Ngày 19-6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Doanh nghiệp còn khó tiếp cận vốn
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, tình hình còn nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Các cân đối lớn của nền kinh tế đã đảm bảo song còn một số việc thiếu bền vững, trong đó có việc cân đối vốn cho nền kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm chỉ đạt 3,15% (so với cùng kỳ là trên 8%). Theo Phó Thủ tướng, nếu 12 tháng chỉ tăng hơn 8% là rất thấp (định hướng năm 2023 là tín dụng phải tăng 14-15%). Do đó, việc hấp thụ và tiếp cận vốn rất khó khăn.
Phó Thủ tướng chỉ ra 4 yếu tố cần làm rõ. Cụ thể là về cơ chế chính sách; về phương án vay vốn, phương án đầu tư, tình hình tài chính; vấn đề lãi suất cho vay chưa phù hợp. Cuối cùng, để tiếp cận được vốn, hấp thụ được vốn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình sản xuất kinh doanh, các đơn hàng, chuỗi cung ứng phải đảm bảo.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì hội nghị. Ảnh VGP |
Nêu thực tế, doanh nghiệp rất muốn vay, nhưng không vay được, trong khi ngân hàng cũng rất muốn cho vay, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng vướng nằm ở cơ chế chính sách.
Nhìn nhận trình độ doanh nghiệp vừa và nhỏ hạn chế, song ông Thân cho rằng các cơ quan cần nghiên cứu toàn diện, hạ các điều kiện tiếp cận vốn.
Hiện Nhà nước bù lãi suất 2%/năm, nhưng doanh nghiệp không muốn vay, ngân hàng thương mại không cho vay được và "cũng không thiết tha làm" do các bên đều ngại.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Khôi cho rằng hầu hết doanh nghiệp đều khó tiếp cận vốn. Vì vậy, ông đề nghị mức lãi suất với các phân khúc khác là từ 8,5 - 9%/năm, phân khúc nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, cải tạo chung cư cũ ở mức 6,5 - 7%/năm.
Tuy nhiên, lãi suất chỉ là một phần. Nếu tháo gỡ được quy trình thủ tục đầu tư, rút gọn được khâu trung gian, thời gian giải quyết, doanh nghiệp có thể tiết kiệm tới 12 - 15%.
Do đó, ông Khôi cho rằng cần hoàn thiện môi trường pháp lý, các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Bất động sản và Luật Nhà ở.
Đồng thời, cần phát triển nguồn cung, phát triển thị trường vốn lành mạnh, tăng cường công nghệ để quản lý, giám sát các kênh huy động vốn của bất động sản…
Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho rằng doanh nghiệp cần trụ qua giai đoạn này, đợi tới cuối năm xuất hàng. Vì vậy, cần có giải pháp đột phá về vốn, tín dụng.
Ông Nam kiến nghị hạ lãi suất cho vay bằng USD xuống dưới 4%; tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%; giãn nợ phải trả từ 3 - 6 tháng giúp doanh nghiệp trụ lại, điều chỉnh các khoản phí giao dịch ngân hàng…
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP |
Kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không phù hợp
Tại hội nghị, đại diện NHNN cũng thừa nhận cơ quan này cũng như các ngân hàng thương mại còn hạn chế trong việc tổ chức công tác truyền thông chưa tốt về công tác tín dụng.
Tuy nhiên, theo đại diện NHNN, nguyên nhân chủ yếu là do cầu tín dụng giảm mạnh, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Kết luận, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu NHNN và các bộ ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Trong đó, cần tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực. Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
NHNN có giải pháp điều hành giảm lãi suất, các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Nghiên cứu giải pháp có các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, sản xuất chủ lực trong nước và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
NHNN cần rà soát, đánh giá toàn diện, phân loại và thống kê đầy đủ các khoản đã cấp tín dụng để xác định mặt bằng lãi suất cho vay trung bình hiện nay làm cơ sở để có giải pháp điều hành phù hợp.
Phó Thủ tướng cũng nói về quan điểm kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không phù hợp, sửa đổi ngay trong tháng 6-2023 để tiếp cận vốn thuận tiện hơn.
"Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn thông qua chính sách tài khóa hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Tính toán liều lượng phù hợp trong huy động vốn để kích thích tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ", Phó Thủ tướng chỉ đạo.