Ngày 23/6, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, lực lượng chức năng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 75 bị can về tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân"; 1 bị can về tội "Che giấu tội phạm"; 7 bị can tội "Không tố giác tội phạm" và 1 bị can về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép". Các bị can trên bị khởi tố do liên quan đến vụ khủng bố tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xảy ra hôm 11/6.
Các quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam bị can nêu trên đã được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.
Tội khủng bố thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng văn phòng Luật Chính pháp (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là một trong những tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia. Tội danh này có từ bộ luật hình sự 1985, bộ luật hình sự 1999 và đến nay vẫn được quy định trong bộ luật hình sự năm 2015.
Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm, Công an tỉnh Đắk Lắk, lực lượng đặc nhiệm Quân khu 5 phối hợp triển khai phương án vây bắt các đối. (Ảnh: Phan Anh Dũng/TTXVN)
Tội danh này nhằm xử lý đối với các nhóm đối tượng phản động, hoạt động có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân mà tấn công vào các cơ quan công quyền, giết hại cán bộ, bắt giữ nhân dân, hủy hoại tài sản... Hành vi này là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, không chỉ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ, của nhân dân, hủy hoại, làm hư hỏng tài sản của nhà nước mà còn gây bất bình hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tội danh này xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ trong đó có an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe của công dân, bảo vệ người thi hành công vụ. Bởi vậy tội danh này có hình phạt rất nghiêm khắc, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
“Tội danh này được áp dụng nhiều thời gian trước đây với các đối tượng phản động, chống phá cách mạng sau giải phóng Miền Nam năm 1975. Giai đoạn từ những năm 80 đến nay thì tội danh này ít được áp dụng, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, công cuộc đấu tranh với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia đạt hiệu quả tốt hơn”- luật sư Cường phân tích.
Theo luật sư Cường, hiện nay, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân được quy định tại điều 113 của bộ luật hình sự. Tội danh này thuộc Chương XIII: các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia. Chương này có 12 điều, trong đó điều 113 quy định:
Cụ thể, Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân quy định như sau: Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố; Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố; Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe của cán bộ, công chức hoặc người khác; chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần của cán bộ, công chức hoặc người khác, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Khủng bố cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.
Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Theo luật sư Cường, Tội danh này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có động cơ chính trị, vì mục đích chính trị, nhằm chống chính quyền nhân dân mà đã thực hiện các hành vi xâm phạm đến tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hành vi này gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền sống của công dân, sát hại cán bộ phải hủy hoại tài sản...
Lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng
Hành vi này là đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, trong đó cao nhất là tính mạng của cán bộ, công chức và an ninh quốc gia. Chính vì vậy điều luật được thiết kế giống tội danh giết người là khoản 1 có mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Với các đối tượng chủ mưu, cầm đầu sẽ phải chịu mức phạt án nhất là tử hình
Liên quan đến vụ các đối tượng tấn công vào trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (trong đó có khu vực làm việc của Công an xã) thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm 9 người chết, 2 người bị thương, luật sư Cường cho hay, nhóm đối tượng hoạt động vũ trang có tổ chức tại Đắk Lắk, tấn công hai trụ sở ủy ban nhân dân xã, sát hại nhiều cán bộ và người dân, hủy hoại tài sản là những hành vi điển hình của tội danh này.
Đến nay, cơ quan điều tra đã làm rõ động cơ mục đích của các đối tượng này là nhằm chống chính quyền nhân dân nên hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội khủng bố nhầm chống chính quyền nhân dân quy định tại điều 113 bộ luật hình sự. Với hành vi phạm tội có tổ chức, sử dụng hung khí nguy hiểm, có khả năng sát thương cao là vũ khí quân dụng. Hành vi có tính chất côn đồ, manh động, man rợ, liều lĩnh, mất nhân tính như vậy thì các đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất quy định tại khoản 1 của tội danh này là mức hình phạt 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Luật sư Đặng Văn Cường
“Với các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố chống đối, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội thì sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất là tử hình. Những đối tượng có vai trò thấp hơn thì sẽ chịu hình phạt 20 năm hoặc tù chung thân. Đối với các đối tượng bị lôi kéo, xúi giục, kích động, tham gia vào hoạt động của các đối tượng này với vai trò thứ yếu thì cũng sẽ phải chịu mức hình phạt là tù có thời hạn, một thời gian dài mới đủ cải tạo, giáo dục và răn đe phòng ngừa chung cho xã hội”- luật sư Cường phân tích.
Theo luật sư Cường, vụ án này sẽ là bài học cho nhiều đối tượng coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của cán bộ và nhân dân, thiếu tỉnh táo sáng suốt minh mẫn để các đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo và tham gia vào hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân. Ngoài việc xử lý với các đối tượng vi phạm thì cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Đồng thời tuyên truyền để người dân nhận thức được vị trí vai trò của mình trong xã hội, thấy được ưu việt của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa và những chế tài có thể phải gánh chịu nếu như bị dụ dỗ lôi kéo vào các hoạt động như thế này.
Bên cạnh đó, luật sư Cường cho rằng, công tác dân vận để xây dựng thế trận lòng dân ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và một số địa phương khác cần được quan tâm, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa để đồng bào dân tộc không bị lôi kéo, bị dụ dỗ bởi các đối tượng xấu, có động cơ chính trị. Cần có chính sách phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần cho nhân dân để nhân dân nhận thức được giá trị, quyền lợi mà đảng và nhà nước đã và đang mang lại, để người dân gắn bó hơn với chính quyền và không còn chỗ để cho các đối tượng xấu, thù địch lợi dụng, chống phá.
Cùng với đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật, lực lượng vũ trang cũng cần đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa đối với các phần tử tiêu cực, chống đối, các thế lực thù địch, đặc biệt là các đối tượng hoạt động có tổ chức, có tính chất khủng bố, có mục đích xâm phạm an ninh quốc gia. Cần phải phát hiện xử lý, phòng ngừa từ sớm, từ xa, cần phải quyết liệt, kiên quyết hơn để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra, đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, để bảo vệ tính mạng sức khỏe của cán bộ và nhân dân .
Theo luật sư Cường, việc quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 75 bị can về tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" không phải hiếm gặp, theo Thống kê tại Cục An ninh Điều tra- Bộ Công an, từ năm 2010 đến năm 2014, lực lượng an ninh đã phát hiện, đấu tranh và xử lý 10 vụ với hơn 10 đối tượng về Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân Riêng trong năm 2014, đã xảy ra hơn 40 vụ nổ liên quan đến khủng bố, rất nhiều vụ đe dọa khủng bố, gọi điện, nhắn tin quấy nhiễu, đe dọa lãnh đạo ở trung ương.
Xem thêm:
Tin liên quan
Xuất hiện tình trạng thuê vài sàn chung cư, cải tạo thành "phòng bay, lắc" giá cao