Phóng viên báo Tuổi Trẻ trao đổi trực tiếp với các đơn vị liên quan về vấn đề trên.
Tài xế taxi "chặt chém" bỏ xe, tắt điện thoại
Ngày 20-6, PV đã trao đổi với ông Huỳnh Công Bảo - giám đốc kinh doanh của Công ty cổ phần tập đoàn vận tải Sài Gòn (trụ sở tại Đồng Nai) - đơn vị liên quan đến bài báo trên Tuổi Trẻ ngày 19-6.
Theo ông Bảo, hai tài xế mà báo Tuổi Trẻ phản ánh dùng "trò" gian lận cước gồm Nguyễn Đức Đạt và Nguyễn Trung Luận - là lái xe của Công ty TNHH vận tải Sài Gòn Taxi (đơn vị này trực thuộc Công ty cổ phần tập đoàn vận tải Sài Gòn) có khoảng 200 chiếc taxi.
Trong đó, Đạt lái xe công ty được gần một tháng, sau đó đã nghỉ việc cũng khoảng một tháng nay. Còn Luận lái xe công ty khoảng hơn hai tháng nay.
Sau khi báo chí phản ánh, Luận đã bỏ xe trên đường và tắt điện thoại. Điều hành của hãng không liên lạc được với Luận nên đã xem định vị để mang xe về.
Đơn vị cũng đã gửi đơn trình báo đến Công an phường 16 (quận Gò Vấp) và đồn công an sân bay Tân Sơn Nhất, mong được hỗ trợ, giúp đỡ công ty điều tra xử lý hai trường hợp lái xe trên theo quy định của pháp luật.
Ông Bảo cho biết hiện đã kiểm tra khoảng 60-70% trong tổng số 200 chiếc taxi để tìm thiết bị gian lận nhưng chưa phát hiện được thiết bị "lạ" nào.
Ông Bảo thừa nhận sự việc tài xế taxi gian lận cước tinh vi là "con sâu làm rầu nồi canh", làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của công ty. Công ty sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ xe thuộc nhiều chi nhánh để chủ động đề phòng, tránh sự việc đáng tiếc vừa qua.
Vị giám đốc kinh doanh cũng mong muốn khách hàng đi taxi có gì bất thường thì phản ảnh, để công ty kịp thời xử lý.
"Cần phải đánh giá, ghi nhận một cách sâu sắc, kiểm tra hơn nữa không để trường hợp này tái diễn" - ông Bảo nói.
Vi phạm thương hiệu Saigontourist
Trong các trường hợp tài xế "chặt chém" mà báo Tuổi Trẻ nêu có tài xế thuộc Công ty cổ phần vận chuyển Saigontourist (gọi tắt Công ty cổ phần vận chuyển). Đơn vị này sử dụng thương hiệu của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV (viết tắt Tổng công ty Du lịch Sài Gòn) dễ gây ra nhầm lẫn.
Hiện Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã khởi kiện Công ty cổ phần vận chuyển vì sử dụng thương hiệu của mình.
Cụ thể theo đơn kiện, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (là công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM) có tên nước ngoài là Saigontourist Group, tên viết tắt là Saigontourist.
Tháng 1-2004, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền với thương hiệu "SAIGONTOURIST", màu sắc xanh dương, trắng. Đến nay giấy chứng nhận vẫn có giá trị.
Còn Công ty cổ phần vận chuyển tiền thân là công ty nhà nước trực thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn. Nhưng từ năm 2005, công ty này trở thành công ty cổ phần cho đến nay.
"Sau cổ phần hóa thì phần vốn nhà nước cũng được Tổng công ty Du lịch thoái hết. Như vậy, Công ty cổ phần vận chuyển là pháp nhân hoàn toàn độc lập và không còn liên quan gì đến Tổng công ty Du lịch nữa…", một đại diện của Tổng công ty Du lịch cho hay.
Tuy nhiên, cho đến nay Công ty cổ phần vận chuyển vẫn sử dụng tên "Saigontourist" và sử dụng tên thương mại "SÀI GÒN TOURIST" trong hoạt động kinh doanh khách sạn, du lịch, nhà hàng, dịch vụ lữ hành, dịch vụ vận chuyển (taxi...).
"Việc Công ty cổ phần vận chuyển sử dụng thương hiệu của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn như vậy là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, gây nhầm lẫn nghiêm trọng cho đối tác, người tiêu dùng rằng công ty này là công ty con thuộc hệ thống Tổng công ty Du lịch.
Khách xuống sân bay, nhất là khách nước ngoài thường chọn taxi có thương hiệu Saigontourist vì nhầm lẫn đây là xe của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn.
Đến khi bị chặt chém cước thì họ email, phản ảnh đến tổng công ty làm xấu đi uy tín, thương hiệu của tổng công ty nói riêng và hình ảnh ngành du lịch TP.HCM và cả nước nói chung…" , đại diện Tổng công ty Du lịch Sài Gòn nói.
