Trong ngày 23-6, Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi), nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và thảo luận thêm về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Không lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ cấp xã
Trong ngày 23-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Theo đó, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng thư ký Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước.
HĐND cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND, trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND, các ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với tất cả các chức vụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ cấp xã để bảo đảm thống nhất với phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định 96.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉnh lý nghị quyết quy định theo hướng không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm.
Đáng chú ý, đề xuất về việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người mắc bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ sáu tháng trở lên đã được bỏ khỏi nghị quyết.
Nghị quyết cũng không quy định quá chi tiết tất cả các trường hợp về xử lý hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như thời hạn để người được lấy phiếu tín nhiệm xin từ chức, mà nội dung này sẽ thực hiện theo các quy định khác có liên quan của Đảng và Nhà nước.
Sẽ mua sắm tập trung thuốc hiếm
Ngày 23-6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.
Trên cơ sở thảo luận của các đại biểu và quá trình thẩm tra theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thống nhất quy định về mua sắm tập trung đối với mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít.
Rà soát quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; tiếp thu, bổ sung quy định về thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế trong trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu.
Chỉnh lý quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình, chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc.
Chỉ nên khuyến khích giao dịch bất động sản phải qua sàn, không bắt buộc
Đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) cho rằng việc dự thảo luật bắt buộc mua bán qua sàn là có dấu hiệu ngăn trở tự do kinh doanh theo quy định tại Hiến pháp, đồng thời vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, không có bất kỳ cơ sở nào để bảo đảm rằng sàn sẽ đảm bảo quyền lợi cho người mua bất động sản, đặc biệt với những sản phẩm có hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ nhưng có mức chiết khấu cao.
Ông kiến nghị ban soạn thảo rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các nội dung trong các điều của dự thảo luật theo hướng tất cả các giao dịch bất động sản có ít nhất một bên là cá nhân tham gia bắt buộc phải công chứng.
Cùng với đó khuyến khích nhưng không bắt buộc bất cứ giao dịch nào cũng phải thông qua sàn. Đồng thời bỏ quy định xác nhận của sàn là căn cứ để các bên tham gia giao dịch tiến hành các thủ tục tiếp theo.
Một số đại biểu cũng cho hay giao dịch qua sàn chắc chắn làm tăng chi phí, do đó đề nghị Chính phủ cần có giải trình rõ. Có ý kiến cho rằng việc bắt buộc giao dịch qua sàn là mang tính ép buộc, bên cạnh đó không bảo đảm tính khách quan vì sàn giao dịch vừa làm nhiệm vụ môi giới vừa làm nhiệm vụ công chứng.
Không loại trừ trường hợp doanh nghiệp bất động sản sẽ tìm mọi cách để đưa sản phẩm của mình lên sàn, đẩy giá ảo.
Nghị quyết mới phát triển TP.HCM rộng hơn, cụ thể hơn
So với nghị quyết 54, dự thảo nghị quyết mới lần này bao gồm nội dung rộng hơn và cụ thể hơn trên bảy lĩnh vực với 44 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có 22 cơ chế mới.
Trong quá trình thảo luận tại tổ và tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tình về sự cần thiết ban hành nghị quyết để TP.HCM phát triển vì cả nước, cùng cả nước.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng hơn nữa các cơ chế để TP.HCM có quyền tự quyết các vấn đề quan trọng như tổ chức bộ máy, thu hút đầu tư và nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng giao thông...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ các nội dung dự thảo nghị quyết nhằm đạt được một số yêu cầu. Cụ thể là huy động, khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng thế mạnh của TP.HCM.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền tối đa cho TP theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP. Cho phép TP thực hiện một số chính sách với các quy trình, thủ tục rút gọn.
Ngày 24-6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, sau khi đã nhận được những ý kiến đồng thuận cao của đại biểu ở cả thảo luận tổ và hội trường.