiến thức để người dân biết đâu là công ty tài chính được cấp phép, đâu là tín dụng “đen”, hậu quả khi không trả các khoản nợ vay… Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng |
Thanh Hoa