Trong thời gian diễn ra chương trình, người tiêu dùng Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN có thể mua sắm trên các nền tảng số của doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước với những ưu đãi dành riêng.
Thương mại điện tử là động lực
Sự kiện được triển khai với mục tiêu thúc đẩy thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới khu vực ASEAN trong bối cảnh các quốc gia ngày càng tích cực tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ngày 21-6, hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới trong ASEAN" - hoạt động mở đầu trong khuôn khổ Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN năm 2023 đã diễn ra tại TP.HCM.
Các nhà kinh doanh đều khẳng định thương mại điện tử là động lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), trong việc tiếp cận các thị trường quốc tế.
Ông Jason Bay, đại diện của Shopee cho biết việc xây dựng các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới là công cụ mang tính định hướng lâu dài trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đến siêu nhỏ mở rộng thị trường xuất khẩu với chi phí tối ưu nhất.
Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2020, đã thu hút sự quan tâm lớn từ doanh nghiệp và người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trong khối ASEAN.
Với sự nỗ lực kết nối và tổ chức từ các quốc gia thành viên, ASEAN Online Sale Day góp phần không nhỏ vào sự phát triển thương mại điện tử nói riêng của khu vực.
Nền kinh tế Internet nghìn tỉ USD
Theo báo cáo của Statista, ASEAN được dự báo sẽ đạt tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm lên tới 11,43% trong 5 năm tới, tương đương với các nước đã phát triển trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Canada.
Doanh thu của thương mại điện tử khu vực vào cuối năm 2023 được dự báo đạt 113,90 tỉ USD và hoàn toàn có thể lên mốc 175 tỉ USD vào cuối năm 2027.
Trong đó, ngành hàng điện tử và thực phẩm được người tiêu dùng trong ASEAN ưa chuộng nhất.
Cũng theo thống kê của Statista, mỗi người tiêu dùng trong khu vực được dự đoán sẽ chi tiêu lần lượt 180 USD và 145 USD cho hai ngành hàng trên trong năm nay.
Với đà tăng trưởng này, ASEAN đang trên con đường trở thành nền kinh tế Internet trị giá 1.000 tỉ USD vào năm 2030.
Tuy vậy, ông Nguyễn Anh Dương, trưởng ban kinh tế tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM), cũng lưu ý thương mại điện tử xuyên biên giới còn liên quan đến việc thừa nhận lẫn nhau quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa.
Trong môi trường thương mại điện tử, sự khởi đầu và kết thúc của quy trình mua sắm đều diễn ra trên không gian mạng nên hoạt động này cũng cần được doanh nghiệp có phòng ngừa những rủi ro liên quan đến tranh chấp, đặc biệt giữa quy định khác nhau ở các nước.
"Để tham gia hiệu quả chương trình mua sắm xuyên biên giới, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực, công nghệ để tuân thủ các quy định quốc tế", ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.
Với tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%/năm, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam được dự báo có thể đạt đến 296,3 nghìn tỉ đồng vào năm 2027.