Đó là chùa Thiên Ân, ngôi chùa được xây dựng với kiến trúc mang màu sắc Nhật Bản. Ngôi chùa gây ấn tượng cho du khách và người dân bởi tọa lạc trên một ngọn đồi, ba mặt là cảnh biển bao la của vịnh Vân Phong nổi tiếng. Để ngôi chùa nên hình nên dáng và trang nghiêm như ngày hôm nay, nhiều năm qua, đại đức Thích Nguyên Quang - vị trụ trì từng là bộ đội cụ Hồ, đã lao động cật lực để gầy dựng.
Chia sẻ với chúng tôi, đại đức Thích Nguyên Quang (46 tuổi) cho biết biển đảo đã ăn sâu vào máu thịt của ông ngay từ nhỏ, bởi nhà ông ở chung tường rào với Huyện đội Lý Sơn (thuộc đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi). Tuổi thơ từng ăn cơm cùng bộ đội nhiều hơn ăn ở nhà. Học xong phổ thông là ông mặc ngay áo lính, gần 4 năm trong quân ngũ ông được cử đi đào tạo sĩ quan. Thế nhưng, với phát nguyện sẽ đi tu nên khi ra quân, ông không đi học lớp đào tạo sĩ quan như bao đồng đội khác mà xuất gia tu học tại chùa Phước Lộc (Quảng Ngãi), sau đó theo học cao đẳng Phật học.
Một lần ông vào thăm cha ở Bãi Lớn, một hòn đảo khá xa đất liền, thuộc H.Vạn Ninh (Khánh Hòa), nơi mà cha ông đến khai hoang, dưỡng đất để trồng tỏi Lý Sơn từ năm 1992. Biết ông nhất mực xuất gia đi tu, nên người cha đã giao một phần đất để ông xây chùa. Từ đất liền ra đảo mất khoảng 2 giờ tàu chạy, nên quá trình chở nguyên vật liệu ra xây dựng chùa gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, ngôi chùa ngày ấy xây dựng chủ yếu bằng gỗ, mái lợp cỏ tranh, tượng Phật cũng bằng gỗ… Do vị trí ở đảo xa, nên chùa chỉ đáp ứng cho vài trăm hộ trên đảo tới sinh hoạt văn hóa tâm linh, riêng phật tử ở đất liền muốn ra lễ phật gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, từ năm 2013, chính quyền Khánh Hòa đã tạo điều kiện cho chùa dời về xã đảo Vạn Thạnh hiện nay.
Chùa Thiên Ân được cấp phép xây dựng có diện tích 300 m2, trong khuôn viên 1,4 ha. Chùa có vị trí tuyệt đẹp, như một hòn đảo nhỏ nhô ra biển, ôm trọn 3 mặt nước biển vịnh Vân Phong trong xanh quanh năm. Nhiều phật tử đến lễ chùa cho biết nhờ có ngôi chùa này mà người dân xã đảo có nơi để sinh hoạt văn hóa tâm linh. Đặc biệt, trong cơn bão khủng khiếp ập vào Khánh Hòa năm 2017, hầu như cả làng đã tập trung về đây để tá túc tránh bão, khi nhà cửa của họ bị tốc mái, xiêu vẹo hoặc sụp đổ. Ngoài ra, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh thường kết nối với chùa, qua đó gửi đến ngư dân nghèo những món quà ấm áp mỗi khi tết đến xuân về.
Nói về đại đức Thích Nguyên Quang, một phật tử ngoài 80 tuổi cho biết thầy không chỉ toàn tâm tu tập, mà còn rất yêu biển đảo quê hương. Hơn 2 năm qua, thầy đã đưa hơn 100 cây bàng vuông từ Lý Sơn về trồng quanh chùa, đến nay phát triển rất xanh tốt, có cây đã ra hoa. Điều đặc biệt là mấy năm gần đây, đại đức Thích Nguyên Quang mong muốn được phát nguyện ra Trường Sa để tu tập trong một thời gian.
Đến với chùa Thiên Ân vào những ngày này, có rất đông các bạn trẻ tới vãn cảnh chùa, chụp ảnh, ăn cơm chay… Từ vị trí chùa có thể ngắm toàn cảnh thiên nhiên trên vịnh Vân Phong, giúp thả hồn mình vào chốn thanh tịnh cùng khung cảnh thiên nhiên yên bình của biển trời.