Từ năm 2016 đến 2017, Tổng công ty Du lịch đã nhiều lần yêu cầu Công ty cổ phần vận chuyển chấm dứt hành vi vi phạm bản quyền đối với tên thương mại và thương hiệu "Saigontourist".
Phía Công ty cổ phần vận chuyển từng hứa hẹn việc này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện nên bị khởi kiện.
Theo đó, ngoài yêu cầu Công ty cổ phần vận chuyển xin lỗi, cải chính, chấm dứt sử dụng trái phép nhãn hiệu thương hiệu "Saigontourist", Tổng công ty Du lịch Sài Gòn yêu cầu Công ty cổ phần vận chuyển thanh toán toàn bộ chi phí thực tế nhằm bảo vệ thương hiệu "Saigontoursit".
Hiện Tòa án nhân dân TP.HCM đã nhận đơn kiện trên và đang trong quá trình xử lý.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất liên đới trách nhiệm
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), để các hãng taxi được đậu, đặt kiốt trong sân bay hoạt động đưa đón hành khách ra vào sân bay thường phải ký hợp đồng và phải trả một khoản phí cho sân bay.
Sân bay Tân Sơn Nhất là bộ mặt quốc tế, những hành khách đi taxi đều là người tiêu dùng và được pháp luật bảo vệ. Do đó, khi cơ quan chức năng phát hiện các hành vi gian lận này thì sân bay phải có trách nhiệm với các hãng taxi đó, phải đặt ra các chế tài như cắt hợp đồng vĩnh viễn không cho tham gia các hoạt động trong sân bay, loại bỏ tài xế gian lận.
Như vậy mới mong hạn chế được các hành vi gian lận, nâng cao được hình ảnh du lịch. Mức phạt tài xế gian lận như hiện nay (700.000 đồng) là quá nhẹ so với số tiền mà họ đã gian lận. Hành vi phạm pháp này vẫn có thể tiếp tục diễn ra hằng ngày tại sân bay, không đảm bảo tính răn đe, cần nâng mức chế tài, xử phạt nặng hơn lên.
Đồng tình, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi của người tài xế có dấu hiệu của tội lừa dối khách hàng (theo quy định nếu thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng thì phạm tội lừa dối khách hàng).
Tuy nhiên mức phạt tiền 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với tài xế taxi gian lận và doanh nghiệp bị phạt từ 10 -12 triệu đồng là quá nhẹ, không đảm bảo tính răn đe. Ngoài ra, luật sư Hoan cũng cho rằng đơn vị ký hợp đồng cấp quyền khai thác dịch vụ cũng phải liên đới chịu trách nhiệm khi thiếu kiểm tra, giám sát để cho tài xế taxi lừa dối khách hàng.
TUYẾT MAI
Sao chỉ phạt hành chính?
Hàng ngàn ý kiến bạn đọc phản hồi về bài điều tra trên của Tuổi Trẻ:
● Các tài xế gian lận vì sự tham lam mà hạ thấp nhân phẩm, vô hình trung đã đạp đổ chén cơm của nhiều người chạy taxi và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đẹp về du lịch Việt Nam mà tất cả chúng ta đang cố gắng tạo dựng. (Bạn đọc Minh Dương)
● Trời ơi, gian lận, lừa đảo trong thời gian dài như thế mà chỉ bị xử phạt 700.000 đồng trong khi báo chí đã nhiều lần phản ánh bao nhiêu năm nay. Như thế thì làm sao răn đe được kẻ gian? (Bạn đọc Huỳnh)
● Tại sao chỉ kiểm tra những xe và tài xế mà bài báo phản ánh rồi xử phạt nhẹ hều? Trong khi chính những tài xế này đã nhận lắp đặt thiết bị gian lận cước cho nhiều xe khác. Số tiền chênh lệch bất chính mà tài xế thu được rất lớn, xử phạt như vậy sao nghiêm minh? (Bạn đọc Dương Đức Thọ)
● Những đối tượng gian lận này cần bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, phạt nặng công ty quản lý vì lơ là giám sát đạo đức nghề nghiệp của nhân viên... (Bạn đọc Chú Mập)
● Cảng hàng không Tân Sơn Nhất trì trệ trong quản lý vận chuyển taxi. Ngoài chuyện không kiểm soát được giá cả, các hãng còn tranh giành khách rất lộn xộn, vẫn áp dụng thu phí ra vào sân bay theo cách thủ công gây ách tắc giao thông trong chính sân bay. Tại sao báo chí và người dân đã phản ảnh rất nhiều lần và rất nhiều năm rồi nhưng vẫn không cải thiện được tình hình? (Bạn đọc Long Vũ) (CÔNG DŨNG tổng hợp)
Sau phản ánh của Tuổi Trẻ, đại diện Công ty TNHH vận tải Sài Gòn Taxi đã trình báo công an và tiến hành tổng kiểm tra toàn bộ xe của hãng.