Sinh viên Huế giai đoạn đó hầu hết sinh sống từ Bắc Trung Bộ kéo dài vào tận Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Phương tiện đi về là tàu hỏa và xe đò, mà thường là mỗi năm sinh viên ở xa chỉ có thể đi về được vài lần đầu năm học, nghỉ Tết và hè bởi chuyện xe tàu ngày ấy quá gian nan.
Một giờ xe chạy thời nay là một ngày thuở ấy
Đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến vào tháng 4-1975 thì sau đó chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ và ít năm sau là chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, đất nước chồng chất khó khăn. Nhiên liệu phải ưu tiên cho chiến trường trong điều kiện đất nước bị cấm vận. Xe cộ phải "đắp chiếu" vì thiếu xăng.
Cần nhớ là trước đó, thị trường vận tải hành khách và hàng hóa ở miền Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với những hãng "chạy suốt" từ miền Trung vào cao nguyên hay dọc ngang miền Nam, nhưng rồi khủng hoảng nhiên liệu đã khiến hệ thống xe cộ vận tải này tê liệt.
Sau năm 1975, ưu tiên các mặt trận, nhiên liệu với người dân chủ yếu chỉ được phân phối bằng tem phiếu gọi là "chất đốt" hằng tháng một cách hiếm hoi. Một loại dầu mazut khi cháy tỏa khói mù được bán dùng để đun bếp dầu cho các công dân đô thị và ở nông thôn nó lại được dùng thắp sáng những ngọn đèn dầu đầy muội đen và bồ hóng cho trẻ con đêm đêm học bài.
Khi những chiếc xe đò dân sự nằm im vì thiếu xăng, còn nhu cầu đi lại của người dân lại rất lớn, thì "cái khó ló cái khôn" gần như là một truyền thống đặc biệt của người Việt. Những chiếc xe đò chạy than bắt đầu xuất hiện trên các tuyến đường.
Gọi là xe đò chạy than nhưng nó không phải chạy bằng hơi nước (kiểu như củi đốt hay than đá cho nồi hơi ở tàu lửa thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20), mà xe chạy than vốn được lắp thêm một lò đốt củi ở đuôi xe. Lò là một thùng sắt hình trụ đường kính tầm 50cm, cao 1,6 - 1,8m.
Nguyên lý hoạt động của xe này là thay vì chạy xăng, lò than gắn ở đuôi xe được cho than củi vào và được "hầm" nóng lên. Than không được cháy thành lửa ngọn mà bốc ra khí "gas". Từ khi bỏ than củi vô thùng nung nóng lên cho tới lúc bốc ra khí gas mất khoảng vài chục phút, khí này sẽ chạy qua một bầu lọc thô sơ rồi được hút vào xy lanh, sau khi xe đã nổ máy với một lượng xăng nhỏ làm "mồi".
Tuy nhiên chỉ khái lược về kỹ thuật như thế để biết rằng đó là một sáng kiến "thô sơ hóa hiện đại" góp phần giúp hàng ngàn chiếc xe đò thay vì đắp chiếu vì thiếu xăng sẽ chạy được bằng... than củi. Còn câu chuyện chính về những chuyến xe đò thời đó chính là tất cả những hỉ nộ ái ố mà nó mang lại cho một thế hệ hành khách.
Ngót nghét ở tuổi gần hết đời người, đã đi đủ loại phương tiện xe cộ ở nhiều quốc gia, nhưng những chuyến xe đò thời sinh viên luôn là một ám ảnh trong ký ức. Năm 1986, để đi từ Đông Hà vào Huế thi đại học, từ làng quê mình về tới bến xe Đông Hà kịp chuyến sớm, chúng tôi phải dậy từ 4h sáng để theo chuyến đò dọc về chợ thị xã.
Từ Đông Hà vào Huế, ai may mắn sẽ được đi bằng chiếc xe không "nằm vạ", còn thì để qua được chặng đường ấy là chuyện hên xui! Bây giờ đây, khoảng cách từ Quảng Trị vào Huế, chúng tôi chỉ chạy mất tầm một giờ đồng hồ, còn thời sinh viên đi hết 70km này mất cả ngày đường là chuyện thường.
Tai nạn và ngủ trên đèo Hải Vân
Nhưng quãng đường 70km từ Đông Hà vào Huế là đường đồng bằng, cho dù xe than hay xe xăng có cổ lỗ đến mấy cũng không kinh khủng bằng những chuyến xe từ Huế đi vào các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Ám ảnh nhất của sinh viên từ Nam Trung Bộ ra đến Đà Nẵng học ở Huế là con đèo Hải Vân.
