Tối 21-6, ông Tiêu Minh Luân, phó giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau) - cho biết đơn vị cùng lực lượng chức năng đang vận động các hộ dân không vào khu vực bãi bồi để khai thác nghêu giống.
Trong năm ngày qua, mỗi ngày có hàng trăm phương tiện (vỏ lãi có trang bị máy hút) đến khu vực bãi bồi Vườn quốc gia Mũi Cà Mau để khai thác nghêu giống.
"Các phương tiện này dùng máy hút cát để khai thác nghêu giống làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và có nguy cơ làm mất an ninh trật tự ở địa phương. Do các hộ khai thác đa phần là dân nghèo nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Chúng tôi chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền vận động họ dừng khai thác nhưng họ không nghe. Lực lượng mỏng nên chúng tôi cũng đành bó tay", ông Luân chia sẻ.
Hằng năm, từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7, khu vực bãi bồi này (rộng hàng trăm ha) thường xuất hiện nghêu giống.
Những năm trước, người dân thường dùng vợt để vớt cát có lẫn nghêu giống về ươm nuôi rồi bán lại cho các thương lái. Năm nay, nhiều phương tiện trang bị máy hút cát để hút nghêu nên nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản rất cao.
Bên cạnh đó, lợi nhuận từ việc khai thác nghêu giống cao (từ 300.000 đến 500.000/người/ngày) nên nhiều người "bất chấp" để khai thác tận thu.
"Việc khai thác này vừa làm ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản tái sinh vừa ảnh hưởng đến môi trường, dòng chảy của nước và mất an ninh trật tự khu vực. Một số người còn đến tận khu vực nuôi nghêu của Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi để hút nghêu giống.
Tuy họ không hút 300 tấn nghêu thịt của hợp tác xã đang nuôi nhưng việc đưa máy hút cát vào khu vực làm một số nghêu thịt theo quán tính đóng miệng đột ngột, làm kẹt lưỡi và chết", ông Lê Phú Sánh, giám đốc Hợp tác xã nuôi nghêu Đất Mũi, cho biết.
TTO - Hàng trăm ngôi nhà mọc lên trên một vùng biển cạn cách bờ 3km, trải dài từ huyện An Biên đến TP Rạch Giá (Kiên Giang). Đó là “ngôi làng” của những người khai thác nghêu sò trên biển.