Chiều 22-6, Quốc hội (QH) đã thảo luận về dự án Luật Căn cước. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) QH cho rằng lý do đề xuất đổi tên CCCD thành căn cước mà tờ trình của Chính phủ đưa ra không thuyết phục.
Giữ lại tên “CCCD”
Về việc này, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) dẫn lịch sử đổi tên của CCCD khá nhiều lần. Cụ thể, năm 1976 là căn cước, năm 1999 đổi thành chứng minh nhân dân, đến năm 2016 đổi thành CCCD và năm 2021 lại đổi thành CCCD gắn chip.
“Nếu dự luật này được QH thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 thì CCCD tiếp tục đổi thành căn cước. Như vậy, trong vòng tám năm chúng ta có ba lần đổi tên CCCD” - ĐB Hạnh nói và cho rằng việc thay đổi liên tục này khiến các địa phương mất nhiều công sức để đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như tuyên truyền, vận động và đổi CCCD.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 22-6. Ảnh: QH |
Đặc biệt, theo bà, việc đổi CCCD nhiều lần trong thời gian ngắn vừa qua mặc dù được cơ quan soạn thảo đánh giá là không tốn kém về chi phí xã hội nhưng tạo dư luận xã hội không tốt về công tác xây dựng pháp luật và quản lý.
ĐB Hạnh cũng nhận xét theo dự thảo, căn cước chỉ cấp cho công dân Việt Nam và giấy chứng nhận căn cước cấp cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Do vậy, việc giữ lại tên CCCD hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến việc đổi tên từ Luật CCCD thành Luật Căn cước.
“Đây là vấn đề có tác động xã hội lớn, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc đổi tên từ CCCD sang căn cước” - ĐB Hạnh nói.
Nên có một loại thẻ dành cho người chưa xác định quốc tịch
Nêu ý kiến tranh luận, ĐB Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) nói hiện vẫn đang bàn sửa đổi dự thảo Luật CCCD, chưa có chữ nào là Luật Căn cước, căn cước cả.
“Nay mai QH thông qua luật thì mới là căn cước” - ông Phàn nói và cho rằng không thể thay đổi tên gọi Luật CCCD thành Luật Căn cước để mở rộng phạm vi điều chỉnh, hướng tới đối tượng là 31.000 người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
“Hiến pháp 2013 quy định công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Chúng ta cấp CCCD để thể hiện đây là công dân Việt Nam” - ĐB Phàn nêu và đề nghị nếu cần thì phải dành một loại thẻ khác cho 31.000 người này.
Cùng ý kiến, ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng đối tượng những người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa có quốc tịch thì không phải là công dân Việt Nam. Do đó, ĐB đề nghị có thể tính toán cấp loại giấy tờ khác để quản lý nhóm đối tượng này chứ không nhất thiết là căn cước.
Ông Hoàng Anh cũng không đồng tình với một số lập luận cho rằng việc đổi tên CCCD thành căn cước để cấp cho những người đang chịu án phạt tù. Bởi theo ông, những người này chỉ mất một số quyền cơ bản của công dân nhưng vẫn là công dân Việt Nam.
“Không lẽ họ đang chịu án phạt tù thì họ là công dân Mỹ, Pháp hay Canada?” - ĐB Hoàng Anh nêu, đồng thời đề nghị không nên đổi tên dự án luật này từ Luật CCCD thành Luật Căn cước.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 22-6. Ảnh: QH |
Thông tin khác là thông tin gì?
Ngoài ra, ĐBQH đề nghị cần làm rõ những thông tin chuyên ngành nào được tích hợp, chia sẻ từ cơ sở dữ liệu dân cư thông qua CCCD, vì để khai thác tràn lan có thể làm ảnh hưởng đến đời tư của công dân.
Cụ thể, ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) bày tỏ băn khoăn với việc thu thập tích hợp cả những “thông tin khác” của công dân được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
“Tôi đề nghị cân nhắc thêm về quy định này, bởi các cơ sở dữ liệu chuyên ngành rất nhiều như về y tế, giáo dục, lao động, thuế, chứng khoán…” - ĐB Thủy nói và lấy ví dụ chỉ riêng Bộ Tài chính đến nay ban hành 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nếu thêm các bộ, ngành khác sẽ có tới hàng trăm cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
ĐB Thủy cũng cho rằng “thông tin khác” của công dân ở đây chưa rõ là những thông tin gì, chung chung. Vì vậy, việc chia sẻ dữ liệu của công dân cần cân nhắc vì nó liên quan đến đời sống riêng tư của công dân.
Liên quan đến chủ thể được khai thác thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ĐB Thủy cũng lưu ý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất rộng, ví dụ số điện thoại nếu không được quản lý phù hợp sẽ gây phiền cho công dân.
Theo đó, bà đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong luật về phạm vi thông tin mà từng chủ thể được khai thác, theo nguyên tắc bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể. Đồng thời, chỉ giao Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục quá trình thu thập, khai thác thông tin.
Lúng túng trong khai quê quán
Một vấn đề khác được ĐB quan tâm là việc khai báo quê quán sao cho hợp lý, thống nhất. ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề ghi quê quán theo quê cha trong khi cha đã xa quê gốc, thậm chí ra nước ngoài sinh sống 3-5 đời hoặc lâu hơn nữa thì ghi thế nào. “Rất nhiều người lúng túng việc này” - ông Trí nói.
Vị ĐB đề nghị Bộ Công an nghiên cứu hướng dẫn công dân khai báo quê quán sao cho hợp lý, đúng, khoa học và thống nhất.
“Lúc tôi còn nhỏ, các mục này đều có nhưng dần dần về sau bị mất đi. Cần phải khai đủ vì bốn mục này có thể giống nhau nhưng cũng có thể khác nhau, cần mở rộng ra như vậy để rõ ràng, dễ khai, dễ quản lý, không nên rút gọn lại” - ông nhấn mạnh và đề xuất cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cần ghi đủ các mục như “nơi sinh, trú quán, quê quán, nguyên quán”.