Các nhà kinh tế của Goldman Sachs dự đoán rằng, các thị trường mới nổi, bao gồm các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ chiếm 35% vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu vào năm 2030, 47% vào năm 2050 và 55% vào năm 2075.
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ sẽ chiếm 35% vốn hóa thị trường toàn cầu vào năm 2030, 27% vào năm 2050 và chỉ 22% vào năm 2075.
Hiện Mỹ đang chiếm 42% vốn hoá thị trường chứng khoán toàn cầu, trong khi các thị trường mới nổi chiếm 27%.
Các nhà kinh tế cho biết, điều này sẽ không nhất thiết chuyển thành hoạt động của cổ phiếu tốt hơn, mặc dù Goldman Sachs thường kỳ vọng cổ phiếu của các thị trường mới nổi sẽ vượt trội so với cổ phiếu của thị trường phát triển trong dài hạn.
Sự thay đổi phần lớn sẽ được thúc đẩy bởi tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp nhanh hơn ở các nước mới nổi, điều này sẽ khiến các nền kinh tế mới nổi bắt kịp và cuối cùng vượt qua thị phần của Mỹ. Các nhà kinh tế cũng dự đoán rằng sự bùng nổ đó phần lớn sẽ được dẫn dắt bởi Trung Quốc, nền kinh tế dự kiến sẽ thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035.
Nhưng quỹ đạo đó có thể gặp thách thức bởi chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng ở các quốc gia thị trường mới nổi.
"Chúng tôi nhìn nhận chủ nghĩa bảo hộ là rủi ro quan trọng hơn đối với sự phát triển của thị trường vốn - cụ thể là rủi ro mà chủ nghĩa dân tộc dân túy dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và đảo ngược quá trình toàn cầu hóa", các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của các thị trường mới nổi cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI), phần lớn diễn ra ở các thị trường phát triển như Mỹ. Hiệu suất mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ trong năm nay phần lớn là do sự hưng phấn về các kỳ vọng liên quan đến AI, điều này đã khiến một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đạt mức cao ngất ngưởng.