Lý do: Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có quy định "trần đóng", tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở. Như vậy, lương đóng BHXH bắt buộc tối đa từ ngày 1-1-2023 đến ngày 30-6-2023 là 29.800.000 đồng/tháng, không có mức áp dụng khác cho người có thu nhập cao hơn.
Vậy làm sao để có lương hưu cao chứ hiện nay rất nhiều người nhận lương hưu không đủ sống?
Nên xem xét nới "trần đóng" BHXH
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo BHXH của Hà Nội cho hay trước đây có một số trường hợp tại đơn vị ngoài quốc doanh, đơn vị FDI đóng BHXH dựa trên lương 200 - 300 triệu đồng/tháng dẫn tới lương hưu rất cao.
Việc này gây bất bình đẳng, mất công bằng giữa những người tham gia BHXH. Do đó, cơ quan chức năng đã ra quy định "trần đóng". Về việc nâng trần, dù ghi nhận nhưng vị này cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy (chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM) cho hay, hiện nay số tiền đóng BHXH của nhiều người lao động không phải đóng trên mức thu nhập mà chỉ đóng trên mức lương thỏa thuận tại hợp đồng, nên mức lương đóng thường thấp hơn mức thu nhập.
Có tình trạng người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp "chẻ" nguồn thu nhập của người lao động để né mức đóng cao nhất. Từ những lý do này dẫn đến chuyện lương hưu của nhiều người thấp, không đủ sống.
Bà Thúy dẫn thực tế có những người lao động nhận lương cao muốn đóng thêm tiền để hưởng BHXH cao hơn để nhận lương hưu cao, trong khi hầu hết người lao động hiện mức đóng BHXH thấp nhưng lại mong muốn khi về hưu nhận khoản lương hưu đủ sống.
Bà Thúy cũng cho rằng không nên bỏ "trần đóng" nhưng có thể nâng "trần đóng" BHXH để khuyến khích người đóng bảo hiểm duy trì thời gian đóng để sau này nhận lương hưu cao. "Đây cũng là cách tạo điều kiện cho người lao động thương thảo mức đóng bảo hiểm khi ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động", bà Thúy nêu.
Về lâu dài, theo bà Thúy, quan trọng nhất vẫn phải có giải pháp tăng lương cơ bản để số tiền đóng bảo hiểm của người lao động hằng tháng tăng lên, có thể đóng bảo hiểm nhiều hơn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng chỉ rõ nguyên tắc của BHXH là "đóng - hưởng" nên việc lương hưu thấp chính là do "mức đóng thấp". Để cải thiện vấn đề lương hưu thấp, theo bà Nga, sẽ rất khó khăn bởi khi tính toán mức đóng BHXH phải dựa trên mức thu nhập bình quân của người lao động trong xã hội.
"Đó cũng là lý do vì sao phải có trần đóng để tránh tạo ra chênh lệch BHXH trong xã hội quá lớn". Tuy nhiên, bà Nga cũng nói có thể xem xét "nới trần" với người có nhu cầu. Ngoài ra, về lâu dài có thể xây dựng các gói đóng BHXH khác nhau tùy theo thu nhập hiện tại.
Có thể xây dựng các gói dịch vụ BHXH cao
Một thành viên của Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh muốn hưởng lương hưu cao thì cần đóng BHXH trên mức thu nhập thực tế của người lao động.
Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp hiện nay đều chia nhỏ thu nhập của người lao động và chỉ đóng BHXH trên lương thỏa thuận tại hợp đồng lao động với mức rất thấp. Việc này nhằm "trốn" đóng ở mức cao, do hiện nay doanh nghiệp phải đóng trên 14% còn người lao động là hơn 8% vào chế độ hưu trí.
Bên cạnh đó, ngoài một số giám đốc, người có thu nhập cao muốn đóng BHXH cao thì phần lớn người lao động không muốn đóng mức cao bởi số tiền trừ hằng tháng so với thu nhập của họ không hề nhỏ, nhất là với những ngành nghề lương không cao như dệt, may mặc, da giày…
Do đó, theo vị này, về lâu dài tổ chức công đoàn cần đóng vai trò để bảo vệ, ký được thỏa ước lao động giữa doanh nghiệp và người lao động. Trong đó phải ghi rõ mức thu nhập rõ ràng để đóng BHXH.
Chính người lao động cũng phải nâng cao nhận thức, hiểu rõ việc đóng cao hơn cũng chính là quyền lợi về sau của mình được tốt hơn. Vị này cũng đồng tình việc có thể xây dựng các gói dịch vụ BHXH cao để những người có thu nhập cao lựa chọn để đóng.