Ngót bốn mươi năm trước, đường đèo hẹp và chưa có các lối cứu nạn, hay hiện đại hơn là hầm xuyên núi như bây giờ. Thi thoảng ngày ấy, tôi lại theo bạn bè mình vào Đà Nẵng, Quảng Nam và xe đò vượt đèo luôn là một ký ức khó quên.
Kinh khủng nhất là lâu lâu ký túc xá chúng tôi lại náo động khi nghe tin có một vài sinh viên nào đó trên chuyến xe về nhà hay ra lại trường khi qua đèo Hải Vân xe gặp tai nạn. Những năm đó, hơn hai chục cây số đường đèo từ Lăng Cô vào tới đến Kim Liên cứ một quãng vài trăm, thậm chí vài chục mét, lại thấy một cái am dựng bên đường nghi ngút khói nhang. Không ai nhớ hết bao nhiêu chuyến xe bị nạn trên đèo những năm tháng của thập niên 1970 - 1980 của thế kỷ 20 đó.
Tai nạn vì đường đèo hiểm trở, tai nạn vì xe cộ quá cũ kỹ không đảm bảo an toàn... Nhưng đó là con đường độc đạo, muốn ra Huế chỉ có thể qua đèo dù xe đò hay tàu hỏa. So với việc mua vé tàu hỏa thì mua vé xe trong giai đoạn đó vẫn đỡ hơn, nhất là khi tấm thẻ sinh viên vẫn được xếp vào hạng ưu tiên khi ra bến xe mua vé.
Những chuyến xe đò vượt Hải Vân ngày ấy đồng nghĩa với vượt qua những trạm kiểm soát của các ban ngành liên hợp trên tuyến. Và đội quân buôn lậu hàng hóa gùi cõng từ Thái Lan qua Lào vào cửa khẩu Lao Bảo, từ đó hàng hóa sẽ theo những chuyến xe đò vào Nam ra Bắc.
Tất nhiên, đám sinh viên về nhà luôn được các chị đi buôn lậu nhắm đến để nhờ ôm hộ một số hàng. Khi hàng qua trót lọt, với vài chục đồng bồi dưỡng, những đứa sinh viên nghèo ngày ấy có khi đủ để xông xênh cà phê, ăn sáng cả tuần.
Bởi tuyến đường đèo hiểm trở như thế nên trong ký ức chúng tôi luôn nhớ về một sản phẩm độc đáo được bán ngay hai phía chân đèo mà ngày nay dường như đã không còn nữa: những khúc gỗ chèn bánh xe được đẽo thành hình khối trụ tam giác. Khi xe lên đèo, lơ xe luôn thủ sẵn khúc gỗ tam giác đó sẵn sàng lao vào chèn bánh khi xe chết máy bị tuột dốc. Thường có hai lơ xe trong tư thế lăm lăm đòn chèn trên tay ngồi ngay bậu cửa, chỉ cần nghe tiếng máy "hậc" lên rồi tắt lịm là họ lao xuống với động tác chính xác chèn ngay đòn kê vào bánh.
Những lúc như thế, tài xế động viên khách cứ nhảy xuống và túc tắc đi bộ lên đèo, rồi xe sau khi sửa xong sẽ chạy lên đón khách của mình. Nhưng đâu phải xe nào cũng sửa được sau vài chục phút hay thậm chí vài tiếng, nên ngủ lại giữa đèo không là điều gì lạ lẫm với khách đi xe đò ngày ấy...
Còn nhớ xe xuất bến từ 8h sáng, nếu xe chạy ổn, dù tốc độ hơi chậm (nhưng đường quốc lộ 1 thuở ấy vắng xe) thì 70 cây số ấy sẽ mất chừng 3-4 tiếng. Tuy nhiên hiếm khi có chuyến xe nào chạy được liền mạch như thế. Nhất là với chuyến xe than vừa chạy chậm, lâu lâu lại như "thở than, ăn vạ" bằng cách đột ngột lịm máy, đấy là chưa kể để xe chạy liên tục trong khi than phải cháy trong điều kiện thiếu không khí nên có xu hướng tắt dần.
Để khỏi "sập nguồn", cứ chạy một quãng anh lơ xe lại dùng một que sắt dài khều than, gạt tro cho lò đốt năng lượng tiếp tục cháy.
************
Cánh tài xế già hay bảo nhau "có phong hai lần anh hùng cũng chẳng dám lái xe khách tuyến Tuyên Quang - Xín Mần, Hà Giang ngày ấy". Nào đường trơn, vực sâu, nào thủng lốp, nào đạn pháo Trung Quốc rít eo éo trên đầu...
>> Kỳ tới: Xe khách "chuồng gà" thời bao cấp
Những người đứng tuổi chắc vẫn chưa quên cảnh chực chờ ở bến xe để có tấm vé hiếm hoi xuôi về miền Tây hay lên Tây Nguyên, ra miền Trung nắng gió. Có cả chuyến xe than...