"Lớp tôi chủ nhiệm có 20/45 học sinh đăng ký thi đánh giá năng lực, nhưng chỉ có gần 10 học sinh dự thi. Một số em sau khi thi thử có kết quả chỉ đạt 60 - 70 điểm trên tổng số 150 điểm nên đã bỏ luôn" - cô H., giáo viên văn THPT ở quận Tây Hồ (Hà Nội), chia sẻ về sự dè dặt của học sinh với một "thước đo" mới.
Dò dẫm tự ôn thi vẫn chưa hiểu được mình
N.T., học sinh THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, kể về sự hẫng hụt không hề nhẹ khi trải qua hai lần thử sức ở kỳ thi đánh giá năng lực: "Lần đầu em được 93 điểm. Phần toán, văn làm tốt nhưng phần khoa học tự nhiên, xã hội thì đuối vì khi đó em chưa học hết chương trình lớp 12. Hăm hở ôn tập để thi lần hai vào cuối tháng 5, em bất ngờ khi điểm thi tụt xuống 89 điểm. Ở bài thi lần hai, điểm phần khoa học tốt cải thiện hơn nhiều nhưng phần toán điểm lại tụt rõ rệt.
Em băn khoăn về độ tương đương của các câu hỏi tương ứng với từng mức độ của các đề thi. Vì nếu các câu hỏi giữa các đề có độ khó tương đương thì giữa hai lần thi gần nhau khó có thể có sự chênh lệch điểm theo hướng thấp đi quá nhiều. Bản thân em thấy khó hiểu về kết quả của mình".
Gặp lại N.T. khi em tham dự tiếp kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Có cảm giác N.T. thi tiếp vì "cay cú" hơn là vì mục tiêu xét tuyển đại học. Vì với những gì đang có, N.T. có thể không cần tới điểm đánh giá năng lực, tư duy nhưng em vẫn thi.
"Em muốn thử hai kỳ thi cùng đánh giá năng lực, tư duy xem thế nào. Vì em không phục lắm hoặc có lẽ là do em không hiểu được. Nó quá khác với truyền thống chăng", N.T. nói.
Với những thí sinh phía Nam, tình trạng dự thi mà vẫn lơ mơ, lạ lẫm cũng rất nhiều. L.T.D. (Q.Tân Phú, TP.HCM) kể: "Để thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, em tự xoay xở ôn là chính. Vì thầy cô ở trường chủ yếu tập trung dạy ôn các môn học để thi tốt nghiệp THPT. Ngoài thời gian học ở trường thì tìm địa chỉ luyện thi trên mạng, rồi tự học. Nên em cũng như nhiều bạn coi việc tham gia thi để thử sức, không nhiều hy vọng sử dụng điểm để xét tuyển".
Trong khi đó, N.T.A. (Q.Gò Vấp, TP.HCM) lại rất quan tâm đến kỳ thi đánh giá năng lực nên đã dành nhiều thời gian tìm hiểu thông tin về kỳ thi này từ đầu năm lớp 12.
Do nhiều lần hỏi về các nội dung và cách thức ôn tập thi đánh giá năng lực nhưng các thầy cô ở trường cũng "không rành", nên đầu năm 2023, T.A. tham gia một fanpage "luyện thi, ôn thi, đề thi đánh giá năng lực" trên Facebook.
"Cả hai đợt thi vừa qua không lần nào hơn 700 điểm (tối đa 1.200 điểm). Với mức điểm này, em quyết định bỏ luôn, không đăng ký xét tuyển vì không thể đậu vào ngành mình mong muốn", A. cho biết.
Nhìn vào phổ điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2023 mới công bố thì thấy số lượt thí sinh đạt từ 110 điểm trở lên có 1,9%. Số đạt từ 100 điểm trở lên chỉ có 6%. Điểm trung bình của thí sinh dự thi là 77,1/150 điểm.
Kết quả phân tích 88.052 bài thi đợt 1 của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho thấy điểm trung bình thí sinh là 639,2/1.200 điểm. Chỉ có 152 thí sinh trên 1.000 điểm.
Thầy cô phổ thông lúng túng, lò luyện lên ngôi
Cô H., giáo viên văn THPT một trường quận Tây Hồ (Hà Nội), cho biết khoảng 10 học sinh của lớp cô chủ nhiệm dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội thì phần lớn chỉ đạt mức 60 - 70 điểm. Chỉ có một học sinh được 80 điểm, một em được 85 điểm. Có học sinh học rất tốt trong lớp nhưng thi chỉ đạt 60 điểm.
"Nhìn vào điểm số, giáo viên cũng thấy hoang mang. Vì không biết lý do những em giỏi lại tụt hạng ở thi đánh giá năng lực. Phải biết được điều đó thì mới có định hướng thay đổi cách dạy học, ôn tập. Nhưng hiện dữ liệu để đối chiếu, so sánh chưa đủ", cô H. nói.
