Khi tình yêu khiến người trẻ thêm áp lực, ngày càng nhiều người trẻ "lười yêu", lựa chọn lối sống độc thân thay vì đi tìm một nửa cuộc đời.
"Thả trôi" mối tình 7 năm
"Chúng tôi đã quyết định kết hôn, hai bên gia đình đã chấp thuận, đã xem ngày và chuẩn bị tài chính cho đám cưới. Nhưng đến cuối cùng, tôi vẫn chọn cách buông bỏ…" - Thanh Liên (tên nhân vật đã được thay đổi, ở Hà Nội) nhớ lại.
Cả hai đã trải qua 7 năm đồng cam cộng khổ. Nhưng cho đến khi ra trường, áp lực tài chính đè nặng khiến đôi bạn nhiều lần xảy ra cãi vã, bất đồng. Sau này, Liên lựa chọn rời đi khi không còn tìm được tiếng nói chung.
"Tôi dễ nóng nảy, không còn muốn lắng nghe những "lời hứa gió bay nữa". Dần dà khi gom đủ thất vọng, tôi không còn chút động lực nào trong việc chia sẻ, nói ra mong muốn của mình. Tôi chọn cách thả trôi mối quan hệ" - cô bộc bạch.
Đến nay đã hơn một năm sau chia tay, Liên vẫn chưa thể mở lòng cho ai bước vào. Rất nhiều "vệ tinh" vây quanh, nhưng cô nàng đều khéo léo từ chối. Cô chọn "lười yêu" thay vì bước vào mối quan hệ chắc chắn đầy rẫy nhiều phức tạp.
Thay vì yêu, cô chọn làm đẹp, nâng cấp bản thân từ tâm - thân - trí. Cô lựa chọn thay đổi theo hướng tích cực, đi ra ngoài gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người, cải thiện tính nữ trong bản thân trước khi bắt đầu mối quan hệ mới.
"Dù trong thâm tâm tôi vẫn khao khát được nuông chiều, nhưng tôi vẫn dửng dưng với người khác giới. Tôi sẽ thay đổi cách tiếp cận và cách yêu để hành xử mới với người sau đúng hơn người trước. Tôi hy vọng tìm được một người có thể giao tiếp sâu, trò chuyện hằng ngày về những điều vụn vặt trong cuộc sống" - Liên nói.
"Chê yêu", chọn mối quan hệ không tên
Từng có một mối tình đẹp khi còn đi học nhưng Trần Đạt (28 tuổi, ở Thanh Hóa) lại trải qua khoảng thời gian khá tệ khi tốt nghiệp dẫn đến cuộc tình đổ vỡ.
Sau chia tay, Đạt cũng thử thêm vài ba mối tình chóng vánh, nhưng hiện tại anh chàng lựa chọn cuộc sống độc thân, tập trung vào sự nghiệp, công việc quan trọng hơn thay vì tình cảm.
"Tìm được người cùng chí hướng, biết cảm thông cho sự bận rộn, áp lực thì không sao. Nhưng nếu người yêu quá nhõng nhẽo trái lại khiến mình thêm mệt mỏi tinh thần" - Đạt nói.
Theo Đạt, đây cũng là lý do các bạn trẻ ngày càng thích các mối quan hệ không tên, không ràng buộc hơn là tìm kiếm một mối quan hệ yêu đương nghiêm túc và đi đến kết hôn.
Thay vì tìm kiếm các mối quan hệ tốn thời gian, tiền bạc, anh chàng lựa chọn biến độc thân thành cơ hội tốt để phát triển bản thân. Khi có nền tảng kiến thức, kinh nghiệm sống và sự nghiệp ổn định, Đạt tin việc tìm kiếm bạn gái hay bạn đời sẽ dễ dàng, thoải mái hơn.
"Mình tin khi đã biết quan tâm bản thân và có định hướng rõ ràng cho tương lai thì người phù hợp với bản thân sẽ xuất hiện" - Đạt quả quyết.
Còn với Đ.T.Hiền (25 tuổi, ở Hà Nội) từng chứng kiến bạo lực gia đình trong chính ngôi nhà của mình, bạn bè cũng không mấy suôn sẻ trong chuyện tình cảm nên cô nàng không hề mặn mà với việc tìm kiếm nửa kia của mình.
Hiền nhớ lúc nhỏ, mỗi lần ba mẹ xảy ra xô xát cô đều nép vào một góc và sợ hãi, nhất là khi thấy những giọt nước mắt của mẹ.
"Dù bây giờ xã hội văn minh hơn nhưng mình thấy bạo lực trong tình yêu, hôn nhân càng ngày càng đáng sợ và man rợ. Lâu lâu mình lại thấy thông tin về đánh đập, thậm chí chém giết người tình nên càng e sợ hơn" - Hiền trải lòng.
Dù trường hợp này chỉ là số ít nhưng bản thân Hiền cho rằng việc yêu đương với cô vẫn là "canh bạc lớn" mà cô nàng không muốn dấn thân vào.
"Không muốn đi vào những "vết xe đổ" nên nhiều lần bị hối thúc, thậm chí được mai mối nhưng tất cả đều không thành. Mình cảm thấy không sẵn sàng" - Hiền nói.
Tình yêu được ví von là "liều thuốc" giảm đau tự nhiên, là liệu pháp tâm lý tuyệt vời. Trái lại, nó cũng là "liều độc dược" khiến người ta "yêu đến đau lòng". Giữa ranh giới hạnh phúc và khổ đau, chúng ta có tự tin bước vào?
>> Còn tiếp
Cặp đôi hẹn hò thời thanh thiếu niên, rồi chia tay, mãi đến năm họ gần 60 tuổi mới gặp lại, và viết đoạn kết cho mối tình bằng một đám cưới.