"Trước tôi không tính kỹ vậy, nhưng từ Tết đến giờ bị giảm lương nên buộc phải tính để cân đối cuộc sống gia đình. Coi vậy chứ mỗi thứ tiết kiệm chút mà đỡ lắm", chị Nguyễn Thị Yến (ở chung cư Full House, quận Bình Tân, TP.HCM) khoe thêm hóa đơn tiền điện nhà chị giảm được gần 500.000 đồng trong lúc giá điện tăng.
Kiểu tiết kiệm điện ở nhà riêng
Chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm điện, người phụ nữ 36 tuổi này cười nói: "Đừng xem thường những cái nhỏ, tất cả đều có thể tiết kiệm, thậm chí tiết kiệm được nhiều đấy".
Chị ở chung cư, nấu nướng hoàn toàn bằng bếp điện từ. Trước đây, chị vẫn có thói quen tới giờ ăn mới mang đồ ăn trong tủ lạnh ra hâm nóng. Đó là nồi thịt kho, cá kho, tô canh đang lạnh ngắt nên cần phải đặt lên bếp hâm nóng lâu. Từ Tết đến giờ, chị lên kế hoạch tiết kiệm chi tiêu, điện đóm. Chị tự quy định phải lấy đồ ăn ra khỏi tủ lạnh ít nhất một tiếng mới hâm nóng...
"Hiệu quả rõ, tôi thử canh đồng hồ giảm được gần nửa thời gian bật bếp so với hâm đồ ăn vừa lấy khỏi tủ lạnh". Hôm trời mát, chị còn lấy đồ ăn ra khỏi tủ lạnh trước hai tiếng mà không ảnh hưởng an toàn thực phẩm. Chị cũng chấm dứt thói quen dùng lò viba rã đông thịt cá vừa lấy khỏi ngăn tủ đông.
"Rã đông kiểu này rất hao điện. Tôi thay đổi bằng cách lấy thịt cá tươi ra khỏi ngăn tủ lạnh đông để 4, 5 tiếng sau chế biến cho bữa kế tiếp mà không cần phải bật chế độ rã đông của lò viba hao điện", chị nói.
Những món ăn mặn như thịt kho, cá kho có thể để lâu, chị Yến nấu nhiều một lần để không phải cứ tới bữa là nấu mới, vừa mất công, mất thời gian, lại hao điện hơn hẳn khi chỉ cần hâm nóng. Chị cũng học được "bí quyết" nấu nước sôi giảm được nửa tiền điện của người bạn.
"Trước đây, tôi cứ hứng nước vòi vào ấm để nấu từ đầu. Một lần tới nhà bạn chơi, thấy cổ để ấm nước nhôm lên sân thượng tới chiều mới lấy xuống rót vào ấm siêu tốc nấu nước uống, kể cả lấy nước nấu canh nấu cơm. Lúc đó nước đã rất nóng, chỉ chút xíu là sôi ngay, tiết kiệm điện phải hơn nửa thời gian so với nấu nước lạnh từ đầu".
Nhà chung cư, không tiện lên sân thượng, chị Yến đặt ấm nước ra ban công hứng nắng hướng tây buổi chiều. Mùa hè, nắng nóng hầm hập, khi chị đem vào châm vô bình siêu tốc để nấu nước uống hay nấu cơm, nấu canh thì ấm nước kim loại cũng đã nóng đến mức như gần sôi rồi...
"Phụ nữ lo bếp núc, biết tính toán thì đỡ tiền lắm trong thời buổi cái gì cũng nấu bằng điện này", chị Nguyễn Thanh Hồng (ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình), người bạn đã bày "bí quyết" tận dụng ánh nắng làm nóng nước, vui vẻ chia sẻ. Chị nói nhà chưa lắp nước nóng năng lượng mặt trời thì tận dụng những cách "nhỏ nhỏ" này để tiết kiệm tiền điện.
Những người như chị Yến, chị Hồng còn tự nghĩ ra nhiều cách tiết kiệm điện hiệu quả. Nhà ai cũng có rèm cửa sổ, họ kéo hết ra để hứng ánh sáng và gió trời thay vì che kín hoặc chỉ kéo hờ một nửa như trước. Rồi họ kê lại bàn học của con, bàn làm việc của vợ chồng đến gần cửa sổ hơn. Vậy mà cũng đỡ được nhiều tiền điện bóng đèn, quạt máy.
Còn máy lạnh từ Tết đến giờ họ không mở đến khi ra khỏi giường nữa. Cứ 3h sáng là họ tắt máy lạnh để xài quạt vì lúc đó ngoài trời và phòng đều đã mát, giảm được 3-4 giờ máy lạnh là giảm được rất nhiều tiền điện.
Dân trọ càng tiết kiệm hơn
Là dân thiết kế đồ họa, sống một mình ở phòng trọ 15m2 và không có máy lạnh, anh Nguyễn Minh Tú (26 tuổi, ngụ phường 25, quận Bình Thạnh) cho biết công việc không buộc lên công ty mỗi ngày nên anh thường làm tại nhà, bật quạt máy, đồng thời mở cửa sổ lẫn cửa chính.
