Lực lượng Tuần duyên Mỹ vừa thông báo chính thức là đã tìm thấy những mảnh vỡ của chiếc tàu lặn Titan, chính xác hơn là máy lặn, mất tích hôm chủ nhật 18-6-2023. Một robot lặn điều khiển từ xa (ROV) của Hải quân Mỹ tìm thấy những mảnh vỡ này ở độ sâu 3,8km, nằm rải rác trên đáy biển cách xác tàu Titanic khoảng 500m.
Video mô phỏng vụ nổ tàu lặn Titan ngắm xác Titanic
Chuyện gì xảy ra với tàu lặn Titan?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân là vỏ chiếc máy lặn làm bằng sợi carbon đã không chịu nổi áp suất nước cực lớn lên đến 400 kg/cm2 ở độ sâu này, nên bị ép nổ co sập (imploding).
Năm người đi trên chiếc máy lặn đã tử vong lập tức mà không hề kịp nhận ra mối hiểm họa đang đến, vì vụ nổ diễn ra cực nhanh chứ không phải bị ép bẹp dùm từ từ như trong phim ảnh. Có lẽ sẽ không tìm được thi thể các nạn nhân vì sức nước sẽ ép thân xác vỡ vụn.
Hải quân Mỹ đến giờ mới chịu công bố là hệ thống thu âm dưới nước tối mật của họ đã thu được âm thanh một tiếng nổ co sập rất lớn ngay sau thời điểm tàu mẹ mất liên lạc với máy lặn (9h45 ngày chủ nhật). Vị trí vụ nổ là gần chỗ xác tàu Titanic, địa điểm mà chiếc máy lặn Titan dự kiến sẽ lặn đến.
Theo CNN, hệ thống thu âm dưới nước cực kỳ tinh vi này đã được Hải quân Mỹ triển khai từ những năm 1950 ở vùng đáy biển dọc theo bờ lục địa Bắc Mỹ. Mục đích là để theo dõi xem có tàu ngầm Liên Xô nào hoạt động gần lãnh hải Mỹ hay không.
Dù vậy, Hải quân Mỹ vẫn cho tiến hành cuộc tìm kiếm, có lẽ vì lý do nhân đạo, cũng như họ chưa chắc chắn rằng tiếng nổ đó xuất phát từ vụ nổ máy lặn Titan. Cuộc tìm kiếm này có quy mô lớn nhất từ nhiều năm nay của chính phủ Mỹ và Canada, có cả sự tham gia của Anh và Pháp và một số tổ chức khảo sát biển tư nhân.
Hôm 18-6, doanh nghiệp du lịch lặn biển OceanGate Expeditions (Mỹ) đã dùng máy lặn Titan đưa 4 khách du lịch xuống tham quan xác chiếc Titanic với giá 250.000 USD/người.
Trong số này có 3 người thuộc giới siêu giàu, gồm tỉ phú người Pakistan Shahzada Dawood, 48 tuổi và con trai Sulaiman Dawood, 19 tuổi; tỉ phú người Anh Hamish Harding, 58 tuổi; người thứ tư là chuyên gia lặn biển và là giám đốc một hãng nghiên cứu biển người Pháp Paul-Henri Nargeolet, 77 tuổi.
Người điều khiển máy lặn là tỉ phú người Mỹ Stockton Rush, 61 tuổi. Rush chính là người sáng lập và là CEO của OceanGate Expeditions, đơn vị tổ chức tour du lịch thảm họa này.
Máy lặn Titan của hãng OceanGate Expeditions (Mỹ) thiết kế, có kích thước: dài 6,7m, ngang 2,8m và cao 2,5m, nặng 10 tấn. Nó có lớp vỏ dày 10cm làm bằng sợi carbon, khung bằng thép titanium, được lái bằng bộ điều khiển của máy chơi game Playstation, không có hệ thống lái hoàn chỉnh như các máy lặn cao cấp.
Mặc dù việc đóng chiếc Titan có áp dụng một số công nghệ mới, nhưng các công nghệ này chưa được kiểm chứng về độ an toàn và tin cậy. Titan cũng không được các cơ quan an toàn hàng hải quốc tế cũng như của Mỹ kiểm tra và cấp chứng nhận an toàn.
Một vài người đã từng tham quan hoặc lặn trên Titan nhận xét rằng: "Tàu làm có vẻ khá chắp vá, tận dụng cả những ống thép cũ dùng trong xây dựng, đèn chiếu sáng bên trong là đèn cắm trại, khoang hành khách rất chật chội, không có ghế ngồi nên hành khách và người lái phải ngồi xếp bằng, thay phiên nhau duỗi chân cho đỡ mỏi".
Thảm họa được cảnh báo trước?
