Ngày 24-6, HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) thực hiện Chương trình phát thanh trực tiếp Đối thoại cùng chính quyền TP với chủ đề Thực thi pháp luật về hòa giải, đối thoại tại tòa án trên địa bàn TP.HCM.
Anh Minh Tuấn (ngụ TP.Thủ Đức) cho biết, anh đang có một vụ kiện tranh chấp đất đai và đã có quyết định hòa giải thành ở một toà án cấp quận tại TP.HCM. Tuy nhiên, anh không đồng ý một số nội dung trong quyết định và muốn biết quy định để gửi đơn đề nghị xem xét quyết định trên?
Chương trình phát thanh trực tiếp Đối thoại cùng chính quyền thành phố. Ảnh chụp màn hình |
Phó chánh án TAND TP.HCM bà Nguyễn Thị Thùy Dung cho biết, theo Luật Hoà giải, đối thoại tại tòa án thì các quyết định công nhận hòa giải, đối thoại thành cũng có thể bị xem xét lại theo đề nghị các bên hoặc có kiến nghị của Viện kiểm sát trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định. Thời hạn 15 ngày cũng có thể điều chỉnh khi đương sự gặp trở ngại khách quan, bất khả kháng.
Khi các đương sự không đồng ý kết quả hòa giải thì có thể gửi đơn đến tòa án cấp trên toà án đã ban hành quyết định. Khi nhận được đơn, tòa án cấp trên sẽ yêu cầu tòa án đã ra quyết định chuyển hồ sơ, tài liệu để xem xét.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đơn, toà cấp trên sẽ xác minh thu thập chứng cứ và ban hành một trong các quyết định như huỷ hoặc giữ nguyên quyết định công nhận hòa giải thành.
Bà Phan Thị Dòn - Hoà giải viên TAND huyện Bình Chánh. Ảnh chụp màn hình |
Chị Huỳnh Thị Thu Thảo (ngụ quận Bình Thạnh) đặt câu hỏi có được hòa giải trong vụ kiện dân sự khi bị đơn có đơn yêu cầu không tiến hành hòa giải?
Hoà giải viên TAND huyện Bình Chánh bà Phan Thị Dòn cho biết, căn cứ khoản 5 Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án thì nếu một trong các bên không yêu cầu hòa giải thì hòa giải viên sẽ không tiến hành hoà giải. Sau đó, hòa giải viên sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ cho toà án giải quyết theo quy định tố tụng dân sự.
Phó chánh án TAND TP.HCM Nguyễn Thị Thuỳ Dung cho biết, sắp tới TAND TP.HCM tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về hòa giải, đối thoại tại tòa án. Tạo niềm tin, sự an tâm cho người dân để lựa chọn hòa giải, đối thoại khi giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.
Kiện toàn số lượng hoà giải viên; nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại và cập nhật, tập huấn văn bản pháp luật mới để nâng cao chuyên môn hòa giải viên. Đầu tư cơ sở vật chất tại trung tâm hoà giải, tăng cường bổ sung nhân sự.
LS Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM. Ảnh chụp màn hình |
Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM luật sư Nguyễn Văn Hậu góp ý thêm cần có hướng dẫn cụ thể của TAND tối cao đối với một số quy định trong Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Trong khi Luật này và các văn bản hướng dẫn chỉ quy định xử lý trường hợp người bị kiện đồng ý hoặc không đồng ý tiến hành hòa giải mà chưa có quy định đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Như vậy khi người này không đồng ý chuyển vụ kiện sang hòa giải thì hoà giải viên có tiến hành hòa giải và người này có quyền thay đổi hòa giải viên hay không?
Bên cạnh đó, cần thống nhất việc lấy ý kiến con chung trên 7 tuổi. Nếu cần thiết, hòa giải viên có thể mời người đại diện cơ quan nhà nước về trẻ em đến lấy ý kiến nhằm bảo vệ quyền lợi cho trẻ.