Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 20/6 giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng 100.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,50 – 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay tạm nghỉ giao dịch tại New York do thị trường Mỹ nghỉ giao dịch, sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên 1.955 USD, nhưng đã đảo chiều về gần 1.950 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,46 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 20/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.718 đồng/USD, tăng mạnh 21 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.350 – 23.690 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đứng ở 26.500 USD, thì sang phiên hôm nay đã có nhịp tăng khá mạnh lên trên 27.100 USD, nhưng đã hạ nhiệt về gần 26.800 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,35 USD (+0,43%), lên 72,09 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,60 USD (+0,79%), lên 76,69 USD/thùng.
VN-Index tăng về cuối phiên
Trong phiên mà nhà đầu tư tương đối thận trọng từ sớm, thanh khoản sụt giảm mạnh khiến bảng điện tử phân hóa cao, thì một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng đã cho tín hiệu mua thăm dò ở cuối phiên sáng và bất ngờ gia tăng mạnh ở nửa cuối của phiên chiều, qua đó, làm động lực chính cho nhịp bật tăng về cuối phiên của VN-Index lên mức cao nhất ngày.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11,4 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 442,5 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 20/6: VN-Index tăng 6,32 điểm (+0,57%), lên 1.111,72 điểm; HNX-Index tăng 2,25 điểm (+1%), lên 228,77 điểm; UpCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,31%), lên 84,82 điểm.
Chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch ngày Juneteenth.
Chứng khoán châu Á
Chỉ số Topix của chứng khoán Nhật Bản đã giảm phiên thứ hai liên tiếp, khi các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng gần đây, trong khi các công ty thương mại tăng mạnh nhờ tỷ phú Warren Buffett tăng cổ phần trong lĩnh vực này.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,06% lên 33.388,91 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,29% xuống 2.283,85 điểm.
Mitsubishi Corp tăng 3,72%, sau khi Berkshire Hathaway của Buffett cho biết rằng, họ đã tăng mua cổ phần của năm công ty lớn nhất trong lĩnh vực này. Cổ phiếu Mitsui &Co và Marubeni - cũng nằm trong danh mục đầu tư của Buffett - tăng lần lượt 3,31% và 1,87%.
Các cổ phiếu đáng chú ý phiên này như Tập đoàn SoftBank trong bối cảnh hưng phấn về trí tuệ nhân tạo, đã tăng 2,84% sau khi chủ tịch Masayoshi Son cho biết, ông đang nói chuyện "gần như hàng ngày" với Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman.
Cổ phiếu Tokio Marine Holdings giảm 5,09% sau khi có thông tin Công ty và ba công ty bảo hiểm khác đã được các nhà quản lý yêu cầu báo cáo về sự hình thành của một nhóm độc quyền.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi nước này cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn ít hơn dự kiến và chuyến thăm Bắc Kinh của ông Antony Blinken báo hiệu sẽ có ít cải thiện trong quan hệ Trung-Mỹ.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,47% xuống 3.240,36 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,17% xuống 3.924,24 điểm.
Trung Quốc đã cắt giảm các tiêu chuẩn cho vay quan trọng vào thứ Ba để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế đang chậm lại, nhưng việc nới lỏng không lớn như dự kiến.
Theo đó, cả lãi suất cơ bản cho vay 1 năm và 5 năm (LPR) đều chỉ giảm 0,1%, mặc dù nhiều người đã dự đoán mức cắt giảm lớn hơn đối với lãi suất 5 năm.
Thị trường cũng thất vọng vì thiếu những đột phá lớn trong chuyến thăm Bắc Kinh hiếm hoi của Ngoại trưởng Mỹ Blinken. Trung Quốc và Mỹ chỉ đồng ý cố gắng ổn định sự cạnh tranh để tránh chuyển sang xung đột.
"Trung Quốc và Mỹ đã không đạt được sự đồng thuận về bất kỳ vấn đề lớn nào trong cuộc họp", nhà bình luận chính trị Trung Quốc Lu Kewen viết.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi nhóm cổ phiếu công nghệ giảm mạnh bởi những thất vọng về chuyến công du của Antony Blinken tới Trung Quốc không đạt được nhiều kết quả.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,54% xuống 19.607,08 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,79% xuống 6.654,94 điểm.
Cổ phiếu công nghệ, bị kẹt trong căng thẳng Trung-Mỹ giảm mạnh, với chỉ số phụ giảm mạnh nhất trong sáu tuần, giảm 2,5%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm ngày thứ hai liên tiếp, khi các biện pháp kích thích của Trung Quốc không đạt được kỳ vọng của các nhà đầu tư, mặc dù các nhà sản xuất chip lớn tăng điểm đã hạn chế đà giảm.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 4,59 điểm, tương đương 0,18% xuống 2.604,91 điểm.
"Các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thấp hơn so với dự kiến của thị trường và khiến các nhà đầu tư thất vọng", Lee Kyoung-min, nhà phân tích tại Daishin Securities, cho biết.
Phiên này, các cổ phiếu lớn như hai nhà sản xuất chip Samsung Electronics tăng 0,28% và SK Hynix tăng 1,13%.
Đáng chú ý khác là Hyundai Rotem tăng 4,93% lên mức cao nhất trong 5 năm sau khi ký đơn đặt hàng cung cấp trị giá 707,4 tỷ won (552,5 triệu USD).
Kết thúc phiên 20/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 18,49 điểm (+0,06%), lên 33.388,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,44 điểm (-0,47%), xuống 3.240,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 305,81 điểm (-1,54%), xuống 19.607,08 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 4,59 điểm (-0,18%), xuống 2.604,91 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Đọc nhu cầu tái cơ cấu nợ
Trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng lên hoạt động của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ..>> Chi tiết
- Thuận theo dòng tiền
Thị trường chứng khoán đang sôi động hơn nhờ động lực từ dòng tiền cá nhân trong nước, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đi xuống..>> Chi tiết
- Nhà đầu tư cần chắt lọc trong thời kỳ "nhiễu" thông tin
Với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, thông tin bùng nổ và được lan truyền rất nhanh, đòi hỏi nhà đầu tư phải sáng suốt chắt lọc thông tin để có quyết định đầu tư chính xác..>> Chi tiết
- Những nhóm ngành "chờ bật" sau tích luỹ
Sau nhịp điều chỉnh, cổ phiếu một số nhóm ngành có dấu hiệu đã tích luỹ đủ, chuẩn bị cho giai đoạn tăng giá mới..>> Chi tiết
- Các ngân hàng trung ương lớn đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đánh giá thấp lạm phát vào năm ngoái và họ đang cố gắng không phạm sai lầm tương tự..>> Chi tiết