Hàng loạt dự án chống ngập đã được triển khai nhưng chưa mang lại hiệu quả xứng tầm với số vốn đầu tư đã chi ra.
Phố vẫn ngập bên dòng kênh cạn
Ngay ở trung tâm quận 1, các đường Trần Hưng Đạo, Ký Con, Bùi Viện, Cô Bắc, Cô Giang, Hồ Hảo Hớn… có nguy cơ ngập sau mưa. Người người lội nước bì bõm, xe tắt máy phải dắt bộ.
Một lần lội nước tới đầu gối từ cơ quan trên đường Cô Bắc (quận 1) ra đường Võ Văn Kiệt (chỉ khoảng 200m) chờ đón xe buýt, tôi đã thấy mực nước dưới kênh Bến Nghé - Tàu Hũ quá cạn so với xung quanh. Nước ngập nhiều tuyến đường gần đó nhưng không thoát ra được con kênh lớn này.
Nước đổ dồn về những đoạn đường thấp, chờ thoát qua cống, không thể ra kênh theo dòng chảy tự nhiên.
Nội thành ngập, ngoại thành cũng ngập. Các đường Hiệp Bình, Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) và Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) vẫn thường xuyên ngập. Các khu đô thị mới sát sông Sài Gòn vẫn không thể thoát khỏi cảnh ngập nước sau mưa như Thảo Điền, khu vực đường Nguyễn Văn Hưởng và Quốc Hương (Thủ Đức).
Nhiều điểm ngập vùng ven đô thị hóa. Tôi ở TP Thủ Đức, chỉ một cơn mưa có lưu lượng trung bình thì nước ngập hơn nửa bánh xe ở các trục đường Tăng Nhơn Phú, Đỗ Xuân Hợp, Dương Đình Hội, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, xa lộ Hà Nội…
Cùng với đó là những khu vực trong hẻm nước tràn vào nhà, vài ngày sau cũng chưa rút hết như ở phường Hiệp Phú, Phước Long A, Phước Long B, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B.
Các khu vực bị ngập nước đều ở gần các vùng trũng trước kia nay đã mọc lên những dự án bất động sản. Những con rạch từng có nay đã bị lấn chiếm và lấp mất.
Dự án, công trình xây dựng mới cản trở hướng thoát nước ra rạch, sông.
Giữ lối thoát nước tự nhiên khi còn có thể
Phát triển các khu đô thị, những vùng trũng, mảng xanh vốn là không gian dẫn dòng nay đã không còn là một trong những nguyên nhân gây ngập.
Không có dự án bất động sản nào tự san lấp kênh rạch để phân lô, bán nền nếu thiếu phê duyệt và cấp phép từ các cơ quan chức năng, quận, huyện quản lý địa bàn. Ngập nước cũng có phần do tầm nhìn quản lý đô thị. Nếu quyết giữ lối thoát nước ngay từ đầu đã giảm thiểu chuyện lấn dòng chảy thoát nước.
Nước rút ngày càng chậm sau mỗi cơn mưa. Giải pháp chống ngập nâng đường khắp nơi, nhưng nhiều tuyến đường sau khi nâng đã thành con đê chắn ngang khiến nước mưa không có lối thoát, khu dân cư ngập nặng khi có mưa lớn.
Nơi nơi nâng đường, nâng hẻm, nhà dân cũng phải nâng lên cao hơn, tốn kém biết bao nhiêu. Và tai hại nhất khi chính việc này khiến hệ thống cống trong khu vực không đồng bộ về kích thước, cao độ.
Thêm một thực trạng khác: việc lấp rạch thay thế bằng cống cũng là một trong các nguyên nhân chính gây ngập nước nặng hơn.
Như tại quận Bình Thạnh, rạch Phan Văn Hân dài gần 500m, rạch Tân Cảng dài hơn 200m và rộng 20m, không chỉ thoát nước cho cả khu vực mỗi khi có mưa mà còn làm mát trong các ngày nắng nóng nay đã bị lấp. Tuyến cống thay thế chỉ rộng bằng 1/10 so với con rạch cũ.
Cống khó có thể thay thế rạch thu nước dọc hai bên, không thuận lợi cho việc dẫn dòng nước thoát ra sông. Khi lấp rạch thay cống làm thay đổi diện mạo địa hình. Nước chỉ chờ thoát qua từng hố ga chứ không còn dòng chảy tự nhiên.
Lợi trước mắt, hại dài lâu
Giải pháp làm cống thay rạch, loại hình mương hở là cách dễ thực hiện nhất. Cái lợi trước mắt chỉ là sự dễ dàng, dễ làm nhưng hậu quả sẽ rất nặng nề, không đảm bảo thoát nước cho cả khu vực, gây nóng bức trong đô thị.
Đúng ra thiết kế thoát nước trong đô thị là ưu tiên cho giải pháp tự chảy, hướng thoát ngắn nhất, không tắc nghẽn hoặc gây ngập cục bộ. TP.HCM có điều kiện tự nhiên thuận lợi nên được tận dụng để thoát nước mưa ra sông, kênh, mương, rạch, đất trống vùng trũng.
Nay lợi thế này đang mất dần với cách chống ngập cục bộ, cống thoát nước không phù hợp quy hoạch mặt bằng kiến trúc đô thị, không kết nối mạng lưới thoát nước chung.
Thoát nước, về nguyên tắc, phù hợp với quy hoạch trong khu vực và toàn bộ mạng lưới thoát nước có liên quan, không làm phát sinh thêm điểm ngập...
Cần ngăn ngừa nạn xả rác bừa bãi, xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm hệ thống thoát nước. Hãy thận trọng, cân nhắc, đừng lấp rạch tràn lan để thay bằng cống.
Nên rà soát quy hoạch tổng thể mặt bằng lưu vực, xác định đúng nguyên nhân và đưa ra giải pháp hiệu quả, khoa học nhất. Nơi nào cao vẫn ngập có thể kiểm tra lại và khai thông hệ thống cống, cửa thu nước. Các đoạn cống phải có kích cỡ phù hợp để dẫn dòng.
Quy hoạch các dự án bất động sản, khu dân cư phải ưu tiên đảm bảo không gian thoát nước.
Nhiều đoạn đường tại Đà Lạt ngập sâu khoảng 0,5 mét trong trận mưa to. Một số người dân bức xúc, vừa khóc vừa tát nước ra khỏi nhà.