Khoảng trống mà các trường phổ thông đang bỏ ngỏ vì còn xa lạ đang được các lò luyện thi tiếp quản. Tr., một thí sinh ở Hà Nội đã ôn ở lò luyện, kể các lò luyện có hai hình thức luyện thi: đăng ký lớp luyện online và nộp học phí để được cấp tài khoản và được cung cấp 10 - 15 hay 20 đề thi theo đúng cấu trúc kỳ thi đánh giá năng lực.
Mỗi đề thi có kèm theo video chữa bài của giáo viên. Ngoài ra, học viên có thể tương tác, trao đổi với giáo viên trực tiếp hoặc được cung cấp thêm tài liệu luyện thi được số hóa. Hình thức nào cũng có mức tiền tương ứng, dao động từ 900.000 đến vài triệu đồng/đợt.
Để thu hút thí sinh, có lò luyện tung tin luyện "trúng tủ" và một câu chuyện được lan truyền về người của lò luyện "xả thân" đăng ký thi để biết cách ra đề thi, thậm chí copy được các câu hỏi trong đề thi ra nên sẽ luyện... sát sạt với đề thi thật. Chiêu quảng bá này được khá nhiều học sinh lớp 12, thậm chí cả lớp 11, quan tâm.
Ở phía Nam, những lò luyện trên mạng cũng xuất hiện khá nhiều, nhằm vào mục đích luyện để thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
T.H., một thí sinh đã dự thi, chia sẻ từng hoa mắt với đủ loại mời chào: luyện với tài liệu được cung cấp, với video bài giảng của giáo viên được cung cấp sau khi nộp học phí, hoặc học online qua zoom, thi thử online. Bị cuốn vào mê cung luyện thi nhưng Tr.H. và nhiều thí sinh vẫn chỉ đạt mức điểm lẹt đẹt vì bản thân các em không có được định hướng để chủ động việc ôn luyện phù hợp.
Cả hai đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực của hai ĐH quốc gia đều khẳng định không phát hành tài liệu, không tổ chức luyện thi. Những trường hợp quảng bá người của hai ĐH quốc gia viết tài liệu, luyện thi là mạo danh. Cũng không thể có chuyện thí sinh dự thi copy nguyên xi được đề thi mang ra ngoài.
Kiểm soát chặt là mục tiêu của đơn vị tổ chức thi nhưng thực tế cho thấy cần có những hướng dẫn cụ thể mang tính chính thống để kết nối, chia sẻ với các nhà trường phổ thông và học sinh về cách thức thi mới. Nếu không, thí sinh rất dễ bị nhiễu bởi thông tin từ nhóm có lợi ích bên ngoài.
"Cửa lớn" trong tương lai?
Thi đánh giá năng lực, tư duy đang được một số chuyên gia cho rằng sẽ là tiêu chí quan trọng được nhiều cơ sở đào tạo sử dụng trong tuyển sinh.
ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết năm 2023 có 74 trường đại học tuyên bố sử dụng bài thi đánh giá năng lực của cơ sở này. Nhưng hiện mới có trên 90.000 lượt thí sinh dự thi, trên 29.000 lượt thí sinh đăng ký lần hai.
Kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội có 32 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả để tuyển sinh, với 19.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi. Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay có 91 cơ sở giáo dục đăng ký sử dụng kết quả thi để xét tuyển với trên 101.000 thí sinh dự thi.
Tính tới thời hạn ngày 10-6, trên hệ thống xét tuyển của ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ có trên 40.000 thí sinh đăng ký xét tuyển với hơn 190.000 nguyện vọng. Trong đó, đã có trên 30.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường của ĐH Quốc gia này
So với con số trên 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT hằng năm và khoảng trên dưới 600.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học thì số thí sinh quan tâm, tham gia và sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển chưa nhiều...
Điều đáng nói là kết quả thi của số đông thí sinh tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực đều nằm dưới ngưỡng nhận hồ sơ của nhiều cơ sở xét tuyển phương thức này. "Cửa" đánh giá năng lực có trở thành cánh cửa lớn trong tương lai để nhiều thí sinh vào đại học hay không còn lệ thuộc nhiều vào việc học sinh phổ thông có bước qua được sự xa lạ với cách thức thi này hay không.
------------------
Trái với những trường tốp trên khiến cả học sinh và phụ huynh đau đầu là câu chuyện thí sinh nộp hồ sơ là đỗ, điều kiện tuyển sinh dễ dãi. Những câu chuyện dở khóc dở cười trong tuyển sinh "vét" đáy.
Kỳ tới: “Dễ như ăn kẹo”?
Cũng là đi thi, nhưng điểm lạ nhất là thí sinh bước vào phòng thi với chiếc laptop trên tay. Có những thí sinh được phụ huynh đưa đến muộn, vội vã vào cửa rồi lại vội vã chạy ra vì quên máy tính, một công cụ không thể thiếu cho kỳ thi SAT.