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, cho rằng thời gian qua, trong chính sách tiền lương, việc xác định mức đóng và hưởng không tương đồng, dẫn tới đời sống của người về hưu khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Lợi, Nhà nước phải dùng một số biện pháp để hỗ trợ cho người về hưu, nâng mức lương hưu bằng với mức sống tối thiểu, thể hiện bản chất hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
Về giải pháp căn cơ, ông Lợi cho rằng phải sửa Luật BHXH. Cụ thể, muốn lương hưu tăng, phải nâng mức tiền lương tháng đóng BHXH ở mức cao hơn. Điều này không có nghĩa là tăng tỉ lệ phần trăm đóng BHXH mà đóng trên mức thu nhập có tính chất tiền lương.
Đóng bảo hiểm theo cả "lương cứng" lẫn "lương mềm"
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, mức đóng BHXH có thể chia theo từng khu vực. Ở khu vực công, cán bộ, công chức, viên chức đang được trả 70% tiền "lương cứng" và 30% "lương mềm" (phụ cấp). Ngoài ra còn có 10% quỹ thưởng do thủ trưởng đơn vị thưởng cho người hoàn thành tốt công việc.
Ở khu vực này, cần đóng BHXH trên mức căn cứ là 100% tiền lương gồm cả phần cứng và mềm.
Ở khu vực có mối quan hệ lao động là chủ sử dụng lao động và người lao động, tiền lương tối thiểu đang được quy định theo bốn vùng. Lương tháng đóng BHXH thấp nhất cũng phải bằng lương tối thiểu vùng cộng với các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương.
Ở đây cần giải thích rõ các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương phải được hạch toán vào giá thành sản phẩm mà không tính vào các khoản phụ cấp khác. Tiền làm thêm ngoài giờ cũng phải được tính vào mức lương làm căn cứ đóng BHXH.
Ở khu vực tự nguyện, lâu nay người tham gia BHXH đang đóng mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn. Nhà nước cũng phải tính toán để cho ra mức đóng đảm bảo mức sống tối thiểu ở khu vực này. Đặc biệt, quan trọng nhất Nhà nước phải công bố được mức sống tối thiểu của người dân.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích người lao động có thu nhập cao đóng BHXH ở mức cao và nên có sự chia sẻ tiền lương hưu của các thế hệ, lực lượng lao động. Thế hệ sau phải bù cho thế hệ trước, điều chỉnh tiền lương hưu với những người có mức lương hưu thấp và giữ nguyên nếu họ đang hưởng lương hưu cao.
Vì sao 7 năm mới có 890 người tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện?
Hiện nay, ngoài BHXH còn có hình thức tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện. Tuy nhiên, vì sao hình thức này chưa thu hút người lao động?
Trong văn bản vừa gửi Bộ LĐ-TB&XH góp ý sửa Luật BHXH về chính sách hưu trí bổ sung tự nguyện, Bộ Tài chính cho biết sản phẩm này được triển khai từ năm 2017. Đến nay, đã có bốn doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Bộ Tài chính cho biết thêm theo Luật BHXH, bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong BHXH bắt buộc.
Cơ chế tạo lập quỹ từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.
"Do đây là chính sách tự nguyện, cần có thời gian để doanh nghiệp và người lao động nắm bắt thông tin và tham gia chương trình. Bên cạnh đó, chính sách thuế đối với người tham gia chưa thực sự ưu đãi nên việc triển khai thời gian qua còn chậm, chưa hấp dẫn doanh nghiệp và người lao động tham gia" - Bộ Tài chính nhận định.
Về đề xuất sửa Luật BHXH đối với hưu trí bổ sung tự nguyện, Bộ Tài chính đánh giá chương trình đang ở giai đoạn đầu phát triển, cần có thời gian đánh giá trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục hoặc dừng hoạt động kinh doanh này. Do đó, trước mắt Bộ Tài chính chưa có ý kiến về nội dung này.
Theo đánh giá của các chuyên gia về một trong những lý do chính khiến sản phẩm bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện chưa phát triển được là do quy định mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện được miễn thuế quá thấp, với chỉ không quá 1 triệu đồng/tháng nên không thể khuyến khích người lao động tham gia sản phẩm này.
Nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cũng cho rằng Nhà nước cần nghiên cứu chính sách miễn trừ thuế thu nhập cho khoản đóng hưu trí bổ sung.
Việc này có ba lợi ích: người lao động có thêm thu nhập khi về già, doanh nghiệp được khuyến khích trả lương cao hơn để giữ chân lao động chất lượng cao và quỹ hưu trí bổ sung khi có đủ nguồn lực sẽ được đầu tư, từ đó đóng góp cho sự phát triển của kinh tế - xã hội.
L.THANH - H.QUÂN
Thăm dò ý kiến
Quy định hiện nay khống chế mức trần đóng bảo hiểm xã hội cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu hoặc lương cơ sở. Nhiều người mong muốn đóng bảo hiểm xã hội cao hơn để hưởng lương hưu tốt hơn. Theo bạn:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.