Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã đón đầu xu hướng
Theo báo Đầu tư, những năm gần đây, xu hướng FIRE (viết tắt của cụm từ Financial Independence Retire Early, nghĩa là độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm) ưu tiên tiết kiệm ít nhất 50 - 70% thu nhập để có thể nghỉ hưu trước độ tuổi ngày càng lan rộng.
Theo khảo sát của Insider và Morning Consult, tại Mỹ, gần 5% thế hệ Millennials (hay gen Y) dự kiến nghỉ hưu ở tuổi 45; khoảng 6% dự kiến nghỉ hưu ở tuổi 55. Tại châu Á, FIRE đang trở thành trào lưu tại Hàn Quốc.
Khảo sát hồi tháng 3/2021 của Công ty NH Investment and Securities (Hàn Quốc) với 2.536 người từ 25 đến 39 tuổi cho thấy, 65,9% mong muốn nghỉ hưu sớm với khoản tiết kiệm mục tiêu là 1,37 tỷ won.
Còn tại Trung Quốc, Báo cáo Hưu trí quốc gia do Đại học Thanh Hoa phát hành năm 2020 cho biết, hơn 70% thế hệ 9X đã bắt đầu xem xét việc lập kế hoạch nghỉ hưu. Đối với thế hệ 8X, tỉ lệ này thậm chí lên đến 80%.
Ở Việt Nam, Báo cáo Thách thức không ngừng của Ngân hàng HSBC cho hay, 68% người khảo sát đã bắt đầu tiết kiệm cho hưu trí, với độ tuổi tiết kiệm trung bình là 26 tuổi.
Xu hướng FIRE lan nhanh khiến nhóm du khách nghỉ hưu cũng tăng mạnh. Chớp cơ hội này, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã có những chính sách hấp dẫn để thu hút dòng khách du lịch hưu trí, bao gồm cả giới trí thức và doanh nhân muốn trải nghiệm môi trường sống an toàn, nền văn hóa phong phú, phong cảnh thiên nhiên đa dạng.
Thái Lan là một trong những quốc gia Đông Nam Á có chính sách visa riêng hướng tới đối tượng khách du lịch nước ngoài đã nghỉ hưu, gọi là “retirement visa”. Chỉ cần từ 50 tuổi trở lên và sở hữu tài khoản ngân hàng mở tại Thái Lan với số dư trên 800.000 bath (gần 550 triệu đồng), khách nước ngoài có thể xin visa Thái Lan trong 1 năm. Thậm chí, tháng 9/2022, Thái Lan còn kéo dài khoảng thời gian này lên 10 năm, với một số điều kiện đi kèm nhất định.
Theo Vietnam+, nhanh nhạy không kém Thái Lan, từ năm 2002, chính phủ Malaysia cũng công bố Chương trình “Malaysia ngôi nhà thứ hai của tôi” (Malaysia my second home - MM2H) với thị thực có thể gia hạn sau 10 năm, dành cho người nước ngoài đến nghỉ hưu và sống tại đất nước này.
Thậm chí, tại “thiên đường của những bãi biển” Philippines, chính phủ còn đồng ý để cơ quan chuyên cấp giấy nhập cảnh cho người về hưu sáp nhập với Bộ Du lịch từ năm 2006, nhằm thu hút người nghỉ hưu đến quốc đảo này du lịch, rồi sau đó thành cư dân thường trú luôn.
Tuy nhiên, không như Thái Lan và Malaysia yêu cầu người về hưu phải rủng rỉnh hay quy định tuổi thì đất nước Philippines cởi mở hơn rất nhiều. Một bữa sáng ngon lành ở đây có giá khoảng 1 USD, thuê người giúp việc cũng chỉ tốn 150 USD/tháng...
Chính vì mức sống thấp cùng chính sách thông thoáng dành cho dân nhập cư nên nhiều người già từ các quốc gia châu Á đã chọn Philippines là điểm dừng chân cho quãng đường xế chiều.
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Các chuyên gia từ Tạp chí du lịch lữ hành Travel+Leisure (Mỹ) miêu tả Việt Nam là nơi rất hợp lý để nghỉ hưu, đặc biệt với những người ưa thích mạo hiểm, yêu những bãi biển đẹp, phong cảnh, ẩm thực, lịch sử và văn hóa bản địa đặc sắc.
Trong khi đó, chi phí sinh hoạt trung bình tại đất nước hình chữ S chỉ bằng một nửa, giá thuê nhà thấp hơn khoảng 75% so với Mỹ. Thậm chí, tại Tp.HCM, chi phí sinh hoạt thấp hơn 62% và nhà ở thấp hơn khoảng 83% so với New York.
Với những lợi thế này, năm 2022, Travel+Leisure bình chọn Việt Nam là một trong 8 quốc gia lý tưởng để người nước ngoài đến nghỉ hưu. Đáng nói, Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất có mặt trong top bình chọn.
Điều này cho thấy cơ hội đối với ngành kinh tế xanh nói riêng và lĩnh vực thương mại, dịch vụ của Việt Nam nói chung là rất lớn, vì nhóm du khách nghỉ hưu sẽ có thời gian ở lâu và chi tiêu nhiều.
Song, thực tế tới nay Việt Nam vẫn chưa có chính sách nào để thu hút khách hưu trí, khi mới miễn thị thực cho 24 thị trường du lịch với thời gian lưu trú khiêm tốn chỉ 15-30 ngày. “Cánh cửa” hẹp khiến nhóm khách nước ngoài muốn đến Việt Nam chỉ có thể chọn hình thức du lịch ngắn ngày.
