Ngày 20-6, Thủ tướng Trung Quốc (TQ) Lý Cường đến Berlin (Đức) - điểm đến đầu tiên trong chuyến công du châu Âu sáu ngày. Sau hai ngày ở Đức, ông Lý sẽ sang Pháp.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lý kể từ khi nhậm chức hồi tháng 3. Chuyến công du của ông Lý được cho là chuyến đi “xử lý khác biệt” vì diễn ra trong bối cảnh Đức và cả Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét lại quan hệ chiến lược với TQ.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (phải) tiếp đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) ở thủ đô Berlin ngày 20-6. Ảnh: AFP |
Đức sẽ thay đổi chiến lược sau chuyến thăm của ông Lý?
Theo tờ The Nikkei, việc ông Lý chọn Đức là điểm công du nước ngoài đầu tiên cho thấy tầm quan trọng giữa nền kinh tế lớn nhất châu Á và nền kinh tế lớn nhất châu Âu. TQ hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và là thị trường trọng điểm để các công ty Đức xuất khẩu hàng hóa và mua nguyên vật liệu. Tuy nhiên mức độ căng thẳng giữa hai bên đang gia tăng.
Đức đang cân nhắc một chiến lược mới với TQ và dự kiến sẽ đưa ra lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. Ngày 14-6, Berlin công bố tài liệu về chiến lược an ninh quốc gia dài 76 trang, gọi thẳng TQ là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống”. Berlin vẫn xem Bắc Kinh là đối tác không thể thiếu trong việc giải quyết nhiều thách thức và khủng hoảng toàn cầu, tuy nhiên yếu tố cạnh tranh và đối đầu đang ngày càng tăng trong những năm gần đây.
Tài liệu chiến lược an ninh quốc gia Đức gọi TQ là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống”.
Tháng 7 tới, dự kiến Berlin sẽ công bố thêm một tập tài liệu chiến lược mới riêng về TQ. Dự thảo về chiến lược ngoại giao và dự thảo về chiến lược thương mại bị rò rỉ cuối năm ngoái cho thấy Berlin đang cân nhắc một lập trường cứng rắn chưa từng thấy với Bắc Kinh. Hai dự thảo kêu gọi Đức củng cố quan hệ thương mại với những nước khác, tăng cường kiểm soát hoạt động thương mại với TQ và tăng cường ủng hộ Đài Loan, theo tạp chí The Diplomat. Berlin cũng sẽ tiến hành các đợt kiểm tra sức chống chịu của chuỗi cung ứng nguyên liệu thô của Đức và siết chặt các điều kiện về các vấn đề môi trường, nhân quyền đối với các khoản đầu tư của Đức vào TQ.
Giới quan sát cho rằng bản chính thức của các chiến lược ngoại giao và thương mại của Đức với TQ có thể sẽ có phần mềm mỏng hơn sau chuyến thăm của ông Lý nhưng sẽ khó vẽ ra viễn cảnh quan hệ tốt đẹp hai bên.
Ngày 20-6, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu công bố báo cáo ghi nhận xu hướng gia tăng hiện tượng doanh nghiệp châu Âu dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi TQ. 11% trong 570 doanh nghiệp được khảo sát đã chuyển một số khoản đầu tư ra khỏi TQ, 20% đang xem xét chuyển đầu tư sang nơi khác hoặc hoãn kế hoạch mở rộng ở thị trường TQ chờ xem môi trường kinh doanh TQ phát triển ra sao trong năm 2023. Đông Nam Á sẽ là điểm đến chính - Singapore (43%), Malaysia (17%), Hong Kong (9%), tiếp theo là thị trường châu Âu.
Chuyến đi phá băng cho Trung Quốc và châu Âu?
Với cả khối EU, chuyến đi của ông Lý diễn ra khi EU đang tìm cách giảm phụ thuộc TQ, đặc biệt đối với các mặt hàng khoáng sản và sản phẩm quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi kinh tế xanh của khối này. Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát cũng khiến khối này cảnh giác hơn trong việc để các đối thủ tiếp cận công nghệ có thể ứng dụng cho mục đích quân sự.
Ủy ban châu Âu (EC) mới đây công bố kế hoạch siết chặt bảo vệ thương mại và đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông. Kế hoạch đặt ra yêu cầu tới cuối năm các nước thành viên phải lập ra danh sách các loại công nghệ nhạy cảm cần phải kiểm soát và có thể kiểm tra được nước nào ngoài EU đang sử dụng, song song củng cố các quy định mua bán các công ty và cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu. Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, EU phải “quyết đoán hơn” trong việc sử dụng các công cụ sẵn có để giải quyết những thách thức an ninh kinh tế hiện nay.
Trong khi đó, TQ cũng đang thay đổi chiến lược theo hướng ngày càng quyết đoán hơn với phương Tây, theo tạp chí Internationale Politik.
Chưa rõ chuyến thăm của ông Lý có tác động gì và như thế nào đến kế hoạch của EU hay không. Các lãnh đạo EU dự kiến sẽ thảo luận về kế hoạch này tại hội nghị thượng đỉnh từ ngày 29 đến 30-6 ở Brussels (Bỉ).•
Kinh tế, an ninh là trọng tâm
Tại Berlin ngày 20-6, ông Lý có buổi làm việc với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Đức, theo tờ China Daily. Ông Lý thẳng thắn trao đổi quan điểm về tình hình kinh tế - chính trị quốc tế hiện nay, về sự phát triển kinh tế của TQ, cũng như về khái niệm “giảm thiểu rủi ro” của phương Tây trong quan hệ với TQ.
Theo ông Lý, “giảm thiểu rủi ro và hợp tác không phải hai vấn đề đối lập nhau, việc xử lý vấn đề an ninh không đúng cách có thể càng tăng thêm rủi ro và tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn”.
Cụ thể trong quan hệ Đức - Trung, ông Lý cho rằng việc từ chối hợp tác là rủi ro lớn nhất. Nếu mối quan hệ này giậm chân tại chỗ, không đạt thêm bước tiến thì đó sẽ là vấn đề an ninh lớn nhất. Ông Lý bày tỏ hy vọng các doanh nhân TQ và Đức sẽ phát triển hợp tác thực dụng ở cấp độ cao và chất lượng cao để duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp, đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực mới nổi, mở rộng lợi ích chung.
Trong khi đó, an ninh là một chủ đề chính trong cuộc gặp giữa Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và ông Lý cùng ngày 20-6. Ông Steinmeier đã trao đổi thẳng thắn với ông Lý rằng TQ đang ở vị thế “có thể sử dụng ảnh hưởng chính trị toàn cầu và ảnh hưởng của mình đối với Nga để hướng tới một nền hòa bình công bằng” ở Ukraine, hãng tin Bloomberg dẫn thông cáo Văn phòng tổng thống Đức.
Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ Mỹ - Trung với an ninh và hợp tác toàn cầu, ông Steinmeier lưu ý rằng Bắc Kinh và Washington cần thiết phải khôi phục và tăng cường hơn nữa các kênh liên lạc dân sự và quân sự để ổn định quan hệ.