Sự kiện cùng nhau đọc sách Baca Bareng đã được tổ chức hàng tháng. Ảnh: instagram.com/bacabareng.sbc
Không giống như các câu lạc bộ đọc sách thông thường, những thành viên của Baca Bareng (Cùng nhau đọc sách) không nói bất kỳ điều gì trong suốt 60 phút. Một số người ngồi trên những chiếc ghế dài đặt quanh công viên, những người khác chọn cách thư giãn đọc sách trên mặt đất hoặc bãi cỏ.
Baca Bareng do Câu lạc bộ Sách im lặng Indonesia thành lập. Từ tháng 8/2019, các buổi đọc sách trong im lặng đã diễn ra định kỳ hàng tháng. Bất kỳ ai trong thành phố cũng đều có thể tham gia các buổi đọc sách trong bầu không khí im lặng kéo dài 1 giờ. Không thảo luận về sách, những người tham gia chỉ đơn giản ngồi đọc sách cùng những người có chung niềm đam mê với họ.
Baca Bareng không tổ chức bất kỳ một trò chơi giải trí, hay những hoạt động tương tác bắt buộc nào. Đến cuối buổi, các thành viên sẽ cùng nhau chụp ảnh nhóm. Lúc đó, những người tham gia mới có thể tự do trò chuyện cùng nhau, nhưng chỉ khi họ muốn.
Cô Hestia Istivianie, người sáng lập Câu lạc bộ Sách im lặng Indonesia, cho biết: "Mọi người thích đến đây đọc sách bởi họ không muốn trò chuyện, không muốn bàn luận. Không phải ai cũng thích giới thiệu bản thân trước đám đông, đặc biệt là một số người nhút nhát hoặc hướng nội. Trong câu lạc bộ này, mọi người vẫn có thể thoải mái đọc sách cùng nhau mà không cần nói chuyện".
Baca Bareng là một phần của chuỗi hoạt động thuộc Câu lạc bộ Sách im lặng toàn cầu. Phong trào đọc sách này được khởi xướng từ năm 2012 tại Mỹ với hơn 300 nhóm hoạt động trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Australia, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ và Nam Phi.
Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á - bao gồm Malaysia, Thái Lan và Singapore - cũng tổ chức các nhóm đọc sách dưới hình thức này. Theo trang web của Câu lạc bộ Sách im lặng toàn cầu, nhiều nhóm đọc sách đã được thành lập ở một quốc gia, riêng Singapore có hai nhóm.
Cô Hestia - nhà sáng tạo nội dung 30 tuổi - đã được truyền cảm hứng thành lập câu lạc bộ đọc sách trong im lặng cách đây 4 năm, sau khi em gái cô bị bạn bè bắt nạt chỉ vì thích đọc sách.
"Khi em gái tôi đang học trung học, một số người bạn đã chế giễu cô bé vì cô bé không muốn đi chơi trong giờ nghỉ trưa. Tại sao mọi người lại chế giễu những người chỉ muốn tận hưởng thời gian đọc sách?", cô Hestia nói.
Hestia là một người đam mê đọc sách. Cô đang điều hành một trang Instagram chia sẻ về những cuốn sách mà cô từng chiêm nghiệm. Người phụ nữ 30 tuổi nói rằng cô đã biết đến phong trào đọc sách trong im lặng trên mạng xã hội và đăng ký tổ chức câu lạc bộ đọc sách im lặng ở Indonesia.
Theo Hestia, buổi đọc sách im lặng đầu tiên ở Indonesia được tổ chức tại một cửa hàng Starbucks ở Menteng, trung tâm Jakarta chỉ với 10 người tham dự. Sau đó, số lượng người ngày càng tăng lên. Trung bình hiện có khoảng 30 người tham dự các buổi đọc sách mỗi tháng, với sự tham gia của những thành viên mới.
Những người tham gia có thể tự do nghiền ngẫm một cuốn sách ở bất kỳ thể loại nào mà họ thích, có thể là đọc một cuốn sách, sách điện tử hoặc thậm chí là nghe sách nói.
Các buổi Baca Bareng thường được tổ chức vào sáng Chủ nhật, tại các công viên công cộng, cũng như các quán cà phê, với mục đích giúp mọi người thư giãn vào cuối tuần.
Cô Hestia cho biết điều thúc đẩy cô tổ chức các buổi đọc sách này là mong muốn khuyến khích nhiều người dân Indonesia đọc sách hơn, đặc biệt là trong bối cảnh việc đọc sách đang nhường chỗ cho điện thoại di động, Internet và các phương tiện kỹ thuật số khác.
Năm 2019, cuộc khảo sát do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện đã xếp Indonesia ở vị trí thứ 62 trong số 70 quốc gia về tỷ lệ biết chữ.
Một nghiên cứu riêng năm 2016 của Đại học Central Connecticut (Mỹ) - nơi được mệnh danh là quốc gia có tỷ lệ biết chữ nhiều nhất thế giới - đã xếp hạng Indonesia ở vị trí thứ 60 trong số 61 quốc gia về sở thích đọc sách, dưới Thái Lan ở vị trí thứ 59 và chỉ cao hơn Botswana.
Tuy nhiên, theo cô Hestia, có rất nhiều người Indonesia có sở thích đọc sách, mua sách. Ngay cả trong đại dịch COVID-19, khi các hạn chế phòng dịch được áp đặt như cấm tụ tập đông người, các buổi đọc sách vẫn diễn ra qua hình thức trực tuyến, trên các nền tảng như Zoom.
Hestia nói rằng ban đầu cô cảm thấy kỳ cục khi một nhóm người gọi nhau qua Zoom, tắt micrô và đọc sách trong im lặng. Nhưng cô đã nhận được phản hồi tích cực từ những người tham gia. Họ nói rằng rất thích nhìn những người khác đọc sách cùng mình. Vì vậy, cô đã tiếp tục tổ chức các buổi Baca Bareng trong suốt đại dịch. Đến tháng 5/2022, các buổi đọc sách trong im lặng lại tiếp tục diễn ra trực tiếp.
Hestia bày tỏ mong muốn phong trào Baca Bareng sẽ lan rộng đến nhiều vùng khác của Indonesia, để nhiều người có thể được truyền cảm hứng đọc sách hơn.
"Tôi hy vọng mọi người có thể biết đến những buổi đọc sách này và thành lập câu lạc bộ đọc sách trong im lặng bên ngoài Jakarta. Câu lạc bộ đọc sách trong im lặng cũng thú vị như các câu lạc bộ khác ngoài kia. Tôi hy vọng nhiều người sẽ nhìn nhận việc đọc sách theo cách đó", Hestia chia sẻ./.