Anh Lê Minh Tuấn - một người làm tủ sách ở Quảng Trị từ năm 2016 trong phong trào Sách hóa nông thôn của ông Nguyễn Quang Thạch - chia sẻ câu chuyện tại buổi giới thiệu cuốn sách Những bước chân hy vọng (Nguyễn Quang Thạch - NXB Phụ Nữ Việt Nam) ngày 24-6 tại Hà Nội.
Có sách không khó, kéo trẻ em đọc sách mới khó
Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online, anh Tuấn cho biết trong những năm đầu của hành trình xây dựng các tủ sách cho trường học của mình, chuyện các nhà trường không muốn nhận sách mà chỉ muốn xin tiền để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho nhà trường như câu chuyện kể trên khá phổ biến.
Gần đây, khi phong trào đọc sách được phát động mạnh mẽ từ cấp trung ương, anh Tuấn cho biết các nhà trường không từ chối các tủ sách tặng nữa, nhưng thật lòng thì họ vẫn muốn xin tiền để giải quyết những vấn đề vật chất thiết thực hơn là xin sách.
"Trước đây tôi ngỏ ý tặng các tủ sách cho nhà trường thì bị họ cười, từ chối. Nhưng nay nếu chúng tôi tặng sách mà họ từ chối thì họ sẽ bị chê cười nên họ không từ chối nữa. Họ không từ chối vì sợ bị chê trách, chứ thực lòng họ vẫn muốn xin tiền hơn xin sách", anh Tuấn nói.
Cũng câu chuyện "chê sách", ông Nguyễn Quang Thạch kể những lần thất bại khi đi vận động đọc sách, gây dựng tủ sách ở nông thôn của mình.
Có lần, ông Thạch phải mất nhiều công sức đi xin sách chỗ nọ chỗ kia, xin sách của các tác giả, các nhà văn nổi tiếng, phân loại rồi mang tặng các vùng nông thôn. Một thời gian ông thấy kho sách ông tặng được người dân mang để… chuồng heo.
Ông Bùi Văn Đông, người mở thư viện tư nhân với hơn 4.500 cuốn sách để phục vụ miễn phí cho bà con ở Ninh Bình quê ông thì cho biết việc xây dựng tủ sách, có sách không khó. Cái khó là kéo các em chịu đọc sách.
Những câu chuyện này cho thấy dù phong trào mang sách về nông thôn của ông Nguyễn Quang Thạch đã rất thành công với hàng ngàn tủ sách trường học, gia đình, dòng họ trên cả nước, nhưng để kéo được người dân đọc sách thì còn là một câu chuyện rất dài.
Phải có sách mới nói tới chuyện văn hóa đọc
Dù hành trình đi tặng sách gây thư viện cho các trường học của anh Lê Minh Tuấn không dễ dàng, nhiều lần bị từ chối, anh vẫn kiên trì với sứ mệnh mang sách tới cho trẻ em nông thôn mà anh tự nguyện khoác lên mình.
Anh bảo tất nhiên gây dựng văn hóa đọc là một hành trình rất dài. Không dễ dàng để trẻ em say mê sách. Nhưng để gây được văn hóa đọc thì việc trước tiên là phải có sách để các em đọc đã. Nên anh vẫn đầy hào hứng với hành trình đưa sách về các trường học của mình và những đồng đội khác.
Đến nay anh Tuấn đã gây dựng được 3.200 tủ sách, tương đương khoảng 250.000 cuốn sách cho trẻ em Quảng Trị.
Và chuyện đọc sách không phải chỉ rặt chuyện buồn kể trên.
Cô giáo Trần Huỳnh Nhị ở Vĩnh Long lại là một trong nhiều trường hợp thành công khi đã truyền được tình yêu đọc sách đến nhiều em học sinh nơi hai ngôi trường mà cô đã và đang dạy.
Bằng việc giới thiệu những cuốn sách hay tới các em học sinh lồng trong các tiết học, các buổi chào cờ đầu tuần và bằng chính cuộc sống hạnh phúc với sách vở của mình, cô Nhị đã kéo được nhiều em học sinh cũng ham mê đọc sách.
Những bước chân hy vọng của Nguyễn Quang Thạch tập hợp những bài viết ngắn, bài báo của tác giả, những bài phỏng vấn tác giả, những bài báo về ông Thạch in trên cách báo và những bài viết mới đây.
Tất cả đều xoay quanh những trăn trở, ưu tư về con người và xã hội của ông Thạch; về hành trình vận động xã hội và chính quyền ủng hộ đọc sách, đưa sách về nông thôn; những tấm gương thành công nhờ học và đọc sách; và về hành trình của ông Thạch trên đất nước Ấn Độ để kêu gọi quyền đọc sách cho trẻ em nông thôn…
TTO - Ca sĩ Mỹ Tâm hát với Đức Mạnh đêm Giáng sinh trên sân khấu vỉa hè và nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch "Sách hóa nông thôn" đã là những điểm sáng ấm lòng của văn hóa xã hội năm qua.