Hãng Reuters dẫn thông tin từ Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ ngày 22-6 xác nhận Titan - tàu ngầm mất tích khi tham quan xác tàu Titanic - đã phát nổ khiến cả 5 người trên tàu thiệt mạng.
Trước khi kết quả này được đưa ra, nhiều nước đã cử máy bay, tàu ngầm, robot biển sâu để tìm kiếm tàu Titan. Sau ngày 22-5, các robot vẫn được triển khai xuống đáy biển để tìm hiểu nguyên nhân gây ra vụ nổ tàu.
Theo tờ The Washington Post, nỗ lực giải cứu tàu Titan đã tiêu tốn khoảng 1,3 triệu USD của Mỹ.
Máy bay HC-130 Hercules chuẩn bị tham gia nỗ lực tìm kiếm tàu Titan hôm 21-6. Ảnh: AP |
Ông Norman Polmar - nhà sử học hải quân - cho rằng không có cuộc tìm kiếm đại dương nào có thể so sánh được với cuộc tìm kiếm tàu Titan vừa qua, vì cuộc tìm kiếm đã được rất nhiều quốc gia, các doanh nghiệp thương mại tham gia.
Cuộc tìm kiếm cũng huy động nhiều phương tiện hiện đại, trong đó có máy bay P-3 Orion, máy bay tuần tra biển P-8 Poseidon. Theo tờ Navy Times, riêng máy bay tìm kiếm đã tốn hàng chục nghìn USD vận hành mỗi giờ.
Hóa đơn liên quan hoạt động tìm kiếm của lực lượng Tuần duyên Mỹ đã lên đến hàng triệu USD. Tuy nhiên, theo lực lượng này, họ khó có thể nhận lại các khoản tiền này. “Lực lượng bảo vệ bờ biển, theo cả luật pháp và chính sách, không tìm cách thu hồi các chi phí liên quan đến tìm kiếm và cứu hộ từ những người nhận các dịch vụ đó” - đại diện Tuần duyên Mỹ nói hôm 23-6.
Bà Mikki Hastings - chủ tịch Hiệp hội Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Mỹ - cho biết ưu tiên hàng đầu trong việc tìm kiếm và cứu nạn luôn là cứu người. Do đó, các cơ quan cứu hộ không muốn những người gặp nạn phải suy nghĩ về chi phí trực thăng hoặc các nguồn lực khác khi tính mạng gặp nguy hiểm.
“Cuối cùng, những người này gặp nạn. Họ xứng đáng được tìm thấy. Đó là sứ mệnh, bất kể họ là ai” - bà nói.