Nhiều ý tưởng hợp tác đã được đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và cuộc tọa đàm với các hiệp hội, tập đoàn lớn của Hàn Quốc vào chiều 23-6 tại Hà Nội. Đây là những sự kiện quan trọng được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc.
Việt Nam là địa bàn chiến lược
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và khoảng 500 doanh nghiệp (DN), trong đó khoảng 300 DN Hàn Quốc, 200 DN Việt Nam cùng tham dự diễn đàn.
Các thông tin đưa ra tại diễn đàn cho thấy thời gian qua, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam - Hàn Quốc vẫn phát triển mạnh mẽ. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt gần 87 tỉ USD. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn với gần 82 tỉ USD vốn đăng ký và gần 9.600 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam.
Hiện có khoảng 9.000 DN Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, hoạt động không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống mà còn hướng tới những lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, môi trường, tăng trưởng xanh… Các DN Hàn Quốc còn đóng góp quan trọng trong một số lĩnh vực như công nghệ cao, công nghiệp điện tử, năng lượng, ôtô, xây dựng...
Chủ tịch Tập đoàn Hyosung, ông Cho Hyun Joon, cho biết tập đoàn đã đầu tư hơn 20 năm tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 20.000 tỉ won (khoảng 3,5 tỉ USD) và khoảng hơn 9.000 lao động. Hyosung xem Việt Nam là thị trường chiến lược, trọng điểm và thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam - nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, dự kiến tuyển dụng thêm 10.000 nhân lực tại Việt Nam.
Ông Cho Hyun Joon nhận định hoạt động hợp tác đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam là một hình mẫu mà không nước nào có được. "Tôi luôn tin tưởng sự phát triển của Việt Nam sẽ đồng hành với sự phát triển của Hàn Quốc. Chúng tôi mong muốn đóng góp trong quá trình và muốn đặt tương lai 100 năm tới của tập đoàn tại Việt Nam" - ông nhấn mạnh.
Ông Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung - DN đã đầu tư 18 tỉ USD vào Việt Nam, cũng đánh giá sự phát triển của Việt Nam chính là sự phát triển của các DN Hàn Quốc, sự thành công của Việt Nam chính là sự thành công của các DN Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho rằng điều cấp bách nhất là hai nước cần nâng cao hơn nữa hoạt động giao thương, đưa kim ngạch thương mại song phương lên 150 tỉ USD vào năm 2030. Hai nước cần mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác, đồng thời gỡ bỏ mọi rào cản trong quá trình này. Ông hy vọng DN hai nước sẽ có nhiều dự án hợp tác hơn nữa.
Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ. Điều này đòi hỏi những động thái, chiến lược hết sức cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: NHẬT BẮC
Đề nghị đầu tư bền vững
Phát biểu tại diễn đàn và tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Cách đây 30 năm, chúng ta không thể hình dung được quan hệ hai nước sẽ đạt được thành quả ngày hôm nay. Tôi mong muốn thời gian tới, các DN Việt Nam và Hàn Quốc sẽ cùng lớn lên với sự phát triển của hai đất nước, hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư sẽ có đột phá hơn về mọi mặt, đạt gấp 3-4 lần những kết quả đã đạt được hiện nay vào dịp hai nước kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Việt Nam rất hoan nghênh sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các DN Hàn Quốc. Định hướng thu hút đầu tư hiện nay của Việt Nam là có chọn lọc, ưu tiên lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, điện tử, bán dẫn, năng lượng sạch, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao… Đặc biệt, Thủ tướng mong các DN Hàn Quốc tăng cường đầu tư các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. Đây cũng là những lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và sự hợp tác này có tính bổ trợ, cùng nhau phát triển.
Thủ tướng đề nghị các hiệp hội và cộng đồng DN Hàn Quốc trong thời gian tới tiếp tục mở rộng đầu tư, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, góp phần cùng Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cùng với đó, tiếp tục thể hiện tình cảm và trách nhiệm xã hội, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng cũng đề nghị các hiệp hội Hàn Quốc với vai trò "cánh tay nối dài" của các DN Hàn Quốc với Chính phủ Việt Nam, kịp thời cung cấp và báo cáo những vướng mắc, khó khăn của các hội viên trong quá trình hoạt động đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam; kịp thời kiến nghị, đề xuất các chính sách, pháp luật phù hợp.
Trên tinh thần hợp tác chân thành, tin cậy và hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn luôn lắng nghe, đồng hành với cộng đồng DN Hàn Quốc để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN. Thủ tướng ghi nhận đầy đủ các ý kiến đóng góp của các hiệp hội, DN tại diễn đàn và sẽ giao cho các bộ, ngành, địa phương liên quan để nghiên cứu, tiếp thu và có những phản hồi cụ thể.
Mong ngân hàng Hàn Quốc tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc tiếp ông Kim Sung-tae, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) và ông Kang Seoghoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB).
Chủ tịch KDB bày tỏ hy vọng sẽ có mối quan hệ chặt chẽ với các DN Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển năng lượng xanh; mong muốn thời gian tới sẽ thành lập chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam. Chủ tịch IBK Kim Sung-tae cũng bày tỏ mong muốn thành lập một ngân hàng chuyên biệt cung cấp các dịch vụ tài chính cho khu vực DN nhỏ và vừa.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ Việt Nam khuyến khích các tổ chức tài chính - ngân hàng nước ngoài tham gia quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng yếu kém của Việt Nam. Đây sẽ là lợi thế khi tổ chức tài chính nước ngoài mong muốn thiết lập hiện diện thương mại mới tại Việt Nam.
Xem thêm: mth.27240112232603202-dsu-it-051-nel-couq-nah-man-teiv-iam-gnouht-aud/et-hnik/nv.moc.dln