PBOC cắt giảm 10 điểm cơ bản lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm (LPR) từ 3,65% xuống 3,55%. Đồng thời, lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng giảm từ 4,3% xuống 4,2%.
Động thái cắt giảm lãi suất mới nhất được thực hiện sau quyết định nới lỏng tiền tệ vào tuần trước. Ngày 15/6, PBOC đã giảm cơ sở cho vay trung hạn 1 năm từ 2,75% xuống 2,65%.
Ngân hàng cũng hạ lãi suất mua lại đảo ngược 7 ngày (repo) vào ngày 12/6, lần đầu tiên kể từ tháng 8/2022 từ 2% xuống 1,9%.
Theo Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, quyết định giảm lãi suất chính sách dẫn đến việc cắt giảm LPR trong tháng này. Điều này sẽ giúp giảm lãi suất cho vay thực tế một cách hiệu quả, giảm chi phí tài chính, kích thích nhu cầu tín dụng và củng cố đà tăng của lĩnh vực tiêu dùng và đầu tư.
Thứ Năm tuần trước (15/6), các quan chức đã hạ lãi suất cho vay trung hạn (MLF) 10 điểm cơ bản xuống 2,65%. Đây là lãi suất cho các khoản vay 1 năm của các tổ chức tài chính.
PBOC cũng cho biết sẽ cung cấp 237 tỷ NDT (33 tỷ USD) cho các ngân hàng thông qua cơ sở cho vay trung hạn để duy trì thanh khoản hợp lý, đầy đủ trong hệ thống ngân hàng.
Hầu hết các khoản vay hộ gia đình và doanh nghiệp ở Trung Quốc đều dựa trên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm của PBOC, trong khi các khoản thế chấp được chốt theo lãi suất 5 năm. Do đó, dù quy mô cắt giảm chỉ là 10 điểm cơ bản, điều này vẫn có một số ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.
Việc PBOC cắt giảm 2 loại lãi suất cho vay quan trọng này cũng đã nằm trong dự đoán của thị trường sau khi chứng kiến một loạt dữ liệu kinh tế trong vài tuần qua (từ sản xuất công nghiệp, đầu tư tài sản cố định đến doanh số bán lẻ và thương mại tháng 5) không đạt được kỳ vọng.
Thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ, các nhà lãnh đạo đang cố gắng thúc đẩy đà tăng trưởng sau khi sự phục hồi kinh tế được kỳ vọng sau 3 năm phong tỏa chống dịch đã dần "mất đà".
Những nỗ lực của Trung Quốc trái ngược với động thái của Mỹ và các quốc gia phương Tây, vốn buộc phải thực hiện các đợt tăng lãi suất, trong khi giảm nguồn cung tiền để kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, các nhà phân tích từ công ty tư vấn tài chính Capital Economics lưu ý, chỉ cắt giảm lãi suất không có khả năng kích hoạt một sự nhảy vọt trong hoạt động đi vay và chi tiêu của hộ gia đình cũng như doanh nghiệp. Theo họ, trong ngắn hạn, cách hiệu quả nhất để thúc đẩy nhu cầu là chỉ đạo các cơ quan nhà nước chi tiêu nhiều hơn.
Ngoài ra, giới chuyên gia cũng cảnh báo sự yếu kém của thị trường bất động sản và tác động tiêu cực của nó đối với phần còn lại của nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ kéo dài, khi không thể dễ dàng giải quyết vấn đề này.
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc gây thất vọng
Ngày 15/6, Trung Quốc đã báo cáo một loạt các chỉ số kinh tế khá trái chiều, trong đó đáng chú ý là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục trong tháng thứ hai liên tiếp khi đà tăng trưởng hậu đại dịch của nền kinh tế yếu dần.
Nhu cầu trong nước yếu dù lạm phát gần bằng 0 đang kìm hãm đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 - 24 đã tăng lên 20,8% từ mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị nói chung vẫn ở mức 5,2%.
Trong tháng 5, sản xuất công nghiệp Trung Quốc chỉ tăng 3,5% giảm từ 5,6% của một tháng trước đó, khi các nhà máy dần phục hồi toàn bộ công suất hoạt động.
Doanh số bán lẻ, chỉ số chính của tiêu dùng hộ gia đình, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn mức 18,4% của tháng Tư.
Lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc ghi nhận mức phục hồi mạnh trong tháng 5, với chỉ số đánh giá sản lượng ngành dịch vụ tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm tháng đầu năm 2023, chỉ số này tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Dữ liệu cũng cho thấy thị trường nhà ở của Trung Quốc đã báo cáo mức tăng trưởng thu hẹp vào tháng trước. Theo NBS, chỉ 46 trong số 70 thành phố lớn và vừa trong tháng 5 đã ghi nhận giá nhà mới tăng so với tháng trước, giảm so với con số 62 của tháng 4.
Giá nhà mới tại 4 thành phố hạng nhất, gồm: Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu chỉ nhích 0,1% trong tháng Năm, giảm 0,3 điểm % so với tháng 4. Tại 31 thành phố hạng hai, giá nhà mới tăng 0,2%, giảm so với mức tăng 0,4% một tháng trước đó. Giá nhà ở mới tại 35 thành phố hạng ba đi ngang.
Giới quan sát nhận định nhu cầu trong nước yếu dù lạm phát gần bằng 0 đang kìm hãm đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc hậu đại dịch COVID-19.
"Các số liệu cho đến nay đều gửi tín hiệu nhất quán rằng động lực kinh tế của Trung Quốc đang suy yếu", ông Zhiwei Zhang, Chủ tịch của công ty quản lý đầu tư Pinpoint Asset Management, đánh giá.
Trong khi người phát ngôn của NBS Fu Linghui cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý II sẽ tăng tốc đáng kể so với quý I. Ông Fu cho biết hoạt động kinh tế của Trung Quốc nhìn chung ổn định, đồng thời khẳng định nền kinh tế vẫn có khả năng phục hồi mặc dù đối mặt với một số áp lực và khó khăn. Tuy nhiên, ông thừa nhận áp lực về việc làm và các vấn đề cơ cấu vẫn còn tồn tại.
Trong một thông điệp đưa ra hôm 16/6, Quốc Vụ viện Trung Quốc cam kết đưa ra "các biện pháp mạnh mẽ hơn" một cách kịp thời để "tăng cường động lực phát triển kinh tế, tối ưu hóa cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sự phục hồi bền vững của nền kinh tế".
Báo cáo cập nhật đưa ra mới đây của Goldman Sachs và JPMorgan đều đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc và cảnh báo về những "cơn gió ngược" phía trước.
VTV.vn - Mức giảm tăng trưởng GDP của Trung Quốc mà các ngân hàng điều chỉnh là từ 0,4% đến 0,6 điểm %.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.47461326102603202-gnort-nauq-yav-ohc-taus-ial-2-meht-maig-cut-peit-couq-gnurt/et-hnik/nv.vtv