Cuộc gọi bất ngờ
Vào một đêm tháng 10/2008, khi khủng hoảng tài chính lên đến đỉnh điểm, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã gọi điện cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi đó là Henry “Hank” Paulson. Mục đích của ông khi thực hiện cuộc gọi quan trọng này là chia sẻ ý tưởng có thể giúp hồi sinh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Những thông tin bên lề cuộc gọi này được Paulson tiết lộ trong bộ phim tài liệu “Panic: The Untold Story of the 2008 Financial Crisis” (tạm dịch: Hoảng loạn: Những câu chuyện chưa kể về khủng hoảng tài chính 2008).
Khoảng thời gian đó, Paulson phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật ổn định kinh tế khẩn cấp với nhiều biện pháp giải cứu nền kinh tế, đồng thời thành lập Quỹ giải cứu tài sản xấu (TARP) có quy mô 700 tỷ USD để mua lại tài sản của các ngân hàng sụp đổ. Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn chưa thể trấn an nhà đầu tư. Thị trường vẫn hoảng loạn.
“Mặc dù Quốc hội đã hành động, tình hình vẫn tiếp tục xấu đi. Nước Mỹ liên tục chứng kiến 2 vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất trong lịch sử - của Wachovia và Washington Mutual. Cần phải có thứ gì đó mang lại hiệu quả nhanh hơn và mạnh hơn”, Paulson nói.
Trước khi nhận cuộc gọi từ Buffett, ông đã dành cả buổi tối để thảo luận với đội ngũ của mình về những ý tưởng để khôi phục niềm tin trên phố Wall. Sự căng thẳng khiến Paulson gần như kiệt sức.
Khi vừa nhấc máy lên, ông hoàn toàn không nhận ra giọng nói ở đầu dây bên kia. “Mẹ tôi có 1 người giúp việc vặt tên là Warren. Thậm chí tôi đã hỏi tại sao ông ấy lại gọi điện cho mình vào nửa đêm như vậy”, Paulson hài hước nhớ lại.
Cuối cùng, cuộc gọi bất ngờ đó đã đem đến giải pháp tuyệt vời cho kinh tế Mỹ. Theo Buffett, bơm vốn trực tiếp cho các ngân hàng sẽ là cách làm hiệu quả hơn nhiều so với cách mua tài sản xấu mà Mỹ đang thực hiện.
Theo gợi ý của nhà tiên tri xứ Omaha, ngày 13/10, 1 cuộc họp được tổ chức với sự tham gia của CEO các ngân hàng hàng đầu nước Mỹ như John Mack của Morgan Stanley, Jamie Dimon của JPMorgan Chase, Lloyd Blankfein của Goldman Sachs, John Thain của Merrill Lynch và Vikram Pandit của Citigroup. Họ cùng nhau thảo luận về đề xuất của Bộ Tài chính.
Biểu tình phản đối
Mặc dù không phải tất cả các ngân hàng đều yêu cầu sự trợ giúp ngay lập tức, một số CEO lo ngại việc được bơm tiền mặt sẽ khiến nhà đầu tư nghĩ rằng đó là dấu hiệu của khó khăn tài chính và dẫn đến làn sóng rút vốn ồ ạt. Tuy nhiên, Paulson nhấn mạnh bản chất quan trọng của gói cứu trợ này vẫn là khôi phục niềm tin vào nền kinh tế Mỹ.
Cuối cùng, Bộ Tài chính Mỹ đã bơm 250 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng, sử dụng nguồn tiền từ TARP.
Nhưng gói cứu trợ này đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Nhiều người biểu tình xuống đường để phản đối việc lấy tiền của người nộp thuế để giải cứu những nhà đầu tư giàu có trên phố Wall – nhóm mà trong mắt nhiều người chính là thủ phạm gây ra khủng hoảng tài chính vì lòng tham và phán đoán sai lầm.
Chia sẻ về vấn đề này, cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke nói: “Vẫn có rất nhiều người tin rằng chúng tôi nỗ lực giải cứu các ngân hàng, công ty trên phố Wall với mục đích là cứu lấy những người bạn trong ngành tài chính chứ không phải để bảo vệ kinh tế Mỹ”.
Paulson, Bernanke và Chủ tịch Fed New York Timothy Geithner đều nhấn mạnh mục tiêu của họ là hỗ trợ “Phố Chính” (Main Street, cụm từ chỉ những người dân bình thường) bằng cách cứu lấy phố Wall. Tuy thừa nhận những thiếu sót của chương trình cứu trợ, ví dụ như không thể ngăn Lehman Brothers sụp đổ, họ vẫn khẳng định bơm tiền giải cứu các ngân hàng là 1 lựa chọn sáng suốt.
Paulson cho rằng đó là “chương trình giải cứu thành công nhất nhưng cũng bị ghét nhất trong lịch sử nhân loại”. Từ năm 2009 đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ cũng như chỉ số S&P 500 đã hồi phục vững chắc.
Cựu Tổng thống Bush tin rằng “đây có lẽ là chương trình cứu trợ tài chính tuyệt vời nhất từ trước đến nay”. Sự can thiệp kịp thời đã giúp Mỹ tránh được 1 cuộc suy thoái sâu.
Thế giới khó tránh khỏi 1 cuộc khủng hoảng tài chính khác
1 thập kỷ sau, vào năm 2018, Buffett nhận định thế giới khó tránh khỏi 1 cuộc khủng hoảng tài chính khác được nhóm lên sự ghen tị và tham lam vốn là những tính cách cơ bản nhất của con người.
Đến tháng 3 vừa qua, một loạt các ngân hàng kích cỡ từ nhỏ đến trung bình ở Mỹ đã sụp đổ.
Làn sóng phá sản khiến hệ thống ngân hàng toàn cầu cũng gặp ít nhiều sóng gió khi các cổ phiếu ngân hàng đua nhau giảm giá. Tuy nhiên cuối cùng thì ngọn lửa đã được dập tắt và không lan ra toàn cầu. Buffett đã ca ngợi hành động quyết đoán của chính phủ Mỹ.
Ông cho rằng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các ngân hàng phá sản khi mà hệ thống ngân hàng Mỹ hiện đang ngày càng trở nên phức tạp. Ông đang dần thoái vốn khỏi các ngân hàng, bắt đầu từ khi đại dịch nổ ra và tiếp tục bán ra cổ phiếu ngân hàng trong 6 tháng gần đây. Lý do là vì nhiều ngân hàng quản trị không tốt và còn được hưởng những ưu đãi không đáng có.
Tham khảo Yahoo Finance