Ngày 21-6, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ở các chợ truyền thống tại TP.HCM như chợ Bà Chiểu, chợ Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định, chợ Đa Kao (quận 1)… từ sáng sớm, không khí mua sắm ngày Tết Đoan ngọ đã bắt đầu nhộn nhịp.
Tại chợ Bà Chiểu và khu vực xung quanh chợ như đường Diên Hồng, Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh)… chỉ trong buổi sáng đã xuất hiện thêm 3-4 điểm bán bánh ú lá tre, lá dong với đủ loại nhân như đậu xanh, sầu riêng, mứt bí, giá khoảng 80.000 - 90.000 đồng/chục loại lớn.
Với các loại bánh nhân đậu xanh truyền thống, giá mềm hơn từ 45.000 - 60.000 đồng/chục tùy kích thước, bánh chay không nhân giá rẻ hơn nữa với giá chỉ 30.000 - 40.000 đồng/chục.
Trong khi đó, tại các chợ Tân Định (quận 1), chợ Phú Nhuận (quận Phú Nhuận)… phần lớn các sạp trái cây đều bán thêm bánh ú tro phục vụ do nhu cầu tăng mạnh ngày lễ.
Không chỉ các chợ, lề đường… siêu thị MM Mega Market nằm trên đường Bình Phú (quận 6) cũng có thêm món bánh ú trong thực đơn tại quầy đồ ăn chín với giá lẻ 10.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, chuỗi siêu thị Co.op Food bán thêm bánh ú tro, bánh ú với giá 7.500 đồng/chiếc, được nhiều khách lẻ mua ăn.
Bên cạnh bánh ú tro, các loại quả cũng không thể thiếu trong dịp này. Theo các tiểu thương, năm nay vải, chôm chôm, xoài cát là các loại trái cây bán chạy nhất.
Đặc biệt, Tết Đoan ngọ năm nay rơi vào đúng thời điểm rộ mùa hoa quả nên giá mềm, nguồn cung dồi dào.
Theo đó, giá vải thiều dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg. Chôm chôm Vĩnh Long, chôm chôm giống Thái… dao động từ 15.000 - 50.000 đồng/kg, giảm mạnh so với năm ngoái. Ngoài ra, các loại sản phẩm xôi, chè cúng cũng được nhiều người dân ưa chuộng.
Ông N.V.A. - tiểu thương tại chợ Tân Định (quận 1) - dành một phần sạp lớn bán hoa quả để bán bánh ú. Ông A. đánh giá sức mua ngày lễ có tăng so với ngày thường, nhưng so với mọi năm vẫn "không ăn thua".
"Mọi năm tôi nhập cả ngàn chiếc bánh ú tro, lấy và bán hết luôn trong ngày, khách ghé mua một lúc 40, 50 chiếc nhưng năm nay lấy chỉ mấy trăm chiếc mà lai rai cả ngày chưa hết", ông A. nói.
Tương tự, ông Phạm Thế Hiển - tiểu thương tại chợ Bà Chiểu - cho biết sức mua dù tăng so với ngày thường nhưng so với năm ngoái vẫn chậm. "Hoa quả vào mùa dồi dào giá rẻ nhưng người mua vắng nên giá vẫn thế", ông Hiển nói.
Ý nghĩa của Tết Đoan ngọ
Tết Đoan ngọ còn gọi là Tết Đoan dương. Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa (đoan: mở đầu, ngọ: giữa trưa), còn dương là mặt trời, là khí dương, đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc mà nhiều nước châu Á cũng có Tết Đoan Ngọ.
Theo truyền thống của người Việt, Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng năm âm lịch) là một ngày lễ quan trọng mang ý nghĩa tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng, với mong muốn diệt trừ sâu bọ, xua đuổi bệnh tật, bảo vệ sức khỏe và tài lộc cho gia đình, đón may mắn, tài lộc.
Mâm cúng trong ngày Tết Đoan ngọ thường có trái cây, hoa tươi và một số phẩm vật đặc trưng trong tiết khí Hạ chí như: hoa, vàng mã, vải, mận, chè, xôi, bánh ú tro… Tùy vào văn hóa, phong tục của từng vùng miền, mâm cúng còn có thêm thịt vịt, chè trôi nước...
TTO - Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ những ngày đầu tháng 5 âm lịch, tại Hội An nhà nhà rộn ràng bước vào mùa làm bánh ú tro. Cùng với những món ăn khác, bánh ú tro đã góp phần minh chứng cho câu nói “Hội An trăm vật trăm ngon”.