Bệnh nhân đột quỵ phải chạy đua với thời gian để cứu lấy từng tế bào não. Do đó cấp cứu trước viện cực kỳ quan trọng, khi mỗi giây đều rất quý giá.
Nhiều bệnh nhân không may đã lỡ cấp cứu trong "thời gian vàng", tỉ lệ tử vong cao.
Mạng lưới cấp cứu ngoại viện mỏng
Theo thống kê mới nhất của Hội Đột quỵ thế giới, cứ 3 giây lại có 1 bệnh nhân đột quỵ mới. Đáng báo động, cứ 1 trong 4 người trưởng thành sẽ có nguy cơ mắc đột quỵ trong cuộc đời. Tỉ lệ này trong những năm trước là 1:6.
PGS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM - cho hay tỉ lệ trên cho thấy nguy cơ đột quỵ đang tịnh tiến theo hướng xấu hơn. Thực tế số lượt bệnh nhân đột quỵ mỗi năm tại nước ta theo thống kê của Bộ Y tế là trên 200.000.
Tuy nhiên, đây không phải là con số thực tế cuối cùng vì riêng Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) đã cấp cứu và điều trị khoảng 20.000 bệnh nhân đột quỵ mỗi năm, trong khi cả nước có hơn 1.000 bệnh viện.
PGS Thắng cho biết, khi đột quỵ xảy ra, bệnh nhân phải chạy đua với thời gian để cứu lấy từng tế bào não. Cứ mỗi phút trôi qua có gần 2 triệu tế bào não chết đi và không hồi phục.
Ông Thắng cảnh báo đột quỵ không còn là căn bệnh của người lớn tuổi. Theo thống kê, năm 2019 có 63% cơn đột quỵ xảy ra với những người trẻ. Có đến 89% số ca tử vong và tàn tật liên quan đến đột quỵ xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình - thấp, trong đó có Việt Nam.
Do đó, vai trò cấp cứu trước viện ngày càng trở nên quan trọng và việc xây dựng quy trình cấp cứu trước khi nhập viện tối ưu được xem là mục tiêu hiện đại nhằm rút ngắn thời gian bệnh nhân đột quỵ đến được các cơ sở y tế gần nhất.
Tuy nhiên, hiện mạng lưới cấp cứu ngoại viện cho bệnh nhân đột quỵ tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung còn yếu và mỏng.
Bác sĩ CKII Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM - cho hay chỉ có 11/63 tỉnh thành hiện nay có trung tâm cấp cứu 115 hoạt động tách biệt với hệ thống các bệnh viện.
Riêng TP.HCM, hiện mạng lưới cấp cứu ngoại viện tại TP chưa đáp ứng được 100% những trường hợp đột quỵ được trung tâm điều phối xe cứu thương đến.
Thiếu tướng Trần Quốc Việt - giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - cũng cho rằng cấp cứu ngoại viện còn yếu và thiếu trong hệ thống y tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, trong khi đã được đưa vào Luật Khám chữa bệnh vào đầu năm 2023.
Cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Chính phủ
Ông Trần Văn Sóng - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) - cho rằng để đạt được kết quả điều trị tối ưu, người bệnh đột quỵ cần được xử trí trong "giờ vàng" tại cơ sở y tế có đơn vị đột quỵ gần nhất và được can thiệp tiếp theo tại các trung tâm đột quỵ chuyên sâu với các phương pháp, công cụ được tiêu chuẩn hóa và đội ngũ các bác sĩ lâm sàng được đào tạo kỹ thuật can thiệp.
Hơn thế nữa, việc thiết lập hệ thống mạng lưới các đơn vị/trung tâm đột quỵ tại các bệnh viện với các cấp độ điều trị đột quỵ khác nhau đóng vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo mọi bệnh nhân đều được điều trị cấp cứu kịp thời, đúng thời điểm và giảm tỉ lệ tàn phế, tử vong do đột quỵ gây ra.
Thiếu tướng Trần Quốc Việt cho hay, được sự cho phép của Bộ Quốc phòng và Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Quân y 175 phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 trong cấp cứu đột quỵ ngoại viện trên địa bàn TP.
Bệnh viện Quân y 175 mong muốn hỗ trợ các đơn vị để tối ưu hóa quy trình điều trị đột quỵ cấp và không ngừng hỗ trợ nhân rộng mạng lưới phối hợp điều trị đột quỵ với các bệnh viện ở khu vực lân cận để từ đó càng có nhiều hơn nữa những bệnh nhân đột quỵ có cơ hội được cứu sống và hồi phục.
Tuy nhiên, để cấp cứu ngoại viện người đột quỵ hoạt động tốt hơn thì cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Chính phủ về tổ chức biên chế, trang thiết bị, công tác đào tạo đột quỵ và chế độ đãi ngộ cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia cấp cứu ngoại viện.
Tối ưu hóa "giờ vàng" cấp cứu đột quỵ
Bác sĩ CKII Nguyễn Duy Long cho hay giải pháp tối ưu hóa "giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ phải được thực hiện ở tất cả các khâu, đồng thời vận chuyển và điều trị ưu tiên.
Trong đó, ngay từ cộng đồng phải có nhận thức về xác định tình huống cấp cứu, khả năng xử trí ban đầu, tìm kiếm sự trợ giúp kịp thời.
Sau đó, trung tâm cấp cứu tiếp nhận, sàng lọc, điều phối, tư vấn, kết nối nhanh chóng và hiệu quả.
Quá trình vận chuyển phải đánh giá và ổn định bệnh nhân, vận chuyển an toàn đến bệnh viện phù hợp và cuối cùng là bệnh viện phải sẵn sàng tiếp nhận, đánh giá, xử trí chuyên sâu.
Đột ngột ôm ngực ngã quỵ, nhiều người nghĩ do trúng gió, có người nghĩ vì đau tim... Chính suy diễn đó đưa đến nhiều cách xử trí, khiến bệnh nghiêm trọng hơn, thậm chí tử vong.