Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Chúng ta đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội". Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại... đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đây là tiền đề để nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển tốt hơn.
Tính đến giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mặc dù trong thời gian đại dịch và suy thoái kinh tế, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt khoảng 1,7 nghìn tỷ USD, đã bằng gần 72% của cả nhiệm kỳ trước.
Tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 2 năm đầu nhiệm kỳ cũng đã vượt xa mục tiêu đề ra. Cán cân thương mại hàng hóa đến nay cũng đã thặng dư 25 tỷ USD, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế.
"Việt Nam đã và đang tận dụng tốt lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do FTA đã ký kết. Đồng thời chúng ta cũng đã đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để làm sao giảm sự phụ thuộc vào các thị trường và ngành hàng truyền thống", ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê, cho biết.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, có công nghệ cao, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu là một trong nhiều điểm mới trong đường lối phát triển kinh tế đất nước được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
"Đại hội XIII yêu cầu phải đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng theo chiều sâu, tức là dựa vào những thành tựu khoa học công nghệ nhất là cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dựa vào đổi mới sáng tạo, dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả, tăng chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế", PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, cho hay.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng có thể được mô tả bằng 4 từ khóa: đổi mới, quyết liệt, quán triệt và toàn diện.
"Toàn diện ở chỗ là công tác chính sách và điều hành chính sách gắn với 3 trọng tâm là phòng chống, kiểm soát dịch hiệu quả, thứ hai là tạo điều kiện cho phục hồi phát triển kinh tế và thứ ba gắn với xuất nhập khẩu. Đây là chủ trương rất nổi bật trong 2 năm qua, xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, không ngừng chủ động hội nhập quốc tế, không chỉ khai thác lợi ích từ xuất nhập khẩu, mà còn tăng cường tham gia, hiểu biết về các đối tác, hướng tới tháo gỡ những khó khăn chung và đề ra những luật chơi mới cho thương mại quốc tế", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định.
Ở nửa sau của nhiệm kỳ, nền kinh tế của Việt Nam sẽ vẫn phải đối mặt với lạm phát và suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong đó, thương mại, xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để có thể đạt được các mục tiêu về thương mại đã đề ra từ nay tới hết nhiệm kỳ, Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, đi cùng với đó là đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, gắn với cạnh tranh và sáng tạo, kết nối tốt hơn các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài, cuối cùng là khai thác hiệu quả thị trường trong nước.
VTV.vn - Kinh tế Việt Nam tiếp tục được các thể chế tài chính quốc tế đánh giá có nhiều điểm tích cực, dự kiến là một trong các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.7100301222603202-et-hnik-gnourt-gnat-hnih-om-iom-iod/et-hnik/nv.vtv