Đi cùng Tổng thống Yoon Suk Yeol là phái đoàn khoảng 205 doanh nghiệp - con số lớn nhất trong một chuyến công du của ông Yoon kể từ khi nhậm chức.
Sau 31 năm Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, các doanh nghiệp nước này đã có mặt tại tất cả 63 tỉnh/thành của Việt Nam. Đó là một thành tựu đáng kể, nhưng các doanh nghiệp xứ kim chi còn muốn vươn xa hơn thế.
Việt Nam rất đặc biệt với Hàn Quốc
"Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam có 100 triệu dân, quy mô kinh tế chưa bằng hai nước kia, nhưng việc các bạn là đối tác thương mại lớn thứ ba của chúng tôi cho thấy một điều gì đó rất đặc biệt" - ông Hong Sun, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), nhận định với Tuổi Trẻ.
Theo ông Hong Sun, đối với doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam là một thị trường thuận lợi để kinh doanh, sản xuất. "Có nhiều thứ hai nước rất gần gũi như nhân sinh quan, phong tục tập quán, tôn giáo, món ăn", ông nói.
Theo thống kê của KOCHAM, hiện hiệp hội có khoảng 10.000 doanh nghiệp hội viên, là một trong những cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đông đảo nhất tại Việt Nam.
Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc lần này được kỳ vọng sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mới tại Việt Nam. Ví như trong lĩnh vực năng lượng, hiện đã có các dự án năng lượng tái tạo lớn của Hàn Quốc tại các tỉnh Long An, Quảng Trị và doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm tới lĩnh vực này.
Mục tiêu 100 tỉ USD
Lãnh đạo hai nước đã nhất trí đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỉ USD trong năm nay và 150 tỉ USD năm 2030, theo hướng cân bằng hơn.
Khi được hỏi về tính khả thi của mục tiêu 100 tỉ USD trong năm 2023, ông Hong Sun cũng cho rằng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam có thể góp phần tăng kim ngạch thương mại theo hướng cân bằng. Với mục tiêu 100 tỉ USD, cần phải có quyết tâm rất lớn từ chính phủ hai nước trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang khó khăn.
Ông Hong Sun cũng nêu một số vướng mắc mà doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn tại Việt Nam mong muốn được tháo gỡ. Một trong số đó là chính sách thị thực. Ông Hong Sun gợi ý Việt Nam nên nới lỏng hơn nữa chính sách thị thực cho người nước ngoài, linh hoạt trong vấn đề thẻ thường trú.
Đây là chuyện đã được nêu vài năm qua, riêng năm nay vấn đề thời sự nhất là nguồn cung điện. Tình hình thiếu điện như năm nay khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc rất lo lắng.
Khi được hỏi về các "siêu dự án" ở Việt Nam, ông Cho Han Deog, giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, cho biết tổ chức này có thể hỗ trợ Việt Nam thông qua các dự án nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng và đào tạo nhân lực.
"Đặc biệt, nhân chuyến thăm lần này của Tổng thống Yoon, Hàn Quốc dự kiến sẽ công bố khoản vay trị giá 4 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. KOICA cũng sẽ công bố gói viện trợ không hoàn lại 30 triệu USD cho thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ của các bạn".
Để góp phần cho mục tiêu 100 tỉ USD kim ngạch thương mại trong năm 2023, ông Cho Han Deog cho biết cơ quan này đang có một số dự án không chỉ giúp phát triển nông thôn Việt Nam mà nâng cao vị thế nông sản Việt.
Giàu tiềm năng hợp tác
"Việc nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mới đây có thể được xem là cột mốc mới để các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc đang quan tâm có thể tìm hiểu thị trường và cơ hội hợp tác" - TS Trần Hải Linh, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA), nhận định với Tuổi Trẻ.
Theo TS Trần Hải Linh, từ khi việc đi lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc được "bình thường hóa", VKBIA đã tiếp tục xây dựng các chương trình hợp tác giữa hai nước, đặc biệt xúc tiến đầu tư từ Hàn Quốc tới Việt Nam kết hợp chương trình của các quỹ đầu tư quốc tế và các tập đoàn tài chính lớn mạnh của Hàn Quốc. Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc mang tới cơ hội cho nhiều dự án hợp tác quy mô nhỏ cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), vốn chiếm khoảng 98% số doanh nghiệp Việt Nam.
Đây là nội dung được đề cập trong cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik, chiều 21-6.