Tuy nhiên, TP.HCM vô mùa nóng đỉnh điểm vừa rồi. Mấy ngày đầu anh phải đóng hết các cửa, bật quạt gần như cả ngày lẫn đêm, thậm chí để thau nước đá trước quạt máy để mong phả hơi nước làm mát, nhưng vẫn nóng hầm hập. Anh đành mang laptop lên công ty làm việc. Thi thoảng cuối tuần, anh tìm đến một số quán cà phê máy lạnh chủ yếu dành cho người làm việc. Hôm nào việc nhiều, phải ngồi lâu, anh mua thêm suất đồ ăn trưa tại quán để có thể ngồi thêm.
"Phòng trọ tôi có ba bóng đèn, buổi tối ở nhà tôi chỉ bật khi cần làm gì đó mà thiếu ánh sáng, còn lại thì tắt. Tôi cũng gắn bóng đèn led trong toilet thay cho đèn huỳnh quang mà chủ trọ gắn, khoảng 7h-9h tối thì tôi sẽ bật bóng đèn này để ánh sáng hắt ra, khi nào đi ngủ thì tắt", anh Tú cho biết thêm vẫn phải tốn điện tủ lạnh và bếp điện. Chủ trọ quy định tiền điện 3.500 đồng/kWh. Tiền điện của anh Tú trong đợt nắng nóng vừa rồi cao nhất khoảng 170.000 đồng.
Trong khi đó, do nhà trọ có máy lạnh nên đợt nắng nóng cao điểm vừa rồi Nguyễn Công Thuận (sinh viên năm cuối một trường đại học tại quận Bình Thạnh) cùng hai người bạn chung phòng tốn nhiều nhất khoảng 1,3 triệu đồng tiền điện, trong đó hơn một nửa tiền điện là từ các thiết bị làm mát như quạt máy, máy lạnh.
Phòng trọ 30m2, Thuận bảo bình thường cả ba người đi học và đi làm thêm nên máy lạnh thường chỉ bật ban đêm và hẹn giờ tắt. "Bình thường ban ngày tôi mở quạt, hôm nào trưa và tối nóng quá mới mở máy lạnh khoảng 26oC và cài đặt hẹn giờ, 23h thì mở, ba tiếng sau tắt, sáng dậy nhiệt độ trong phòng vẫn mát", Thuận cho biết với những ngày không quá nóng thì mở quạt kèm cửa sổ ban công để gió lùa vào.
"Buổi trưa cuối tuần ở nhà quá nóng thì tôi mở máy lạnh khoảng từ 12h trưa đến 3h chiều, nếu đi ra ngoài nhanh rồi về thì cũng không tắt vì tắt mở liên tục rất hao điện", Thuận nói và cho biết thêm nhờ thợ đến vệ sinh máy lạnh định kỳ. Với 4.000 đồng/kWh theo giá chủ trọ đưa ra, trừ tiền điện bị vọt lên trong tháng nóng cao điểm vừa rồi, trung bình mỗi tháng phòng của Thuận tốn khoảng 500.000 - 700.000 đồng tiền điện.
Là công nhân Khu công nghiệp Tân Tạo, chồng bị thất nghiệp, chị Nguyễn Thị Kim Ánh cũng nghĩ nhiều cách để giảm tiền điện phòng trọ. Con chị trước đây tối mới học bài, nay chuyển sang học bài buổi chiều để khỏi phải mở đèn.
"Tôi cũng nói với chồng là giờ khó khăn quá, mình sống lại như quê ngày xưa, không thức khuya nữa, cứ 9h tối là tắt đèn đi ngủ để khỏi phải sinh hoạt tốn tiền điện mà lại được lợi sức khỏe", chị Ánh kể thêm họ không dám xài máy lạnh nên chọn giải pháp... tắm trước khi đi ngủ để làm mát cơ thể.
Hai vợ chồng và hai đứa con, mỗi tháng chị Ánh chỉ dám gói ghém sử dụng điện dưới mức 250.000 đồng.
Mẹo tiết kiệm các thứ hao điện
Những thứ trong nhà tốn điện nhiều nhất là máy lạnh, tủ lạnh, bếp từ, bàn ủi, tivi... đều có thể tiết kiệm điện, như tăng nhiệt độ máy lạnh lên 1 - 2 độ ở khoảng 26 - 28 độ C, giặt đồ xong nên giũ phơi ngay sẽ đỡ cần ủi nhiều, chỉ mở tivi khi xem thay vì thói quen cứ mở suốt buổi tối, tắt máy lạnh trước khi rời khỏi giường 1 - 2 tiếng, sử dụng nồi áp suất, tận dụng nồi cơm để hấp nóng đồ ăn. Khi nào có thể, vợ chồng và con cái nên ngủ chung một phòng để chỉ xài một máy lạnh thay vì mấy phòng với mấy máy lạnh...
"Khi đó, bạn sẽ thấy mình tiết kiệm được mấy trăm ngàn tiền điện, thậm chí cả triệu đồng đấy", chị Hồng chia sẻ.
Thủ tướng vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.