Riêng trong tháng 5 tăng cao, lên 409 ca (tăng 140%) so với tháng trước đó, hai tuần đầu tháng 6 là 390 ca.
Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng - trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ - cho biết hiện nay số trẻ mắc tay chân miệng đang điều trị là 73 trường hợp.
Đặc điểm năm nay bệnh tay chân miệng cũng tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên bệnh diễn biến chuyển độ nặng rất nhanh, một số bệnh nhi đã nhập viện nhưng chuyển nặng nhanh, bệnh đông nên nhân viên y tế gặp khó trong việc xử lý.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cũng tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp trẻ bệnh tay chân miệng nặng đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, khoa hồi sức tích cực bệnh viện hiện có 12 ca bệnh tay chân miệng nặng độ từ 2b trở lên được điều trị tích cực, trước đó có 1 trường hợp nặng độ 4 tử vong.
Bác sĩ Ông Huy Thanh - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ - cho biết hiện nay thuốc Immunoglobulin điều trị bệnh tay chân miệng nặng còn không nhiều. Bệnh viện đang tìm nhà cung cấp thuốc, nếu trong tuần này dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp và tìm chưa ra nhà cung cấp sẽ gặp khó khăn về nguồn thuốc điều trị.
Các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh… số ca bệnh tay chân miệng ở trẻ em cũng đang gia tăng đáng báo động.
Tại An Giang ghi nhận 485 ca mắc, tăng so với cùng kỳ 2022, dự báo trong thời gian tới số ca mắc có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong các tháng 7, 8, 9, đặc biệt thời gian học sinh trở lại trường vào năm học mới. Vì vậy khả năng xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay ghi nhận 750 ca tay chân miệng, tăng 25% so với cùng kỳ 2022, trong đó trên 60% là trẻ em dưới 3 tuổi. Phân loại các ca bệnh nặng cho thấy có 244 ca mức độ 2, ca nặng 2b có 4 ca và 5 ca độ 3, 4.
Bệnh tay chân miệng năm nay đến sớm hơn mọi năm với nhiều ca trở nặng nguy hiểm. Chỉ trong nửa đầu năm 2023, Đồng Nai đã ghi nhận hơn 900 ca bệnh.