Theo bác sĩ Phan Chí Thành - chánh văn phòng Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, u nang buồng trứng là bệnh thường gặp ở phụ nữ, nhất là những phụ nữ ở độ tuổi sinh sản.
Ban đầu đó chỉ là khối u lành tính, tuy nhiên nếu không can thiệp kịp thời có thể biến chứng thành ung thư buồng trứng. Cụ thể, bệnh u nang buồng trứng lúc mang thai thường có 2 dạng:
U nang buồng trứng hoàng thể: U nang này hình thành do thay đổi nội tiết trong thời kỳ mang thai, thường biến mất sau 3 tháng đầu thai kỳ. U nang hoàng thể là u nang lành tính, không đáng lo ngại.
U nang buồng trứng thực thể: U nang buồng trứng thực thể thường gặp ở phụ nữ từng nạo hút thai, sẩy thai. U nang buồng trứng này thông thường đã hình thành trong một thời gian khá dài, nhưng chị em chỉ phát hiện ra khi đi khám thai.
Bác sĩ Thành lý giải khi mang thai, hoàng thể sản xuất ra các hormone để nuôi dưỡng và hỗ trợ niêm mạc tử cung phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho phôi thai làm tổ và lớn dần.
"Cho đến khi thai nhi đến tuổi thai từ 10-12 tuần, sự hoàn thiện của bánh nhau sẽ dần thay thế chức năng này của hoàng thể. Lúc này, hoàng thể teo nhỏ dần, thoái hóa và tiêu biến.
Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp thai phụ, hoàng thể này vẫn tiếp tục chứa đầy chất lỏng và vẫn hiện diện trên buồng trứng thay vì thoái lui. Điều này được gọi là nang hoàng thể.
Bên cạnh đó, một người phụ nữ mang thai vẫn có thể có một hay nhiều nang buồng trứng trước khi mang thai mà chưa từng phát hiện. Chúng có thể vẫn còn hiện diện và tồn tại trên buồng trứng trong suốt thai kỳ và gây ra tình trạng u nang buồng trứng khi mang thai", bác sĩ Thành cho hay.
Bác sĩ Thành cho biết thêm, triệu chứng của u nang buồng trứng thường gặp như đau. Tuy nhiên, cảm giác đau này diễn ra một cách mơ hồ, cảm giác như có vật gì đè nặng ở vùng bụng dưới hoặc vùng chậu phía có u nang.
Ngoài ra, trong một số trường hợp u nang bị xoắn khiến chị em đau dữ dội và cần được đi cấp cứu.
Chị em có thể có triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, kém ăn; bụng to hơn tuổi thai hoặc cảm giác áp lực lên ổ bụng tăng cao bất thường; buồn nôn hoặc nôn: thường gặp trong trường hợp u nang bị xoắn; sốt do nhiễm trùng; chóng mặt, choáng váng do mất máu.
Theo bác sĩ Thành, phần lớn các u nang buồng trứng khi mang thai đều không gây nguy hiểm hay có ảnh hưởng xấu gì đến thai kỳ.
"Ví dụ, nếu là một u nang hoàng thể, rất có thể nó sẽ tự biến mất trong tam cá nguyệt thứ hai. Cũng có một số loại u nang buồng trứng khác có thể vẫn tiếp tục phát triển trong thai kỳ. Trong một số trường hợp có thể gây ra cảm giác đau đớn, nặng nề vùng hạ vị cho sản phụ.
Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp đó, các u nang này cũng thường không gây ra vấn đề nghiêm trọng gì đối với thai kỳ", bác sĩ Thành nêu rõ.
TTO - Khám thai ở tuần thứ 31 thì sản phụ 22 tuổi phát hiện em bé trong bụng có khối u buồng trứng. Sau sinh, bé được Bệnh viện Từ Dũ chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 để lấy khối u này.