Ngày 18-6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kết thúc chuyến công du có thể đánh giá là thành công tốt đẹp tại Trung Quốc (TQ). Tiếp ông Blinken tại Bắc Kinh là hàng loạt nhân vật cấp cao TQ: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tần Cương, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương, Chủ tịch Tập Cận Bình.
Loạt hội đàm cấp cao
Nhân vật ông Blinken hội kiến cuối cùng trước khi rời TQ là ông Tập. Cuộc gặp diễn ra lúc 4 giờ 30 (giờ địa phương) ngày 19-6, theo Tân Hoa xã. Cuộc gặp không được lên lịch trước và chỉ được phía Mỹ thông báo công khai khoảng 1 giờ trước khi diễn ra.
Tiếp ông Blinken, ông Tập khẳng định rằng TQ luôn hy vọng nhìn thấy mối quan hệ Trung - Mỹ ổn định và vững chắc, theo Tân Hoa xã. Ông Tập cho biết ông hy vọng ông Blinken thông qua chuyến thăm của mình sẽ “đóng góp nhiều hơn vào việc ổn định quan hệ Mỹ - Trung”, đồng thời nói thêm rằng “các tương tác giữa các nhà nước phải luôn dựa trên sự tôn trọng và chân thành lẫn nhau”.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (phải) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh vào chiều 19-6. Ảnh: CNN |
Ông Tập nhấn mạnh rằng hai bên cần duy trì cam kết tuân theo những hiểu biết chung mà ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đạt được ở Bali (Indonesia), biến những tuyên bố tích cực thành hành động để ổn định và cải thiện quan hệ Trung - Mỹ.
Cuộc gặp giữa ông Vương và ông Blinken vào sáng cùng ngày 19-6 kéo dài khoảng 3 giờ, lâu hơn dự kiến. Nội dung cuộc gặp nhấn mạnh những thách thức sâu sắc trong việc vượt qua sự ngờ vực và xích mích trong quan hệ Mỹ - Trung, theo CNN.
Ông Vương nhận xét quan hệ Mỹ - Trung “đang ở mức thấp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao”, rằng TQ và Mỹ phải lựa chọn giữa “hợp tác hoặc xung đột”, theo đài truyền hình nhà nước TQ CCTV.
Ông Vương đổ lỗi cho “nhận thức sai lầm” của Mỹ về TQ là “nguyên nhân gốc rễ” khiến quan hệ hai bên đi xuống, yêu cầu Mỹ ngừng “ngăn cản” sự phát triển công nghệ của TQ và thổi phồng “mối đe dọa từ TQ. Ông Vương cũng nhắc lại rằng Đài Loan là một trong những “lợi ích cốt lõi” của TQ và “không có chỗ cho sự thỏa hiệp hoặc lùi bước”.
Phần mình, ông Blinken khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng chính sách ngoại giao của mình để “bảo vệ lợi ích và giá trị của người dân Mỹ”.
Cuộc gặp giữa ông Blinken và ông Tần ngày 18-6 diễn ra ít căng thẳng hơn. Sau 5 tiếng hội đàm, hai vị quan chức ngoại giao hàng đầu đều “mong muốn giảm căng thẳng”, đồng ý “thúc đẩy đối thoại, trao đổi và hợp tác” và “duy trì các tương tác cấp cao”, theo Bộ Ngoại giao TQ.
CNN dẫn đánh giá từ một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng dù mức độ căng thẳng hay hòa hoãn của từng cuộc hội đàm giữa ông Blinken và các quan chức cấp cao TQ có khác nhau nhưng điểm chung của các cuộc gặp này đều thể hiện “sự khác biệt sâu sắc” giữa Mỹ và TQ.
Liên lạc quân sự sẽ được nối lại?
Ông Blinken là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến Bắc Kinh trong năm năm. Trước chuyến thăm của ông Blinken, cả Mỹ và TQ đều hạ thấp kỳ vọng sẽ có bước đột phá lớn từ sự kiện này. Cho đến nay, không bên nào đề cập đến các thỏa thuận cụ thể. Tuy thế, CNN đánh giá chuyến đi của ông Blinken có ý nghĩa quan trọng với việc hàn gắn quan hệ Mỹ - Trung.
Sau sự kiện chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan hồi tháng 8-2022, cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden vào tháng 11 năm ngoái giúp quan hệ Mỹ - Trung có phần ấm lại. Tuy nhiên, sang đầu năm nay thì quan hệ tiếp tục đóng băng sau sự kiện Mỹ bắn hạ khinh khí cầu TQ đi vào không phận mình hồi tháng 2. Chuyến công du dự kiến của ông Blinken đến Bắc Kinh cũng vì thế mà phải hoãn lại.
Hai cường quốc toàn cầu ngày càng bất hòa về một loạt vấn đề, bên cạnh Đài Loan, Biển Đông còn có quan hệ chặt chẽ giữa TQ với Nga đến việc Mỹ hạn chế bán các công nghệ tiên tiến cho TQ.
Các cuộc hội đàm giữa ông Blinken với các quan chức cấp cao TQ được coi là phép thử quan trọng giữa thời điểm hai nước mất lòng tin kéo dài, xem liệu hai bên có tiến tới áp dụng các hình thức khôi phục lòng tin và làm tan băng quan hệ hay không.
Điểm mấu chốt nhằm khôi phục lòng tin là nối lại các đường dây liên lạc hai bên đã bị ngắt trong năm qua, đặc biệt đường dây trao đổi quân sự cấp cao.
Cả trong hai cuộc gặp với ông Vương và ông Tần, ông Blinken đều nhấn mạnh “tầm quan trọng của ngoại giao và duy trì các kênh liên lạc mở về toàn bộ các vấn đề để giảm nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai lầm”. Hai nước cần thiết phải quản lý sự cạnh tranh một cách “có trách nhiệm” thông qua “các kênh liên lạc mở”, đảm bảo nó “không dẫn đến xung đột”, theo Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lời ông Blinken.
Trao đổi với CNN, nhiều quan chức Mỹ cũng nói rằng dù không mong đợi bước đột phá lớn từ các cuộc hội đàm của ông Blinken nhưng họ hy vọng sau chuyến công du của vị ngoại trưởng Mỹ thì hai nước sẽ mở lại các đường dây liên lạc thường xuyên để ngăn chặn rủi ro leo thang thành xung đột.•
Mỹ không thay đổi chính sách về Đài Loan
Tới thời điểm này Mỹ vẫn không thay đổi chính sách về Đài Loan - một điểm nóng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.
Theo thông báo cập nhật từ cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đầu tháng 6, Tổng thống Joe Biden không thay đổi chính sách của Mỹ đối với tình hình TQ - Đài Loan, dù ông nhiều lần nói rằng Mỹ sẽ bảo vệ hòn đảo này nếu TQ tấn công.
“Chính sách "Một TQ" đã thành công trong việc thực sự đạt được mục tiêu thiết thực là hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan trong nhiều thập niên qua. Đó là lý do tại sao chính sách của chúng tôi không thay đổi” - ông Sullivan nói với CNN.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi tin rằng chính sách "Một TQ" nên tiếp tục để đảm bảo rằng không có sự thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng từ cả hai bên. Và chúng tôi duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan trong nhiều thập niên tới” - theo ông Sullivan.