Đập ngăn mặn ở khu vực Cầu Đen đang được Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Quảng Nam triển khai với kinh phí khoảng 500 triệu đồng để "giữ" nguồn nước ngọt trên sông Thu Bồn, sông Bà Rén ở địa bàn H.Duy Xuyên, cung cấp nước cho gần 1.000 ha lúa.
UBND H.Duy Xuyên cũng đang đầu tư xây dựng công trình đập tạm ngăn mặn tại cầu Gò Nổi. Đập này có cao trình 1,4 m, bề rộng đỉnh đập 3 m, chống thấm và xói lở mái bằng bạt nhựa dài 156 m. Hơn 600 m kênh được nạo vét để dẫn nước với lưu lượng 2 m3/giây. Dự kiến, cuối tháng 6 này công trình sẽ hoàn thành, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho 550 ha của khu tưới trạm bơm Xuyên Đông, hỗ trợ hơn 400 ha khu tưới các trạm bơm điện trong khu vực, ổn định nguồn nước đập ngăn mặn Duy Thành (đang tưới cho 900 ha lúa hè thu và cấp nước sinh hoạt cho 4.000 hộ dân).
Bà Văn Thị Lý (63 tuổi, ở TT.Nam Phước, H.Duy Xuyên) cho biết những năm trước tình hình xâm nhập mặn đến rất sớm, còn năm nay người dân không lo nữa vì công trình đập tạm ngăn mặn tại cầu Gò Nổi đang thi công, sắp hoàn thành. "Mấy năm trước, nước xâm nhập mặn khiến nhiều diện tích lúa chết cháy. Năm nay, đập ngăn mặn đã được xây dựng, lấy nước từ sông Thu Bồn phục vụ cho việc tưới tiêu. Vụ hè thu này gia đình tôi trồng hơn 5 sào lúa, hy vọng vụ mùa sẽ thắng lợi lớn", bà Lý nói.
Trên sông Vĩnh Điện, chính quyền TX.Điện Bàn cũng chi gần 3 tỉ đồng đắp đập dài hơn 100 m ngăn sông giữ nước ngọt. Thân đập được đắp bằng 10.000 m3 cát, gia cố cọc gỗ, bạt. Đập hoàn thành cũng sẽ giúp cung cấp nước cho gần 2.000 ha lúa hè thu của TX.Điện Bàn và Nhà máy nước Hội An.
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ
Mới đầu mùa khô hạn nhưng trên sông Đầm, một nhánh sông Bàn Thạch qua xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ), đã bị nhiễm mặn kéo dài. Thời điểm cao nhất, nồng độ mặn 9,2‰, trong khi độ mặn cho phép bằng hoặc dưới 0,8‰.
Bà Phạm Thị Vương (70 tuổi, ở xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho hay năm nay mặn xâm nhập rất sớm khiến nhiều diện tích lúa bị chết. Sau khi thành phố cho xây dựng đập tạm ngăn mặn trên sông Đầm, tình hình đã được cải thiện.
"Nhà tôi trồng hơn 3 sào, vì đảm bảo được nguồn nước tưới nên lúa phát triển rất tốt. Nếu không có con đập ngăn mặn này, hàng trăm hộ dân "mất trắng" vụ lúa hè thu năm nay", bà Vương nói.
Một lãnh đạo UBND TP.Tam Kỳ cho biết dự lường được tình huống năm nay mặn xâm nhập sớm hơn, có độ mặn cao hơn mấy năm trước, địa phương đã đầu tư hơn 420 triệu đồng để đắp đập trên sông Đầm để đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 300 ha lúa hè thu, bảo vệ các diện tích cây sen và hệ sinh thái của sông Đầm.
Ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết 41.500 ha lúa gieo sạ vụ hè thu trên toàn tỉnh đang đối diện nguy cơ khô hạn và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp. Các hồ chứa thủy điện trên địa bàn thiếu hụt trầm trọng nguồn nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp khu vực phía bắc của tỉnh như Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An... Nếu nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp thì khả năng khoảng 10.000 ha lúa bị thiếu nước tưới, trong đó có 3.000 ha thuộc khu tưới của các hồ chứa và 7.000 ha thuộc khu tưới của các trạm bơm.
"Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt cũng như tưới tiêu, chúng tôi đã đề nghị đơn vị quản lý, vận hành các trạm bơm lấy nước trên sông có nguồn nước thường xuyên bị nhiễm mặn thì phải quan trắc độ mặn để thực hiện vận hành. Đối với những trạm bơm có độ mặn vượt mức cho phép (>0,8‰) thì tuyệt đối không được vận hành bơm nước vào đồng ruộng. Hiện UBND tỉnh Quảng Nam còn chỉ các đơn vị, địa phương nạo vét kênh mương, xây dựng đập ngăn mặn để bảo đảm nguồn nước tưới", ông Tý nói.