Ở bất kỳ đâu trên thế giới, với tất cả các loại thuốc theo toa, bác sĩ hay dược sĩ luôn có những tờ giấy gấp đính kèm có thể kéo dài bằng một chiếc bàn trong phòng ăn. Mỗi hộp thuốc, lọ thuốc hay thậm chí vỉ thuốc chỉ có 1 viên cũng có tờ giấy như thế.
Tất nhiên, từng dòng chữ trong đó đều có ý nghĩa cho người kê đơn và cả người sử dụng. Nhưng nếu có cách khác để tiết kiệm hơn, thì điều đó thật đáng hoan nghênh.
Theo thông tin trên tạp chí Wall Street Journal, những nỗ lực chuyển sang kỹ thuật số trong ngành dược phẩm - ngành công nghiệp được quản lý chặt chẽ - cuối cùng cũng đạt được tiến bộ. Nó mang đến cho các nhà sản xuất thuốc cơ hội cung cấp thông tin cập nhật cho bác sĩ, dược sĩ và cả người sử dụng thuốc, đồng thời giúp tiết kiệm tiền, cây xanh, khí thải nhà kính.
Một dự luật đang được Quốc hội Mỹ thông qua có thể "đảo ngược" các quy tắc làm ra tờ giấy hướng dẫn về liều lượng, cảnh báo và các chi tiết khác cho chuyên gia y tế được đính kèm trong mỗi hộp thuốc.
Cụ thể, những người ủng hộ phương án thay đổi thì lập luận rằng thông tin kê đơn trong các tờ giấy như vậy nên được chuyển sang dạng kỹ thuật số hoàn toàn. Bởi lẽ các hướng dẫn chỉ dành cho các chuyên gia y tế, và họ thường đã tham khảo thông tin cập nhật trên website và bỏ phí những tờ giấy hướng dẫn đi kèm.
Ngược lại, những người phản đối thì cho biết các tờ hướng dẫn được tham khảo thường xuyên đủ để giúp đảm bảo thuốc được sử dụng an toàn.
Nếu Mỹ theo chân Nhật Bản và các quốc gia khác trong việc chuyển sang thông tin kỹ thuật số, điều đó có nghĩa là khoảng 90 tỷ tờ giấy sẽ được tiết kiệm mỗi năm, theo ước tính của của tổ chức phi lợi nhuận Environmental Paper Network. Con số này tương đương với hơn 3,8 triệu tấn khí thải từ việc sản xuất và xử lý giấy, hoặc khoảng 10,9 triệu cây xanh.
Pam Cheng, giám đốc điều hành và phát triển bền vững của công ty dược phẩm AstraZeneca cho biết: “Giống như một giấc mơ trở thành sự thật khi bước chân vào các cơ sở sản xuất thuốc và nhìn thấy những gói thuốc được đưa ra khỏi dây chuyền sản xuất mà không có những tờ rơi giấy đi kèm. Điều này giống như cảm giác chiến thắng vậy".
AstraZeneca chi 30 triệu USD mỗi năm cho việc làm ra các tờ giấy như vậy trên toàn cầu và đang thúc đẩy số hóa thông tin kê đơn như một phần trong mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030, bà Cheng cho biết.
Công ty này đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả thông tin y tế của họ sẽ được điện tử hóa vào cuối thập kỷ. Nhiều công ty dược phẩm khác cũng muốn chuyển sang kỹ thuật số.
Năm 2014, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đề xuất thay thế thông tin trên các tờ giấy hướng dẫn bằng nguồn kỹ thuật số, cho rằng điều đó sẽ đảm bảo thông tin được cập nhật và mang lại lợi ích về môi trường và chi phí.
Các quốc gia khác đã số hóa thông tin thuốc, trong đó Nhật Bản đang dẫn đầu. Vào năm 2021, quốc gia này yêu cầu các tờ hướng dẫn sử dụng thuốc phải chuyển sang kỹ thuật số trước tháng 8 năm 2023, cả đối với bệnh nhân và chuyên gia y tế. Các gói thuốc theo toa của quốc gia này hiện không có giấy hướng dẫn đi kèm và thay vào đó có một liên kết có thể được quét bằng điện thoại thông minh theo cách tương tự như mã QR.
“Nhật Bản là quốc gia tiên phong và đã cho chúng ta thấy tương lai nơi tờ rơi điện tử có thể trở thành hiện thực trên toàn thế giới, cho tất cả các loại thuốc”, bà Cheng cho biết. Tại một trong những nhà máy của công ty AstraZeneca ở Maihara (Nhật Bản), nhà sản xuất thuốc cho biết họ đã tiết kiệm được 1,4 triệu USD và 30 triệu tờ giấy trong một năm.
Singapore đang trong quá trình chuyển sang thông tin kỹ thuật số hay còn gọi là dán nhãn điện tử cho người tiêu dùng và chuyên gia y tế kể từ năm 2020.
Và kể từ năm 2009, Úc đã yêu cầu hướng dẫn số hóa cho các chuyên gia y tế và bệnh nhân, mặc dù một số loại thuốc như thuốc tiêm vẫn có thể chứa tờ hướng dẫn bản cứng.
Joshua Martin, Giám đốc Environmental Paper Network ở vùng Bắc Mỹ, cho biết: “Các nguyên tắc từ trước khi có Internet dẫn đến hàng tỷ tờ giấy bị bỏ phí và sử dụng một lượng lớn năng lượng, nước, hóa chất và sợi gỗ. Hiện đại hóa các chính sách này là một cơ hội bảo tồn quan trọng".