Nhận định về tiềm năng của nhóm khách hưu trí nước ngoài với du lịch Việt Nam, ông Steven Wolstenholme, Chủ tịch kiêm CEO Hoiana Resort & Golf, cho biết có thể chia họ thành 2 nhóm: Nhóm 1, những người đã nghỉ hưu và muốn sang Việt Nam trong khoảng thời gian dài, có thể từ 1-2 tháng; nhóm 2, những người đã nghỉ hưu sau đó muốn chuyển hẳn sang Việt Nam sinh sống.
“Cả 2 nhóm này đều rất quan trọng vì họ không có nhu cầu kiếm tiền, không lấy mất công việc của người khác trong khi lại tạo thêm nguồn thu nhập và công việc cho người Việt Nam”, ông Steven Wolstenholme trao đổi với báo Đầu tư bên lề hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư, vì một Việt Nam thịnh vượng”.
Ông cho rằng khách hưu trí nước ngoài là nhóm tiềm năng mà Việt Nam nên tập trung hướng tới. Đại diện Hoiana Resort & Golf đánh giá Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để thu hút nhóm khách đặc biệt này, như mức độ an toàn cao, nhiều cảnh quan thiên nhiên, đường bờ biển dài,…Thậm chí ngay cả trong lĩnh vực y tế, theo ông Steven Wolstenholme, Việt Nam có nền tảng y tế tốt để vươn lên trong mảng phục vụ khách du lịch đã nghỉ hưu.
“Đây là nhóm khách sở hữu tiềm năng lớn, có thể thúc đẩy mức chi tiêu trung bình của người nước ngoài khi đến Việt Nam. Để hướng tới nhóm khách này, Việt Nam cần để ý phát triển cơ sở hạ tầng trong nhiều mảng, chú ý đến vấn đề xây dựng không gian sống lành mạnh, các yếu tố về ẩm thực,…”
“Nhiều khi nói đến khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam, chúng ta nghĩ đến nhóm khách Tây "ba lô", nhưng thực tế những người như vậy có thu nhập thấp và không chi tiêu nhiều trong thời gian ở Việt Nam", CEO Hoiana Resort & Golf nói thêm.
Cũng theo vị đại diện này, chỉ còn một vài tháng nữa là kết thúc năm 2023. Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có nhìn nhận khá thực tế về tình hình du lịch nước nhà, nhưng vẫn cần những chính sách quyết liệt hơn nữa để cải thiện các quy định về visa theo hướng thuận lợi hơn cho khách nước ngoài; làm sao để mọi quy trình không bị cồng kềnh, ví dụ như khi khách du lịch muốn thực hiện xin visa online.
“Tôi không thích ý kiến rằng du lịch Việt Nam đang đi sau nhiều quốc gia trong khu vực. Những gì Việt Nam cần làm là nhìn nhận xem Việt Nam đang sở hữu những cơ hội gì, và làm sao để khách nước ngoài có thể tiếp cận Việt Nam dễ dàng hơn. Việt Nam có thể nới lỏng chính sách visa tới một số quốc gia khác như Mỹ hay Úc. Tất nhiên, mọi chuyện đều cần thời gian triển khai nhưng tôi tin ngành du lịch Việt Nam đang sở hữu tiềm năng rất lớn”, ông Steven Wolstenholme khẳng định.
Trao đổi với Vietnam+, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), phân khúc du khách nghỉ hưu sẽ tạo ra nhiều công việc và lợi nhuận nên Việt Nam cần sớm có chính sách thu hút, không nên chậm trễ hơn nữa.
Muốn hấp dẫn nhóm khách hưu trí nước ngoài, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phát triển hạ tầng, quan tâm đầu tư xây dựng không gian sống xanh lành mạnh, khai thác sức hấp dẫn khác biệt từ bản sắc văn hóa và ẩm thực bản địa… Đặc biệt, quan trọng hơn hết là xem xét mở rộng chính sách về visa nghỉ hưu để thu hút đối tượng này đến Việt Nam.
Không chỉ “lọt lưới” dòng khách ngoại theo đuổi xu hướng FIRE, ngành du lịch Việt cũng mới dành rất ít sự quan tâm cho khách hưu nội địa. Thậm chí, mới số ít đơn vị lữ hành lớn có thiết kế tour riêng dành cho khách hàng cao tuổi.
Theo kết quả nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng Cục Du lịch), nhóm du khách nghỉ hưu đi du lịch ngày càng nhiều; phần lớn có xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững và coi trọng hành vi mua sắm thân thiện với môi trường... Nhóm khách này được xếp vào dòng đối tượng đặc thù, vì thế đòi hỏi cao tính chuyên nghiệp trong xây dựng, tổ chức tour.
Để thu hút đối tượng du khách hưu nói trên, các chuyên gia gợi ý ngành du lịch và y tế nước nhà nên hợp tác để thiết kế các chương trình gắn kết giữa hoạt động du lịch với liệu trình phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi nhằm nâng cao giá trị trải nghiệm cho dòng khách đặc thù này.
Với những tiềm năng được ghi nhận, “du lịch hưu trí” Việt Nam đang có cơ hội phát triển, vì thế cần sớm được xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để bứt phá ũng như sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và địa phương.
Minh Hoa (t/h)