Trước đây đã có những cảnh báo về sự thiếu an toàn của máy lặn Titan. Năm 2018, David Lochridge, giám đốc phụ trách hoạt động biển của OceanGate, đã cảnh báo là Titan không đạt các chuẩn an toàn cần thiết cho một máy lặn hoạt động ở độ sâu 4km.
Titan không có các bộ cảm biến kiểm tra thời gian thực kết cấu vỏ tàu, mà chỉ gắn cảm ứng âm thanh (phát hiện tiếng nứt vỡ) của vỏ tàu. Điều này rất nguy hiểm vì khi nghe tiếng nứt là vỏ tàu sắp vỡ; cửa kính chỉ chịu được áp suất nước ở độ sâu 1,4km chứ không chịu nổi áp suất ở độ sâu 4km; không có các hệ thống an toàn dự phòng.
Chính vì báo cáo này mà Lochridge đã bị CEO Stockton Rush đuổi việc, đồng thời kiện ra tòa vì cho rằng Lochridge tiết lộ bí mật công nghệ và làm mất uy tín hãng.
Ngoài ra còn có hai chuyên viên tham gia dự án thiết kế máy lặn của OceanGate cũng đã bỏ việc. Họ nhận thấy CEO Rush đã bỏ ngoài tai những đề nghị của họ về bảo đảm an toàn cho máy lặn, một trong số đó là vỏ phải có độ dày 15cm thay vì chỉ có 10cm.
Rush từng tuyên bố là chấp nhận phá luật để triển khai những công nghệ mới.
Trước đây, hãng OceanGate cũng đã tổ chức tổng cộng 6 tour lặn nhưng chỉ có 2 lần lặn thành công đến chỗ xác tàu Titanic. Các lần còn lại phải bỏ dở vì máy lặn bị trục trặc kỹ thuật trong quá trình lặn xuống.
Một cặp vợ chồng triệu phú người Canada đã phát đơn kiện OceanGate vì tour lặn không thành công nhưng hãng vẫn khăng khăng không chịu hoàn tiền tour. Về phương diện pháp lý, các du khách khi tham gia tour phải ký bản cam kết chấp nhận mọi rủi ro trong chuyến lặn, nên có lẽ gia đình các nạn nhân sẽ không được OceanGate bồi thường. Dù vậy, hãng này vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều rắc rối về pháp lý trong thời gian tới.
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn của hãng Reuters, đạo diễn nổi tiếng người Mỹ James Cameron cho biết là có một nguồn tin riêng báo cho ông về vụ thu được tiếng nổ khi Titan mất liên lạc. Vì vậy, ông biết rằng không còn hy vọng gì về khả năng sống sót của 5 người trên máy lặn.
Cũng theo Cameron, "lặn xuống độ sâu hàng mấy km trong một máy lặn như Titan là rất liều lĩnh. Nó giống như trường hợp ông thuyền trưởng tàu Titanic, dù đã được cảnh báo là vùng biển có nhiều núi băng trôi, vẫn cho tàu chạy hết tốc lực về trước trong một đêm tối mịt không trăng".
Hậu quả là khi phát hiện có núi băng trôi trước mặt thì đã quá trễ, không còn thời gian bẻ lái tránh, tàu chìm lúc 2h sáng ngày 15-4-1912 kéo theo 1.500 nhân mạng, chỉ còn 700 người sống sót.
Cameron cũng cho rằng không nên tổ chức những tour lặn thương mại ở độ sâu lớn, không nên khuyến khích giới nhà giàu tham gia những tour đầy rủi ro như thế, vì "máy móc dù hiện đại đến đâu, có độ tin cậy cao đến đâu, vẫn có lúc bị trục trặc, hư hỏng".
Ông đạo diễn này đã từng thuê một đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới thiết kế một máy lặn rất tối tân để lặn xuống khảo sát xác tàu Titanic (khoảng 30 chuyến lặn), trước khi làm bộ phim bom tấn về vụ chìm tàu Titanic.
Nhà đạo diễn này cũng là 1 trong 3 người duy nhất trên thế giới đã từng lặn đến nơi sâu nhất Thái Bình Dương là hố thẳm Challenger Deep ở độ sâu 11km.
Máy lặn (submersible) khác với tàu ngầm (submarine). Các tàu ngầm quân sự thế hệ mới nhất cũng chỉ có thể hoạt động ở độ sâu từ 300 - 500m trở lại. Muốn lặn xuống các độ sâu hơn thì chỉ có máy lặn chuyên dụng. Nhưng máy lặn có nhiều hạn chế bởi kích thước nhỏ, vận tốc di chuyển chậm, không có trọng tải lớn, sự linh hoạt, cơ động và tốc độ nhanh (khoảng 50km/h) như tàu ngầm quân sự.
Sau khi phát hiện các mảnh vỡ từ tàu lặn Titan dưới đáy đại dương, trọng tâm cứu hộ giờ chuyển sang tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn.