Ông Phùng Hải Hà cho hay công ty đã có nhiều khó khăn, thăng trầm khi trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho LG.
Dư địa hợp tác còn nhiều
Từ một doanh nghiệp cung cấp những linh kiện đơn lẻ, Phương Đông lọt vào mắt xanh của LG và được hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật, quản lý và sản xuất. Đến nay, công ty này đã có thể sản xuất những cụm linh kiện cho họ, từ đó góp phần tạo nên thành công cho doanh nghiệp.
Theo ông Hà, yêu cầu đặt ra khi tham gia chuỗi cung ứng là luôn phải đổi mới, đầu tư phù hợp về máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm.
"Vẫn còn nhiều triển vọng và cơ hội cho doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn Hàn Quốc, nên chúng tôi mong muốn phía bạn có thể tận dụng và khai thác tối đa những nguồn lực mà doanh nghiệp Việt Nam có, tạo thuận lợi để nhiều doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.
Đi kèm đó chính phủ hai nước cần có những cơ chế thúc đẩy công nghiệp phụ trợ, tăng cường hợp tác kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước", ông Hà kiến nghị.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết trong nhiều năm qua hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong ngành công nghiệp, năng lượng.
Đặc biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Việt Nam cũng như tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực nguyên vật liệu và linh kiện, từ năm 2020, Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK) đã được thành lập.
Trung tâm này thực hiện vai trò hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, ô tô; đào tạo hàng trăm kỹ sư, tư vấn viên, mua sắm máy móc, thiết bị.
Riêng với lĩnh vực điện tử, linh kiện điện thoại, sự đầu tư mở rộng của Samsung đã mang lại hiệu quả trong đào tạo chuyên gia tư vấn, nhân lực khuôn mẫu, tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, vận hành nhà máy thông minh. Đến nay đã có 51 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung và đào tạo 100 chuyên gia tư vấn nhà máy thông minh cho 50 doanh nghiệp...
Cần hiểu rõ chuỗi cung ứng FDI
Nhìn vào những dự án FDI chục tỉ USD tại Việt Nam như tổ hợp sản xuất của Samsung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên; của LG tại Hải Phòng; Foxconn tại Bắc Giang, TS Phạm Hùng Tiến, phó giám đốc Viện FNF Việt Nam, bình luận đây không phải lần đầu tiên các nhà đầu tư này ra nước ngoài làm dự án.
Thường khi các "đại bàng" này ra nước ngoài, họ luôn mang theo các doanh nghiệp vệ tinh vào Việt Nam vì lý do kinh tế.
Ví dụ một "đại bàng" FDI lớn khi đầu tư vào tỉnh Bắc Giang, ngay đến cái pallet gỗ (thùng gỗ, giá gỗ, kệ gỗ) họ cũng sử dụng doanh nghiệp FDI trong chuỗi cung ứng làm, bất kể việc doanh nghiệp Việt cũng làm được mặt hàng này với chất lượng và giá cả cạnh tranh ngang ngửa.
Vì vậy trong chiến lược thu hút đầu tư FDI, các bộ, ngành, địa phương cần có cái nhìn tổng quát hơn, khi có đoàn doanh nghiệp FDI tới thì các cơ quan trong nước cần tìm hiểu rất kỹ. Khi đã nắm rõ được cả chuỗi cung ứng đầu tư FDI thì các bộ, ngành mới có thể đàm phán để doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các "đại bàng" FDI.
Nâng tầm hợp tác trong chuỗi cung ứng
Với nền tảng hợp tác kinh tế hiện nay, Việt Nam và Hàn Quốc đang đặt mục tiêu nâng tầm hợp tác hai nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung vào công nghệ cao.
Đây cũng là nội dung buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi với Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) và Liên minh công nghiệp xe xanh Hàn Quốc vào hôm 21-6.
Theo TS Trần Hải Linh - chủ tịch VKBIA, thời gian qua VKBIA đã tập trung hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hàn Quốc và các nước trên thế giới.
Đây là nỗ lực nhằm đưa nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đạt tiêu chuẩn tham gia các chuỗi cung ứng.
NHẬT ĐĂNG
Đây là nội dung được đề cập trong cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik, chiều 21-6.