Diễn biến kinh tế thế giới trong nửa năm qua đang ảnh hưởng mạnh đến hoạt động thương mại toàn cầu. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta cũng không nằm ngoài những tác động này, ví dụ là ngành dệt may.
Thiếu đơn hàng; Cạnh tranh gia tăng; Các thị trường quan trọng của Việt Nam tiếp tục tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm dệt may… Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa thể chủ động nguồn nguyên liệu sợi, bông, vải.
Năm ngoái, ngành dệt may đã xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm trước đó. Từ kết quả này, ngành Dệt may đã đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt từ 45-47 tỷ USD trong năm nay. Nhưng, nửa năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt trên 18,5 tỷ USD, giảm hơn 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tình trạng thiếu đơn hàng đã tác động mạnh tới các doanh nghiệp và ảnh hưởng chung tới toàn ngành.
Cụ thể, trong gần 6 tháng qua, hầu hết các đơn hàng của các doanh nghiệp ngành may đều là các hợp đồng nhỏ lẻ, thậm chí giá gia công của ngành may có mã hàng giảm tới một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm ngoái, đây là thách thức không nhỏ cho mục tiêu toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm nay.
Thứ 5 vừa qua, Báo Nikkei châu Á của Nhật Bản đã dẫn số liệu hải quan mới nhất của Hoa Kỳ cho thấy các lô hàng may mặc và giày dép từ các nhà sản xuất ở Campuchia, Bangladesh, Myanmar và Việt Nam đã giảm từ 20% đến 30% về giá trị trong 4 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu các mặt hàng tương tự sang Liên minh châu Âu cũng bắt đầu chậm lại. Số liệu cùng kỳ cho thấy xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang châu Âu giảm 3% và Campuchia cũng giảm nhẹ.
Việt Nam may mắn hơn, đó là nhờ Hiệp định thương mại tự do với châu Âu nên xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU đã tăng gần 20% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4, trong khi xuất khẩu của Myanmar sang EU duy trì mức tăng trưởng một con số.
Dệt may tìm hướng thích ứng
Tại Mỹ, một số thương hiệu dệt may và bán lẻ dệt may lớn đã sa thải nhân viên công ty trong những tháng gần đây. Nhà bán lẻ Gap của Hoa Kỳ đã công bố vào tháng 4 rằng họ sẽ cắt giảm khoảng 1.800 việc làm trong đợt sa thải thứ hai trong khi H&M của Thụy Điển sẽ cắt giảm 1.500 công nhân vào tháng 11 còn Adidas đang củng cố các hoạt động ở Bắc Mỹ.
Các đối tác lớn của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó khăn là vậy, nên các doanh nghiệp Việt Nam khó khăn là đương nhiên. Thiếu đơn hàng, dẫn đến thiếu việc làm nếu tiếp tục kéo dài.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: "Đơn hàng thiếu có thể đến hết năm 2024, vì vậy, các doanh nghiệp phải tự thân vận động. Chỗ nào giá rẻ, tốt thì người ta tìm đến, mình phải cạnh tranh, giải pháp là giá, chất lượng và đa dạng nguồn hàng".
Ngành dệt may còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu
Một khó khăn nữa sau Mỹ thắt chặt hơn việc truy xuất nguồn gốc của bông, nay là Liên minh châu Âu cũng bắt đầu thực hiện các quy định truy xuất nguồn gốc với chuỗi cung ứng dệt may theo đạo Luật tra soát chuỗi cung ứng.
Bà Trần Thị Hà, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Công ty Pro-sports Giao Thủy, nói: "Hiện nay các sản phẩm vải của chúng tôi cần có tính năng cao, chất lượng cao như là thấm hút mồ hôi cho dòng hàng chơi thể thao, đánh golf, leo núi… Hiện nay, các nhà cung cấp Việt Nam đáp ứng dòng hàng cơ bản như hàng cotton bình thường thôi".
Hiện ngành dệt may Việt Nam chủ yếu vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu bông. Một số doanh nghiệp cũng đã bắt đầu sử dụng bông sợi sản xuất trong nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn cung diện rộng.
Ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, nói: "Để phát triển sản xuất bông trong nước, cần có các chính sách phù hợp để phát triển cây bông như quy hoạch lại khu vực trồng bông, chất lượng giống… để có bông chất lượng tốt và đủ sản lượng để thay thế bông nhập khẩu".
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thời trang dệt kim Việt Nam đáp ứng tốt, tuy nhiên với dòng hàng dệt thoi, quy mô thời trang Việt Nam chỉ chiếm 5% thế giới, trong khi ngành vải của Trung Quốc, Ấn Độ đáp ứng 40% nhu cầu thế giới, nên có giá tốt nhờ lợi thế cạnh tranh về quy mô.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhận định: "Sản xuất vải dệt thoi chúng ta có thể đáp ứng được về chất lượng, về kĩ thuật, nhưng chúng ta phần lớn vướng trở ngại là giá để vào chuỗi cung ứng chưa được hấp dẫn".
Thách thức đáp ứng tiêu chuẩn xanh
Đầu năm nay, có thông tin về việc các đối thủ của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam như Bangladesh đã dành được nhiều đơn hàng lớn, nhiều doanh nghiệp dệt may nước này đã chuyển đổi sang sản xuất xanh.
Năm nay, Bangladesh có tới 153 nhà máy đạt chuẩn Định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường, họ cũng có 500 nhà máy đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này. Còn các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có vẻ như đang chậm chân hơn.
Và câu hỏi bây giờ là làm thế nào để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không bị mất đơn hàng vào tay Bangladesh do khách hàng châu Âu đề cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của các nhà sản xuất
Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam từ nay đến 2030, tầm nhìn 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chỉ rõ: Xuất khẩu tiếp tục là động lực chính, quan trọng cho phát triển và tăng trưởng ngành Dệt may và Da giầy; tận dụng hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và phát triển tối đa thị trường nội địa. Để thực hiện mục tiêu này thì không chỉ nguyên liệu đầu vào mà còn các mục tiêu về hạ tầng, môi trường, năng lượng tái tạo... nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu, minh bạch hóa quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng trong tương lai.
Chương trình Sự kiện và Bình luận phát sóng ngày 24/6 với khách mời là ông Lưu Tiến Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may và bà Lê Thị Huyền Nga, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, sẽ trao đổi chi tiết về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn đón xem!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.4755959042603202-yam-ted-uahk-taux-ohc-ohk-og/et-hnik/nv.vtv