Sáng ngày 20-6, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra sau đó thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
An ninh cơ sở phải dựa vào dân.
Thảo luận tại tổ, các ĐB đều nhất trí sự cần thiết để huy động thêm lực lượng, là cánh tay nối dài của công an chính quy ở phường, xã để đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại cơ sở.
ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đánh giá hiện nay tình hình xã hội hết sức phức tạp, vì vậy rất cần thiết có lực lượng để đảm bảo an toàn trật tự an ninh xã hội tạo an toàn, yên tâm cho người dân, doanh nghiệp, xã hội.
Mặc dù vậy, theo ông Hận cơ quan soạn thảo cần làm rõ hàng loạt câu hỏi như: nếu dự luật được thông qua thì có làm tăng biên chế hay không? Có làm tăng ngân sách hay không? Có chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan hay không?.
“Đặc biệt, điều tôi quan tâm là dự luật khi thông qua có cam kết tạo sự chuyển biến rõ nét trật tự an toàn ở cơ sở hay không?" - ông Hận nói và cho rằng cần trả lời được các câu hỏi này thì các ĐBQH cũng sẽ mạnh dạn bấm nút thông qua được.
ĐBNguyễn Chu Hồi (Hải Phòng). Ảnh: QH |
ĐB Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cũng nhất trí với sự cần thiết ban hành dự luật, tuy nhiên ông cho rằng thiết kế thiếu đi một lực lượng “rất quan trọng” để đảm bảo trật tự, an ninh tại cơ sở đó chính là người dân.
“Cần phải dành một chương riêng về người dân. Cần phải dựa vào dân. Nếu dựa vào dân thì không lo gì tới biên chế, lo tiền. Thiếu người dân thì thiếu cơ bản, chỉ lo củng cố hay tăng thêm lực lượng khác thì cũng như xây nhà trên cát” - ĐB Hồi nói và nhấn mạnh thêm một dự luật vì dân, do dân thì không thể “cứ để dân đứng ngoài được”
Vụ Tây Nguyên là bài học đắt giá
Góp ý tại phiên thảo luận tổ, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) tán thành sự cần thiết ban hành luật. Theo ông hiện tình hình an ninh trật tự cơ sở, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, do đó các vụ việc vi phạm cần được phát hiện, xử lý từ sớm, từ xa, kịp thời.
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị). Ảnh: QH |
“Vụ việc ở Tây Nguyên vừa qua để lại cho chúng ta bài học rất đắt, vì cơ sở còn yếu, thiếu, chưa có quy định cụ thể, huy động lực lượng chưa kịp thời, xảy ra vấn đề rất đáng tiếc”, ĐB Đồng nói và nhấn mạnh để đảm bảo công tác an ninh trật tự cơ sở đạt kết quả tốt, cần có đạo luật thống nhất quy định, để xây dựng, tổ chức, hoạt động tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.
ĐB Đồng cũng đề nghị dự luật cần quy định cho rõ những quy định liên quan đến biên chế, ngân sách. Tên luật nên sửa lại thành Luật Tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ. Ảnh: QH |
Còn Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ cho rằng dự luật được xây dựng có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và yêu cầu của thực tiễn.
Ông cho hay trong thực tiễn việc đảm bảo an ninh trật tự cơ sở đòi hỏi ngày càng nặng nề hơn, do đó cần thiết bố trí thêm lực lượng để hỗ trợ công an chính quy thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Từ đó tạo những hiệu quả tích cực trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự.
Theo ông, thực tế ở địa phương hiện nay cho thấy, những vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, các loại tội phạm, tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội…diễn biến rất phức tạp. Nhất là các vi phạm của trẻ vị thành niên, các vụ cố ý gây thương tích.
“Lực lượng công an xã chính quy được bố trí đầy đủ nhưng anh em rất vất vả. Trong khi đó, lực lượng này nắm được địa bàn, phong tục tập quán, nên việc ban hành luật này rất cần thiết, trở thành cánh tay nối dài hỗ trợ, cùng với công an chính quy thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở…” - ông Thuận nói.
Mọi người dân phải được hạnh phúc, an toàn
Làm rõ hơn ý kiến của ĐBQH nêu tại phiên thảo luận tổ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định Nghị quyết ĐH Đảng đã nêu rõ xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương và “mọi người dân phải được hạnh phúc, được an toàn, không ai bị đe dọa, không ai bị ảnh hưởng”.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: QH |
“Cơ sở phường xã đảm bảo an ninh trật tự tốt thì huyện quận sẽ tốt, dẫn tới tỉnh tốt, mà tỉnh tốt thì cả quốc gia sẽ tốt. Những vấn đề gì phạm vi an ninh quốc gia thì Chính phủ, Nhà nước lo nhưng với người dân mình cũng không được bỏ lại” - Bộ trưởng Công an nói và cho hay vì vậy mục tiêu của dự luật là “bám cơ sở, quan tâm từng gia đình, người dân” từ đó xây dựng từng phường, xã trở thành “pháo đài về an ninh trật tự”.
"Mầm mống tội phạm ở cơ sở dân người ta biết hết. Nhưng rất dở là dân biết mà chính quyền, công an không biết, thì quá dở, mà càng dở, càng kém hơn là biết mà không giải quyết” - Bộ trưởng Công an nói.
Ông cho hay hiện nay lực lượng công an chính quy về cơ sở nhưng chưa đủ sức bao quát hết vì công việc vô cùng nhiều từ đảm bảo an ninh trật tự, vận động nhân dân, cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tội phạm ma tuý, giải quyết tin báo tố giác tội phạm… Do đó rất cần cần có lực lượng hỗ trợ công an chính quy trong đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở, trong đó vai trò của nhân dân là quan trọng nhất.
“Lực lượng ở cơ sở này, từng phường, từng xã một chính là nòng cốt để giải quyết những công việc rất quan trọng, hàng ngày, hàng giờ chứ không phải vụ án xảy ra rồi công an mới đến giải quyết” - Bộ trưởng Công an nói.